Lắng nghe, thấu hiểu, “quậy”… ngầm

Lắng nghe, thấu hiểu, “quậy”… ngầm
TP - Trong khi thiên hạ đua “xế” hộp, mấy chục năm qua Lương Xuân Đoàn vẫn lề mề cùng xe đạp. Ai cười mặc ai. Anh có sở thích vừa đi đường, vừa nghĩ ngợi, vừa ngắm nghía. May thay cái sự ưa chậm chạp trong sinh hoạt đời thường của anh không lây lan sang tư duy nghệ thuật, không ảnh hưởng đến công việc “vú em” của giới văn nghệ sỹ anh đảm nhiệm lâu nay.

> Võ sư giữ hồn Hùm thiêng bằng sáo sắt
> Khi 'Trẫm' Bùi Giáng tặng thơ cho các 'Đại ca'

Tranh: Nguyễn xuân hoàng
Tranh: Nguyễn xuân hoàng.

Trò chuyện cùng Lương Xuân Đoàn khiến tôi nhớ đến câu “quảng cáo” của một hãng bảo hiểm: “Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”. Hiếm có nghệ sỹ nào chịu khó lắng nghe và nỗ lực thấu hiểu người khác như Lương Xuân Đoàn. Bởi vì mỗi một người nghệ sỹ luôn tiềm ẩn (hoặc thể hiện hẳn hoi) ít hay nhiều cái sự ngạo nghễ của đỉnh Hy Mã Lạp Sơn trong thơ Xuân Diệu: “Ta là một, là riêng, là thứ nhất/ Không có ai bè bạn nổi cùng ta”.

Chẳng phải Lương Xuân Đoàn không có cái Tôi. Trước hết, anh là một họa sỹ đích thực. Vứt cái Tôi, còn gì? Có điều sự thể hiện cái Tôi của Lương Xuân Đoàn không lồ lộ ra ngoài, không để người khác dễ dàng “dòm” thấy: “Cái tôi thể hiện ở chính kiến nghệ thuật trong công việc, cái tôi đậm đặc trong nghệ thuật cá nhân”.

Trong con mắt người đời, anh là một “vị quan chức”, bởi anh từng giữ chức Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ (Ban tuyên giáo Trung ương), đương nhiệm ủy viên Ban thường vụ Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Không ít người phấn đấu có quyền để có uy, còn anh lại né tránh cả uy lẫn quyền. “Gọi tôi là “quan” khiến tôi hơi bị buồn, công việc quản lí với tôi chỉ là chức phận, tôi không muốn vì chức phận mà khiến người ta xa lánh, kinh sợ mình hay chỉ dám ngó từ xa. Ngược lại, chức phận ấy chỉ giúp tôi làm tốt hơn, nhanh hơn những việc cần phải làm cho người khác”, anh giãi bày.

Lương Xuân Đoàn tự nhận mình là “ô sin”, là “vú em” thầm lặng của giới văn nghệ sỹ. Quyết liệt ủng hộ sự đổi mới, tôn trọng tự do cá nhân, chấp nhận mọi khuynh hướng, phong cách nghệ thuật khác nhau, Lương Xuân Đoàn được lòng nhiều người trẻ.

Bản thân anh cũng đặt niềm tin ở lớp trẻ: “Người trẻ tuổi bao giờ cũng là bạn đồng hành của mình, họ cho mình sự nhạy cảm nắm bắt tính khuynh hướng khi xuất hiện cái mới”. Anh cho rằng, đời sống đương đại đang thay đổi chóng mặt nhưng đời sống văn nghệ ở ta đang bị chậm lại, mang tính trì trệ. Tuy nhiên sự trì trệ không phải dấu hiệu bi quan, nó dự báo sự thay đổi. Lương Xuân Đoàn linh cảm sự thay đổi sẽ bắt đầu từ những nghệ sỹ thuộc thế hệ 7x, 8x trở đi…

Thôi công việc quản lí cách đây một năm, cơ quan từng đề nghị anh ở lại một thời gian nhưng anh quyết định về nghỉ theo đúng qui định. Tâm nguyện làm “nô bộc” cho nghệ sỹ vẫn không đổi, “chỉ là bằng hình thức này, hay hình thức khác mà thôi”.

Khi tôi hỏi anh: “Trong công cuộc đấu tranh cho cái mới, bảo vệ cái mới, chắc anh khó tránh khỏi tai nạn?”. Người từng gắn bó 27 năm ở cơ quan “thượng tầng” văn nghệ, trải qua công việc của một chuyên viên rồi công việc phụ trách, đáp: “Đời sống của cá nhân tôi gắn liền với đời sống của anh em văn nghệ sỹ, nó cũng rập rình lên bờ xuống ruộng cùng với họ, trong những sân chơi đột phá nghệ thuật”.

