Người trẻ quẩn quanh trong tổ thì có gì đặc biệt?

Người trẻ quẩn quanh trong tổ thì có gì đặc biệt?
TP - Từ Quẩn quanh trong tổ đến Trời hôm ấy không có gì đặc biệt, Phan An (sinh 1984) đang nổi lên là cây bút trẻ đáng chú ý nhất hiện nay.

> Nhà thơ Trần Anh Thái: 'Nô lệ' cho chính mình
> Nhà văn Phạm Ngọc Tiến: Chất thợ, chất lính, chất văn

Dương Phương Vinh (DPV): Chị đề cao cuốn sách thứ hai của Phan An nhưng cuốn đầu khiến tôi ngạc nhiên hơn. Một giọng điệu trẻ trung mới mẻ, không giống các cây bút trẻ bây giờ viết na ná nhau. Chị nói quan tâm cuốn thứ hai vì nó xoáy vào giáo dục?

Đỗ Hoàng Diệu (ĐHD): Với văn phong khác biệt như Phan An, cuốn trình làng bao giờ cũng dễ gây choáng. Không hẳn tôi quan tâm cuốn thứ hai vì nó xoáy vào giáo dục. Vấn đề vĩ mô đó đã có quá nhiều người lên tiếng, vẫn dậm chân tại chỗ, vẫn lý thuyết học sinh thì phải học thầy cô không được học chính mình, vẫn thực hành nghiêm minh công thức yêu cô kính thầy phong bì dầy là cứu cánh tương lai!

Tôi yêu Trời hôm ấy không có gì đặc biệt vì tôi thấy mình, thấy bạn bè, thấy ngôi làng, thấy trường đại học… và cả cái quần hoa thủng đít hồi 8 tuổi của tôi trong cuốn sách ấy.

Dù Phan An đã “cảnh báo” rằng nhân vật trong sách đều không có thật, song tất cả hiện ra vô cùng sống động. Anh ta đã “dối trá”. Những câu chuyện là có thật, đó là quá khứ của anh ta, quá khứ của tôi, của chị, của hàng triệu người. Và tiếc thay, hình như, vẫn sẽ thành quá khứ của con cháu chúng ta.

 Ảnh: N. Châu
Ảnh: N. Châu.

DPV: Trong “Trời hôm ấy không có gì đặc biệt”, tác giả vẽ lên một không khí trường ốc mà ở đó thầy không ra thầy, trò không ra trò, trường không ra trường, lớp không ra lớp.

Xu hướng bây giờ, người ta hay phê phán trường sở - nơi không có cách đào tạo tối ưu, để đến nỗi nhà nào cũng mơ giấc mơ du học. Tuy vậy, giới học trò cũng nhiều vấn đề. Ngày xưa Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi đến thăm một ngôi trường từng chỉ dạy “các cháu làm sao để đừng gây ấn tượng rằng ở trường thì mác-xít, ra đường thì nhăng nhít, về nhà thì phát xít”. Mác-xít được hiểu là nghiêm túc, chỉn chu.

ĐHD: Chị không học trường làng chị không biết chứ cái trường làng của Phan An giống hệt trường làng tôi. Dù Phan An cách tôi cả chục năm ròng. Thầy giáo coi chuyện dạy như một nhiệm vụ hết sức cấp thiết … cho chính mình. Cấp thiết vì biên chế, lương bậc. Hiếm thấy tia sáng nào gọi là nhiệt huyết say mê vì sự nghiệp trồng người. Lương lại chẳng bằng ai. Thế là việc lên lớp thành gánh nặng, học sinh thành của nợ. Rồi học sinh thiếu tôn trọng thầy.

Một bộ phận ra sức vác ba lô đến nhà thầy học thêm cũng chỉ vì giấc mơ bước đến cánh cổng trường đại học chứ tay vừa đưa thù lao cho thầy bụng vừa ành ạch tiếc. Cứ như cái cù, xoay mãi trên cái nền trật trẹo, hỏi sao cù chẳng “ngỏm”.

Nói đi cũng phải nói lại. Không phải không có thầy cô giỏi. Có, nhưng một số họ bất mãn. Không phải không có thầy cô có tâm. Nhiều, nhưng nhiều người nghỉ hưu hoặc đi đâu đó, vì chướng tai gai mắt hoặc vì những lý do khác.

