> Không gian giải trí trên cao đoạt giải tài năng kiến trúc 2013
> Tài năng Kiến trúc 2013: Cần điên rồ hơn nữa!
Phan Thị Khánh An và Nguyễn Phước Vinh (bên phải) nhận giải thưởng. |
Cuộc thi tài năng kiến trúc 2013 do Đại sứ quán Đan Mạch chủ trì với chủ đề “Giải pháp kiến trúc tạo dựng không gian đô thị” đã thu hút 39 tác phẩm dự thi trong một thời gian ngắn. 10 tác phẩm xuất sắc đã được lựa chọn và trưng bày từ 22/10 đến 31/10 tại Tadioto, số 9 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Phần lớn các đồ án dự thi đều xuất phát từ thực tiễn xã hội như tạo không gian giải trí trên cao tại đường Bùi Viện, TPHCM, cải tạo không gian phố đường tàu ở Hà Nội, tận dụng không gian trống phía dưới cầu đường sắt trên cao, hay thiết kế lại không gian công cộng của khu phố cổ Hà Nội…
Cần lắm sự chủ động
Theo KTS Hoàng Đạo Kính, cuộc thi đã thu hút nhiều bạn trẻ tham gia, góp phần tạo nên sự chủ động cho những người làm công việc sáng tạo, điều mà giới kiến trúc hiện nay đang thiếu. Đây là một điều vô cùng cần thiết vì nó sẽ kích thích đam mê cống hiến.
KTS Hoàng Đạo Kính nói: “Xã hội ta đang sống hiện rất lộn xộn, tạo ra nhiều bức bối cần tháo gỡ. Mỗi cá nhân nên nghĩ cách cải tạo, cải tiến không gian sống của mình một cách khả thi. Qua các đồ án của các bạn trẻ, tôi nhận thấy các bạn đã nhận ra bức xúc xã hội từ dưới lên. Điều đó cho thấy, các bạn có tư duy xã hội tốt”.
Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhận xét, các đồ án tham dự cuộc thi đều khá sáng tạo. Việc xây dựng ý tưởng trung tâm đi bộ và khu giải trí trên cao của đồ án “Khu Vinh Bùi Viện” là táo bạo và cần khích lệ. Tuy nhiên, để đồ án có thể trở thành hiện thực, rất cần có các nhà đầu tư.
Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam John Nielsen cũng mong muốn: “Cuộc thi tài năng này mang đến sự khích lệ không chỉ cho những tác giả có dự án tại triển lãm mà còn đối với những tài năng trẻ mới tại Việt Nam cũng như tiếp tục tăng cường trao đổi ý tưởng và kinh nghiệm giữa các sinh viên, các nhà chuyên môn và công chúng”.
Theo thông báo ban đầu của BTC, một suất tham quan và học tập tại Đan Mạch sẽ dành cho người thắng cuộc. Thế nhưng, đến phút cuối, ba tác giả của đồ án “Khu Vinh Bùi Viện” chiến thắng và BTC đã quyết định dành tặng 3 suất sang Đan Mạch cho Nguyễn Phước Vinh, Phan Thị Khánh An, Hoàng Hữu Gia Hân (hiện đang du học tại Mỹ).
Bất ngờ “Khu Vinh Bùi Viện”
“Khu Vinh Bùi Viện” của nhóm KTS Nguyễn Phước Vinh, Phan Thị Khánh An, Hoàng Hữu Gia Hân bất ngờ đoạt giải nhất. KTS Nguyễn Phước Vinh, sinh năm 1988, trưởng nhóm, hiện là kiến trúc sư tự do, cho biết: “Điều tôi tâm đắc nhất là kiếm được không gian trên cao của các nhà cao khoảng 4- 5 tầng ở đường Bùi Viện, TPHCM để tạo dựng không gian trên cao cho các quán café hay sân chơi công cộng”.
Đồ án “Khu Vinh Bùi Viện”. |
Vốn sinh ra trong gia đình không giàu có, nhưng Vinh đôi khi được đến thăm các khu nhà giàu và nhận thấy có những cái mà nhà nghèo khao khát, còn nhà giàu thì thừa thãi. Vinh cứ ao ước, giá mà nhà giàu có thể chia chút ít cho nhà nghèo. Việc biến sân thượng của các nhà cao tầng bình dân trở thành khu giải trí trên cao cũng nằm trong những mong ước đó của Vinh.
Trước câu hỏi về tính khả thi của đồ án, Vinh cho biết, độ khả thi là 60-70% vì có kết hợp giữa hiện trạng với các phân tích đô thị, chứ không đơn thuần chỉ là ý tưởng. Trong đồ án của mình, nhóm Vinh đặt lộ trình thực hiện là 5 năm.
Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào bản vẽ đồ án “Khu Vinh Bùi Viện”, người xem triển lãm quả thật thấy khó hiểu. Ngay KTS Hoàng Đạo Kính cũng nhận xét: “Về giải nhất, tôi chưa hiểu và hỏi mấy người cũng bảo chưa hiểu. Có thể hội đồng giám khảo hiểu hơn vì họ có thời gian xem xét kỹ hơn. Còn với tôi, đã là ý tưởng thì phải thuyết phục tôi ngay, như đồ án Khu nông trại, rất khả thi vì ta vốn dĩ thích trồng cây, hay cải tạo không gian ở phố đường tàu. Riêng “Khu Vinh Bùi Viện” thì tôi chưa hiểu vì giãi bày quá nhiều. Về nguyên tắc, ý tưởng thì không nên giãi bày nhiều.Giãi bày nhiều làm mờ hết cả ý tưởng. Đấy là chưa kể, nét vẽ còn cứng”.
Trước những bình luận về giải nhất, KTS Phó Đức Tùng, thành viên ban giám khảo cho biết, hai giám khảo Việt Nam đều nhất trí trao giải cho “Khu Vinh Bùi Viện” vì tầm nhìn của đồ án. Riêng giám khảo, KTS người Đan Mạch là Peter Hagens lại thiên về đồ án “Bằng cách nào kết nối hai bên bờ sông giữa lòng thành phố” (KTS Trần Hoàng Việt) vì ông cho rằng, vấn đề nước là vấn đề có tính quan trọng nhất của đô thị hiện nay, nên cần nhấn vào điểm đó thì mới tạo nên bản sắc đô thị.
Giải thích về sự vượt trội của đồ án “Khu Vinh Bùi Viện” so với 4 đồ án vào chung cuộc (năm đồ án đầu tiên trong box bên dưới), KTS Phó Đức Tùng cho rằng, đồ án này có hai ưu điểm. Đó là rất bám sát đề bài (Làm thế nào để cải tạo không gian trống của đô thị), nhưng phải thông qua giải pháp kiến trúc, chứ không phải là thiết kế cảnh quan ở một không gian trống. Nhóm tác giả này đã đưa ra rất chặt chẽ giữa xây dựng và không gian trống. Theo chúng tôi, quan trọng nhất là không gian trống này không phải trên mặt bằng, mà nó được nhìn dưới dạng khối. Đó là hai cách nhìn khác nhau và có tầm nhìn khác nhau. Khu nông trại chủ yếu tập trung vào việc cải tạo không gian sống của từng ngôi nhà, hơn là cải tạo chất lượng về giao tiếp trong cộng đồng. Hay như đồ án về xây cầu bắc qua sông Tô Lịch chỉ mới dừng lại ở việc ngăn không cho mọi người đổ rác xuống sông, chứ chưa ra được giải pháp tổng thể cho không gian hai bên bờ sông như thế nào…
Tuy nhiên, KTS Phó Đức Tùng cũng thừa nhận, các đồ án dự thi hoặc non về ý tưởng, hoặc non về giải pháp. Trong khi, xét ở tầm quốc tế, một đồ án tốt phải hội tụ đủ ba yếu tố: ý tưởng tốt, trình bày tốt, giải pháp tốt. Chưa hoàn hảo là đặc điểm chung của các KTS trẻ Việt Nam, nhưng cái đó không thể đổ lỗi cho họ, mà là hạn chế trong đào tạo. Việc có một ý tưởng sạch đã khó, sau đó phải thể hiện tốt ý tưởng đó bằng bản vẽ lại càng khó hơn đối với các KTS Việt Nam. Ngay cả giải nhất cuộc thi này, ban giám khảo chọn vì muốn nhấn mạnh vào vai trò của ý tưởng, chứ ý tưởng đó cũng khá mờ.
10 đồ án xuất sắc nhất 1. Bằng cách nào kết nối hai bên bờ sông giữa lòng thành phố (Trần Hoàng Việt); 2. Tận dụng và cải tạo không gian trống phía dưới cầu cao của đường sắt trên cao ( Lê Thị Thanh); 3. Khu Vinh Bùi Viện (Nguyễn Phước Vinh, Phan Thị Khánh An, Hoàng Hữu Gia Hân); 4. Chiến lược thiết kế lại cho không gian công cộng của khu phố cổ Hà Nội (Cung Thành Đạt); 5. Cải tạo không gian chợ dân sinh (Lương Thu Thảo, Nguyễn Trường Linh, Nguyễn Anh Đức, Bùi Thanh Liêm); 6. “Tái sinh không gian công cộng” (nhóm tác giả Huỳnh Đức Trung, Chu Ngọc Huyền, Nguyễn Thị Thái Hà); 7. “Cải tạo không gian “Phố đường tàu” (Đinh Thị Huyền Trang, Đỗ Bình Minh, Vũ Duy Long); 8. “Khu nông trại” (Nguyễn Hữu Tấn Đạt); 9 .“Tác dụng của khoảng trống” (Đinh Bá Minh Vương, Bùi Văn An); 10. Sân chơi nhện (Lê Danh Quân, Ngô Đức). |