Đừng nghĩ một người “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu” như Lương Xuân Đoàn không bị “đòn roi” từ dư luận. Nếu như sự ủng hộ nhiệt tình của anh với những vở múa của Ea Sola Thủy được dư luận vỗ tay thì vụ lên tiếng bảo vệ tượng mẹ Việt Nam anh hùng ở Quảng Nam, anh lại bị “soi”: “Tôi chỉ nhìn nhận theo khía cạnh trung thực nhất về câu chuyện làm tượng đài. Tôi thấy không đúng như dư luận lên tiếng, Quảng Nam, dù còn là một tỉnh nghèo nhưng là một vùng đất với những giá trị văn hoá không thể phủ nhận thì việc dựng một tượng đài tuy tốn kém là việc nên làm. Bao giờ cũng vậy, hồn cốt văn hoá được nâng lên thì đời sống dân trí, kinh tế nơi đó mới có cơ hội bay lên được”.

Vấp phải sự phản ứng, song không vì thế mà anh chịu “suy suyển” (từ anh hay dùng) quan điểm cá nhân. Những lúc buồn anh dồn tâm vào vẽ. Và trong nghệ thuật, Lương Xuân Đoàn lại ngấm ngầm một cái Tôi riêng.

Ít bán tranh vì tiếc

Không ít người thắc mắc công việc quản lí có “giết” con người nghệ sỹ trong Lương Xuân Đoàn hay không? Bản thân anh tự tin: “Con người nghệ sỹ của tôi mạnh hơn con người quản lí. Cho đến lúc này tôi vẫn vẹn nguyên tâm chất của người nghệ sỹ”. Vì quỹ thời gian dành riêng cho bản thân hạn hẹp nên họa sỹ phải tranh thủ từng phút để nuôi dưỡng tâm hồn và sáng tạo.

Họa sỹ Lương Xuân Đoàn
Họa sỹ Lương Xuân Đoàn.

Mấy chục năm anh đi xe đạp cũng là vì thế: “Đi xe đạp an toàn hơn so với đi xe máy, tốc độ chậm hơn giúp mình thả lỏng người. Dọc đuờng tôi nạp cho mình những cái thuộc về ấn tượng thị giác hoặc là thiên nhiên, hoặc là khuôn mặt tình cờ mình gặp, tất cả đều hỗ trợ cho đời sống nội tâm”.

Lương Xuân Đoàn có thói quen “thức như vạc”, chỉ có đêm anh mới có điều kiện toàn tâm toàn ý cho nghệ thuật. Lúc sáng tác, ông làm việc gần như cả đêm, có thể vẽ một mạch đến sáng.

 Tôi vẫn duy trì vẽ song song với làm công tác quản lý. Ngưng một ngày vẽ là ngưng mất cơ hội để hiểu người khác, nhất là những đồng nghiệp trẻ của mình.

Họa sỹ Lương Xuân Đoàn

Lương Xuân Đoàn tự đánh giá kho tàng tranh của anh không đồ sộ bao nhiêu, chẳng qua “năng nhặt chặt bị”. Từ năm 89 trở đi, hoạ sỹ chọn cho mình lối sáng tác mang tính ngẫu hứng của cảm xúc, giúp anh trong một đêm có thể giải quyết được một bức hoạ. Anh bộc lộ cái tôi khá lạ lẫm: Đưa tâm linh vào sáng tác. Đầu những năm 80, Lương Xuân Đoàn đã có những bức tranh mang màu sắc tôn giáo khi anh vẽ về Trường Sơn. Đó là bức “Thánh nữ Trường Sơn”, sáng tác năm 1985, vẽ năm cô gái bay trên bầu trời Trường Sơn, dài hai mét rưỡi.

Sau đó, có dịp tham dự trại sáng tác ở Nga, anh vẽ lại bức tranh khiến nhiều người ngoại quốc đã làm dấu thánh khi chiêm ngưỡng. Anh là người yêu đạo Mẫu và luôn cho rằng đó là quốc giáo của người Việt. Điều này tác động không ít đến sáng tác của Lương Xuân Đoàn, có người ví anh như một nghệ sỹ nương nhờ cửa Mẫu.

Từng là người lính ở mặt trận Tây Nguyên những năm chống Mỹ nhưng chính tình yêu với Andersen, Paustovsky… từ thời thơ bé và những ám ảnh tôn giáo, đã giúp tranh Lương Xuân Đoàn có nhiều nét mộng mị lãng mạn khi sáng tác những đề tài khốc liệt.

Những bức tranh được sáng tác thời kỳ đầu của anh như “Chiều trên đảo Hòn Tre”, bức tranh lụa với những sắc đỏ khác nhau, giàu chất thơ, đã đưa ra cách tân thay đổi quan niệm nghệ thuật được các bậc trưởng lão lúc bấy giờ thừa nhận.