Năm trước, báo chí rộ chuyện sinh viên Luật tố thầy bán điểm. Rồi cãi chày cãi cối rồi thanh tra rồi kết luận là không có chuyện đó. Thật nực cười.

Mấy năm đại học, tôi đã tận mắt thấy bao chuyện đổi tiền lấy điểm kiểu thế. Mà đấy là những năm 90, công nghệ mua bán nhân phẩm chưa sôi nổi như bây giờ. Một nền giáo dục như vậy, thử hỏi chị có muốn cố gắng để đẩy con mình ra khỏi cái nền đó không? Và Phan An viết thế, chúng ta thích, tất nhiên phải thích. Vì nó rất ngấm và rất đau.

Tôi đặc biệt ấn tượng ông thầy Mẫn của Phan An. Một người tài giỏi, phóng khoáng sống giữa đám trì trệ ấu trĩ. Rồi cuối cùng thì sao, thì ra nghĩa địa nằm, để đám sinh viên tiến bộ cũng bị đuổi khỏi cái trường ấy luôn. Thầy giáo là ai? Là người giúp ta thu nhận kiến thức, giúp ta khơi mở những tiềm năng, tố chất để đi vào cuộc đời. Không phải người lùa chúng ta vào “chuồng”, đóng cửa, bắt học thuộc những công thức cũ nát và luân lý giáo điều.

Nói thế, hiện trạng giáo dục, không thể đổ hết cho thầy. Thầy có giỏi đến mấy đức đến mấy mà môi trường xã hội không thuận thì cũng khó. Chỉ là chị và tôi, chúng ta đang bàn về Trời hôm ấy không có gì đặc biệt, một cuốn sách có liên quan.

Và có vẻ lâu giờ tôi hăng tiết vịt quá. Mà không nhớ là mình đã may mắn, cực kỳ may mắn khi có những thầy cô vô cùng tốt thời trung học ở trường chuyên Lam Sơn. Trường chuyên, nói đến lại là cả một câu chuyện dài…

DPV: Phan An hay trích dẫn Lưu Quang Vũ, có vẻ thần tượng. Đọc “Quẩn quanh trong tổ”, “Trời hôm ấy không có gì đặc biệt” thấy rằng sở dĩ đề tài của nó như vậy, giọng điệu chua cay hài hước như vậy, cũng bởi: “Cuộc sống còn dở dang/Cần đóng góp không cần ngồi ca ngợi”. Bởi những nghịch lý bời bời chung quanh: “Nỗi sỉ nhục buốt lòng/Khi thấy mẹ ta bảy mươi tuổi lưng còng/ Phải làm việc mệt nhoài dưới nắng/Khi thấy lũ em ngày càng hư hỏng/Khi người mình yêu/ Nói vào mặt mình những lời ti tiện/Khi bao điều tưởng thiêng liêng trong sạch/Bỗng trở nên ngu xuẩn đê hèn”. (thơ Lưu Quang Vũ).

Hoặc: Cuộc đời chẳng dừng chân một phút/Những điều hôm qua tưởng tuyệt vời tốt đẹp/Đến nay thành không đủ nữa rồi/ Những người tốt tự bằng lòng với hôm nay/Mai sẽ thành kẻ xấu. (Vẫn thơ Lưu Quang Vũ - được trích dẫn trong “Quẩn quanh trong tổ”).

Như thế, vấn đề mà những tác giả trẻ như Phan An đặt ra, đâu phải bé mọn, quẩn quanh trong tổ? Dù cấu trúc của cuốn sách, tôi chưa thích lắm, có độ quẩn quanh thật. Có lẽ vì tác giả còn trẻ.

ĐHD: Anh ta đặt tên sách Quẩn quanh trong tổ song cái tổ của anh ta không phải tổ chim sẻ. Một tựa sách gợi mở và nhiều ý nghĩa “quẩn quanh”.

Có lẽ cái tổ của Phan An là tổ cào cào châu chấu, bay loạn bay xạ đạp đè lên nhau. Con lươn lẹo có cơ may vượt thoát, con thấp cổ bé họng đành chấp nhận dập vùi. Phan An là người viết vừa hồn nhiên vừa cay độc. Tưởng mâu thuẫn nhưng rất nhuyễn.

