Cầu vẫn được sử dụng là phương tiện duy nhất để nhân dân thôn Cốc Khoác qua suối sang thị trấn Hùng Quốc |
Cầu tọa ở thôn Cốc Khoác, thị trấn Hùng Quốc, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng, cách đường biên giới Việt- Trung khoảng 5 km về phía tây nam. Cầu có chiều dài 13 m và rộng 2,5 m.
Các bô lão dân tộc Tày, Nùng trong làng cho biết, xưa kia hai bên cầu có hàng lan can thấp xây bằng đá. Ngày nay, chúng được thay bằng loại gạch xi măng trộn cát vàng. Quanh thân cầu cây xanh leo phủ kín, che khuất đỉnh vòm cầu.
Cách đầu cầu phía đông khoảng hơn 10m, có một tấm bia đá ven đường ghi lại sự tích dựng cầu. Bia khá lớn, cao 1,43m, rộng 0,70 m, dầy 0,12m, trán bia hình vòm không trang trí hoa văn.
Do được làm bằng đá granite có kết cấu hạt thô, trải qua thời gian dài, mặt bia bị bào mòn không đều. Các phần chữ Hán trên bia cũng bị mài mòn phần lớn. Trên trán bia còn lưu lại tứ đại tự “Dao Quang Củng Kiều”.
Khảo sát sơ bộ, các cán bộ Viện Khảo cổ bước đầu nhận định bia được dựng vào năm Minh Mạng năm thứ 18 (năm 1837). Trong bia nói sự kiện cầu được xây dựng từ thời vua Cảnh Hưng năm thứ 49 (năm 1789).
Đến năm Minh Mạng thứ 18, cầu được trùng tu sửa chữa, gia cố nhờ đóng góp tiền của, công sức của các thổ hào họ Nông giàu có trong vùng.
Trong bia cũng có nhắc đến niên hiệu vua Quang Trung năm thứ tư (năm 1791), cho thấy có sự kiện gì đó của thời ấy liên quan đến vùng này.
Đây là tấm bia có giá trị lịch sử - văn hóa cao, có thể khai thác nhiều sử liệu về một giai đoạn lịch sử quan trọng từ thời đại cuối Lê- đầu Nguyễn ở khu vực miền núi phía Bắc này.
Theo TS Trình Năng Chung, Viện Khảo cổ học, Trưởng đoàn khảo sát, tấm bia đá cho thấy cầu “Dao Quang Củng Kiều” ở thôn Cốc Khoác xây dựng thời Lê Cảnh Hưng này có lối kiến trúc độc đáo.
Trong lịch sử xây dựng cầu đường ở nước ta, những di tích như cầu Cốc Khoác không có nhiều. Ngay ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ những cây cầu thời Lê tồn tại cho đến nay cũng rất ít.
Do vậy cầu Cốc Khoác thời Lê ở điểm cực Bắc nước ta có giá trị lịch sử văn hóa, chính trị rất lớn. Di tích xứng đáng là di sản văn hóa dân tộc ở vùng biên viễn của Tổ quốc.
Trải qua hơn hai trăm năm, cầu vẫn được sử dụng là phương tiện duy nhất để nhân dân thôn Cốc Khoác qua suối sang thị trấn Hùng Quốc.