Một điều khá đặc biệt, Lương Xuân Đoàn chưa từng có triển lãm cá nhân: “Tôi nghĩ những gì mình làm cho nghệ thuật vẫn chưa đủ, tôi thích bước chậm, bình thản”. Trước những năm 80, họa sỹ may mắn được trò chuyện thường xuyên với những “bậc cao thủ” trong làng hội họa như Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái… Họ đã dạy cho anh bài học về phẩm cách nghệ sỹ, “những bậc tài năng như thế ba mươi năm mới có triển lãm”, nên chính anh không biết đến bao giờ mới làm một cuộc “khoe tài” cá nhân. Tuy nhiên anh vẫn đều đều tham gia các cuộc triển lãm mỹ thuật quốc tế khi được mời đích danh. Năm nay anh đã tham gia triển lãm ở Hàn Quốc và Phần Lan.

Anh cũng có một điểm hơi khác người: Ít khi bán tranh, “tranh của tôi chỉ để ở nhà thôi không có duyên với gallery nên không bày ở đâu cả”. Một lần duy nhất anh bán liền sáu bức tranh cho bảo tàng quốc gia Malaysia, khi họ sang mua trực tiếp. Ít bán tranh chẳng phải vì làm cao mà chỉ vì “tôi tiếc vô cùng, đôi khi mình không nhại lại được trạng thái cảm xúc đó. Bởi mỗi ngày mỗi khác, mỗi năm mỗi khác. Có những lúc bình yên thăng hoa nhưng cũng có lúc vật vã trong sáng tạo”.

Trồng một cái cây, viết một cuốn sách…

Nói như một nhà lãnh đạo lớn, một nhà văn, nhà thơ của Cu Ba, “Trong cuộc đời, mỗi người nên trồng một cái cây, sinh một đứa con và viết một cuốn sách”, Lương Xuân Đoàn đã hoàn thành.

Trong số những hoạ sỹ có duyên với nghiệp viết không thể không kể tới Lương Xuân Đoàn. Anh đã có vài tập sách cho thiếu nhi, phụ trách chuyên mục “Người đẹp trong tranh” ở tạp chí “Người đẹp Việt Nam” (Báo Tiền Phong) suốt nhiều năm liền.

Bằng những lời bình súc tích như thơ, anh đã giới thiệu nhiều nhan sắc trong tranh tới những người yêu cái đẹp. Hiện nay, anh vẫn đang tiếp tục viết những bài báo nhằm nâng cao kiến thức hội họa cho độc giả. Ngay từ những năm 70, Lương Xuân Đoàn đã làm thơ in trên báo văn nghệ.

Trong cuộc sống đời thường, người ta cũng chỉ thấy một Lương Xuân Đoàn nho nhã. Trước khi rời quán cà phê, anh không quên nở nụ cười cùng lời chào tạm biệt nhân viên lễ tân và người coi xe. Trong phút chốc, tôi thấy ở anh hình ảnh một người thầy giáo của một thời vang bóng xa xăm…

Nhàn và đủ trong tâm

Lương Xuân Đoàn có một gia đình yên ấm, “bà xã” đứng dưới “mặt đất”, hoạ sỹ và hai cô con gái lơ lửng “trên mây”. Con gái lớn của anh mới tốt nghiệp nhạc viện, đang có hợp đồng thử việc ở dàn nhạc giao hưởng quốc gia, cô con gái út đang học năm thứ tư, Trường ĐH Mỹ thuật (Yết Kiêu). Anh đùa: “Ba người trên mây đã quá nhiều, một người ở dưới đất, lo toan cuộc sống chỉn chu”. Bí quyết giữ gìn mái ấm của anh khá đơn giản: Nghệ sỹ dù cá tính mạnh đến mấy, cũng phải “cất giấu” khi trở về với gia đình.

Anh cho biết, đồng lương của hai vợ chồng hết sức khiêm tốn. Với anh, để quyết liệt vẽ tranh kiếm sống không khó nhưng họa sỹ quan niệm, lộc giời cho mỗi người mỗi khác, đầy đủ hay nhàn tản đều phụ thuộc vào mỗi người, biết đủ, sẽ đủ, biết nhàn, sẽ nhàn. Lương Xuân Đoàn không nghĩ đến sự nhiều tiền hay ít tiền: “Tí tách viết bài báo, vẽ một cái bìa sách, làm một cái minh hoạ, thì thôi, nó cũng như rau dưa duy trì được cuộc sống”. Anh có thói quen không ra hiệu cắt tóc. “Phu nhân” chính là thợ cắt tóc tại gia của anh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Các nhà hoạt động biểu tình tại hội nghị khí hậu COP29 ở Azerbaijan ngày 23/11. (Ảnh: AP)
Nhiều nước bất bình với quỹ khí hậu 300 tỷ USD
TPO - Hội nghị về khí hậu của Liên Hợp Quốc vừa thông qua một thỏa thuận cung cấp ít nhất 300 tỷ USD hằng năm cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của nhân loại và giúp các quốc gia đang phát triển đối phó với sự tàn phá của thiên tai do nhiệt độ toàn cầu nóng lên.