'Tôi vẽ trẻ con thấy mắt chúng có hình dấu hỏi'

'Tôi vẽ trẻ con thấy mắt chúng có hình dấu hỏi'
TP - Vào nhà họa sĩ Nguyễn Thị Hiền ở TPHCM, thấy chị vẽ mà như ngồi thiền giữa rừng tượng và tranh. Nhiều nhất là những bức vẽ trẻ con còn thơm mùi sơn. Mấy tháng nay họa sỹ đóng cửa để ở nhà vẽ những bức tranh loại này để rồi triển lãm “Dòng chảy 6 - Những đứa trẻ” đang diễn ra ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Nguyễn Thị Hiền chia sẻ: Những đứa trẻ là đề tài gần như thường trực. Gần như các cuộc triển lãm của tôi đều thấp thoáng đâu đây những đứa trẻ. Bởi vì chúng ta ai cũng từng là đứa trẻ, lớn lên có con, khi lên ông lên bà thì lại có những đứa cháu.

Những đứa trẻ là sự tiếp nối, là cái gì đó rất đẹp. Tôi đã vẽ nhiều đứa trẻ nhưng dịp này tập trung thành một chủ đề. Khi vẽ tôi nhớ câu “Nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”.

Tôi vẽ chúng như những bông hoa vì chúng muôn màu muôn sắc, lại rất mong manh và rất đẹp. Khi mình vẽ xong series ấy thì chúng lại kéo mình về với ký ức, cho nên không thể nào bỏ được đứa trẻ của thời chiến tranh, thời bao cấp, những đứa trẻ của các vùng miền với thân phận khác nhau. Nó như là sự tiếp nối thế hệ cùng là đời sống của một dân tộc.

Picasso nói, phải mất rất nhiều thời gian để trở thành trẻ con. Phải chăng ở tuổi này chị đã có đủ thời gian để thành trẻ con và vẽ trẻ con?

 “Khi vẽ, tôi nhớ câu “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”. Ngay một đôi dép, cái nơ thôi mỗi đứa cũng một kiểu, nói gì đến những khuôn mặt và thân phận”. 

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền

Tôi yêu trẻ từ khi chưa có gia đình, cứ trung thu hay ngày Tết là đưa trẻ hàng xóm rồng rắn ra phố mua quà. Trẻ con khu phố đi theo cả đoàn. Rồi tôi mở lớp dạy vẽ, mua giấy bút cho trẻ ở khu phố. Qua cả một quá trình vẽ trẻ con, đến tuổi này đôi mắt mình nhìn chín chắn hơn nhưng đồng thời cũng hiểu rằng đứa trẻ rất mong manh, như mầm non mới nhú, rất trong sáng và mình hiểu thêm một phần trách nhiệm.

Khi tôi vẽ những đứa trẻ, thấy cặp mắt các em nhìn như một dấu hỏi. Chúng ta sẽ làm gì cho lớp trẻ?

Phải nhìn vào sự tươi sáng trong lành của những đứa trẻ, tìm về cuộc sống bình yên hơn, không quá bon chen không quá lao vào cơm áo gạo tiền, để tìm lại những gì trong sáng đã mất. Người lớn nên giữ lại đứa trẻ hồn nhiên nơi mình. Đó là điều tôi muốn nói trong triển lãm “Những đứa trẻ”.

Vẽ trẻ con chị sử dụng chất liệu và thủ pháp gì để tạo khác biệt?

Tôi muốn mở ra cái gì đó tươi mới. Tôi phải tìm chất liệu để giúp mình thực hiện ý tưởng đó.

Có người hỏi sao không vẽ sơn ta? Sơn ta có cái hay nhưng phải vẽ lâu, có thể làm mất đi cảm xúc ngồn ngộn. Ngoài ra màu sắc của trẻ con tươi tắn rực rỡ hơn nên tôi sử dụng sơn mài.

Tôi vẽ 75 bức, có bức chỉ một đứa, có bức hai ba đứa, có bức bốn năm đứa, thì cái việc mình ngồi bịa là không thể được. Phải đi, thâu lượm thực tế, ghi chép lại. Ngay một đôi dép thôi, cái nơ thôi mỗi đứa cũng một kiểu, nói gì đến những khuôn mặt và thân phận. Vẽ xong lại đi, đi rồi về nuôi dưỡng cảm hứng để vẽ.

Có thể chị vẽ chúng để “trốn” ưu phiền trong cuộc sống?

Tôi bắt tay vào vẽ năm 2011 sau đó ra Hà Nội làm nhà lưu niệm cho bố - nhà văn Kim Lân. Sang năm 2012 đang vẽ thì gặp chuyện buồn bèn đi Mỹ, đi Hàn Quốc chơi và xem tranh rồi nhận ra hội họa vẫn là cuộc sống của mình, không có gì thay thế được, chẳng có gì cản trở được mình vẽ và mình phải tiếp tục vẽ. Chỉ có vẽ và nhất là vẽ về những đứa trẻ mới giúp tôi tan biến mọi ưu phiền.

Những đứa trẻ tôi vẽ có cả đứa trẻ Nguyễn Thị Hiền ngày nào. Có lẽ thấp thoáng trong đó cả những đứa em, đứa bé hàng xóm bây giờ cũng 40 - 50 tuổi rồi. Rồi những đứa mình bắt gặp trong hành trình khắp mọi nơi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Những anh trai được cứu
Những anh trai được cứu
TPO - Bằng cách này hay cách khác, tất cả nghệ sĩ tham gia 2 show Anh trai đều được hưởng lợi. Có người được tận hưởng trở lại hào quang sau giai đoạn dài mất hút. Nhiều nghệ sĩ đã bứt lên phủ sóng mạng xã hội.