Độc đáo trong “Bi kịch lạc quan”

Độc đáo trong “Bi kịch lạc quan”
TP - Chiều 18/10, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã khai mạc triển lãm tranh của cố họa sĩ Trần Trung Tín (diễn ra đến hết ngày 30/10), một hiện tượng khá đặc biệt của nền mỹ thuật Việt Nam. Ông từng được ví như Edvard Munch (một danh họa người Na Uy) của Hà Nội.

> Họa sĩ mù vẽ 1.000 chân dung Đại tướng
> Nghiêm chào người lính binh nhì

Những tác phẩm của Trần Trung Tín được trưng bày trong bảo tàng mỹ thuật ở các nước Anh, Nhật Bản, Singapore và các bộ sưu tập tư nhân tại Mỹ, Pháp, Hồng Kông... Triển lãm với quy mô lớn lần này đúng vào ngày sinh của họa sĩ Trần Trung Tín (18/10), đồng thời kỷ niệm 5 năm ngày mất của ông. Tại triển lãm, PV Tiền Phong có dịp trao đổi với bà Sherry Buchanan, một chuyên gia nghiên cứu về mỹ thuật đương đại châu Á, người từng nhiều năm nghiên cứu về tranh và viết sách về cố họa sĩ Trần Trung Tín.

Tranh
Tranh "Cô gái và khẩu súng". Ảnh: K.N.

Là người đọc giới thiệu tranh của cố họa sĩ Trần Trung Tín trong lễ khai mạc triển lãm, xin bà cho biết cảm giác của mình khi lần đầu biết đến tranh của ông?

Lần đầu tiên tôi nhìn thấy một bức tranh của Trần Trung Tín trong căn hộ của một nhà sưu tập tại Hồng Kông vào đầu những năm 1990. Bức tranh "Cô gái và khẩu súng" ông vẽ năm 1972 khiến tôi choáng váng bởi chưa bao giờ gặp một sự thương cảm con người đến thế. Bức tranh khơi gợi nỗi buồn về chiến tranh, nỗi buồn của người đàn bà nhưng với sự dịu dàng khôn tả... Khi biết tác giả bức tranh, tôi lập tức sang Việt Nam tìm gặp ông.

Có điều gì đáng nhớ từ cuộc gặp gỡ này?

Trần Trung Tín là một diễn viên, nhà thơ và họa sĩ. Là người đa tài, ông bắt đầu vẽ tranh ở Hà Nội từ những năm 1969-1975 để biểu đạt nỗi đau thương và sự bền bỉ của một dân tộc trong chiến tranh. Thời gian này vì thiếu màu và toan, nên ông vẽ với bất cứ thứ gì mình có, thường là vẽ trên giấy báo hoặc sử dụng các bao tải đựng gạo khâu lại với nhau để có những bức tranh khổ lớn hơn. Nhưng những bức tranh của ông luôn tạo ấn tượng mạnh với người xem bởi sức mạnh tạo hình và sự độc đáo. Sau cuộc gặp gỡ trên, tôi có nhiều năm nghiên cứu về cuộc đời cũng như tranh của ông, rồi viết cuốn sách tranh “Trần Trung Tín- Hội họa và thơ ca từ Việt Nam” được xuất bản năm 2002 tại Anh.

Cố hoạ sĩ Bùi Xuân Phái là người sớm ủng hộ Trần Trung Tín vẽ tranh và đánh giá rất cao tranh của ông rằng: “Màu của Tín là màu của trời cho”. Bà đánh giá thế nào về nhận xét này, khi bản thân họa sĩ Trần Trung Tín không được đào tạo bài bản về mỹ thuật?

Đó là nhận xét chính xác. Cố họa sĩ Bùi Xuân Phái thích sự độc đáo, sự tự do về hình thức biểu đạt lẫn sự tinh tế về màu sắc trong tranh Trần Trung Tín. Họa sĩ vẽ theo cách mình quan niệm, cảm nhận, chứ không phải theo cái ông thấy. Và vẽ như một hành động giãi lòng, chứ không phải là hành động sáng tạo theo quan điểm truyền thống. Bởi vậy, cơ sở để cảm nhận và đánh giá nghệ thuật của ông không phải là những đóng góp về hình thức, về kỹ thuật mà chính là cái đẹp trong bản thân hành động, trong những điều mà ông quan niệm. Những bức tranh như Người ơi, đừng buồn, Thần vệ nữ, Mẹ và con, Người Hà Nội, Bên cột đèn, Hà Nội trong tôi... là những tác phẩm biểu đạt tinh thần đó của họa sĩ.

Được biết, từ giữ năm 1989 đến khi mất năm 2008, cố họa sĩ Trần Trung Tín đã có nhiều cuộc triển lãm trong nước và quốc tế. Ấn tượng của bà về một số cuộc triển lãm này như thế nào?

Tôi ấn tượng khi Trần Trung Tín có triển lãm cá nhân đầu tiên của mình tại Bảo tàng Mỹ thuật Singapore vào năm 2001. Ông cũng là họa sĩ Việt Nam đầu tiên được mời tham dự triển lãm tại Bảo tàng Anh tại London năm 2002, sau đó là năm 2007. Không chỉ riêng tôi, nhiều người tham gia triển lãm cũng có ấn tượng về tranh của Trần Trung Tín. Đó là ngôn ngữ tạo hình phản ánh nét độc đáo riêng trong dòng tranh sơn dầu của Việt Nam. Tác phẩm của ông mang dấu ấn của trường phái hiện đại phương Tây, đồng thời lại phản ánh niềm tin, tín ngưỡng phương Đông. Đó cũng là lý do mà không ít người nước ngoài đã mua tranh của Trần Trung Tín, biết đến tên tuổi của ông. Thậm chí báo chí nước ngoài còn ví Trần Trung Tín như Edvard Munch (một họa sĩ người Na Uy) của Hà Nội. Điều này khiến tôi nhớ lại nhà phê bình nghệ thuật Thái Bá Vân lúc sinh thời từng nói với tôi: “Tín là một người nhạy cảm. Những tiếng kêu trong tranh Tín, giống như tiếng kêu của họa sĩ Edvard Munch, những tiếng kêu xé toạc đất trời..”.

Những hình ảnh ấy là nhật ký thị giác của người đàn ông đang vật lộn tìm lại sự sống và sự tự diễn đạt giữa thời chiến, sự đói nghèo, một thế hệ có nhiều lo toan cho lịch sử của đất nước. Vượt lên nỗi buồn chiến tranh, bức tranh đầu tiên mang tên “Bi kịch lạc quan” ông vẽ tại Hà Nội năm 1969 đã thể hiện được sự lạc quan của người nghệ sĩ trong những hoàn cảnh ngặt nghèo đó.

Xin cảm ơn bà.

Trần Trung Tín (1933-2008) sinh tại Chợ Lách (Bến Tre), từng tham gia kháng chiến chống Pháp. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, học khóa đầu tiên của Trường Điện ảnh Việt Nam, trở thành diễn viên rồi biên kịch điện ảnh. Năm 1969, ông bắt đầu vẽ tranh. Sau khi đất nước thống nhất, Trần Trung Tín trở về miền Nam và chuyển hẳn sang vẽ.

 

KIẾN NGHĨA
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Bà Rịa-Vũng Tàu lên tiếng về trào lưu chơi pickleball; TGĐ người Nhật bị quấy rối
Bà Rịa-Vũng Tàu lên tiếng về trào lưu chơi pickleball; TGĐ người Nhật bị quấy rối
TPO - Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu cán bộ không để việc chơi pickleball ảnh hưởng đến công việc; Chi 25.000 tỷ đồng mở rộng hai tuyến đường huyết mạch ở TPHCM; Chủ nhà ở Đồng Nai cẩu ô tô để trên cổng làm kỷ niệm; Xác định số lượng voi rừng ở Đồng Nai,... là những tin tức phương Nam đáng chú ý tuần qua.