Cũng như việc anh ta say mê thơ Lưu Quang Vũ, trích dẫn ngổn ngang các dòng thơ đầy hình ảnh lãng mạn trong tác phẩm mang tính giễu nhại của mình, rất ép- phê.

Chỉ riêng việc anh ta không à ơi tình Hà Nội tình Thượng Hải, không đồng tính đồng tiền như nhiều sách của người trẻ bây giờ mà hùng hục tay không lao vào cái tổ cào cào tung tóe của xã hội, đung đưa lắc lư nó cho chúng ta xem đã làm tôi phục anh ta, chưa kể tới văn chương.

DPV: Một tác giả chưa đầy 30 tuổi đã đóng góp đáng kể về ngôn ngữ và phong cách. Kết hợp được sự học, đọc chính thống và ngôn ngữ văn chương mạng. Ít dùng từ có sẵn mà cải biên, chế tác nó. Chắc sẽ được nhiều người lưu ý học hỏi. Lối chú thích (ở phía dưới trang sách) không giống ai và thường mở ra một câu chuyện thú vị mới: “Cù lao Ré, tên chính thức là huyện đảo Lý Sơn, nổi tiếng cả nước nhờ hai thứ đặc sản - gỏi tỏi trên đất liền và ngư dân gặp nạn trên biển”. “Desktop là máy nằm trên bàn, laptop là máy năm trên đùi, xe máy là máy nằm trên đường” (kẹt xe)…v..v…

Giống lối bình luận tít lá cải tại trang web lacai.org của chủ nhân. Tít: “Mỹ Dung lên xe hoa với bạn trai lâu năm”. Bình: “Bạn trai lâu năm- tức bạn trai trồng từ vài năm trở lên, thường có thân cứng, cao to, thu hoạch được nhiều lần. Ngược lại là bạn trai ngắn ngày, trồng theo thời vụ, thường để lấy củ và hạt là chính”.

Tại trang web nổi tiếng này chủ nhân cũng chứng tỏ được sự dí dỏm, đáo để, thông kim bác cổ… Nên khi nó đóng cửa, nhiều người tiếc vì mất món điểm tâm thú vị hàng ngày.

ĐHD: Không dễ gì bắt chước Phan An. Anh ta có phong cách, có ngôn ngữ riêng. Đọc nhiều biết nhiều từ mọi nguồn. Và cái chính là anh ta chèn nêm các thứ ấy vào văn chương một cách hết sức tự nhiên.

Một số người cũng hay nêm nếm các thứ Đông Tây kim cổ nhưng đọc thấy cứng lắm. Cái này cũng chính là điểm yếu của tôi.

Nếu bây giờ chị ra đề bài hãy miêu tả cầu Long Biên trong một buổi chiều gió bấc mưa phùn. Đa phần nhà văn trẻ sẽ dệt nên một cảnh ảm đạm u buồn, thiếu nữ thất tình xõa tóc ngang hông thất thần nhìn dòng nước buông xuôi, bà nhà quê nghèo khổ bán nước co ro manh áo mỏng, em bé mồ côi lang thang rách rưới tìm cha… Đại loại thế. Còn Phan An viết gì? Tôi đoán rằng sẽ có chuyện gì đấy liên quan đến mùa hè, đến người da đỏ Inca, đến Tây Tạng, đến giao long. Và thể nào cũng khiến chúng ta cười. Dù có thể vừa cười vừa đau.

Những chú thích của Phan An không đơn thuần là lý giải thêm. Mà là văn chương. Vô cùng độc đáo.

Từ đầu tới giờ tôi ca ngợi Phan An hơi nhiều. Nếu còn trang Lá cải thể nào anh ta cũng mang ra giễu. Nhưng thấy hay thì phải nói thôi. Còn cái gì đó chưa hay của văn chương anh ta, nhường các nhà phê bình.

DPV: Điều đặc biệt trong tâm thế của những người viết trẻ bây giờ qua hai cuốn sách của Phan An?

Nguyễn Bình Phương nói một ý tôi cho là rất đúng và hay: “Bản chất của văn học là ký ức. Văn học chính là cái còn đọng lại trong con mắt nhắm”. Ký ức không chỉ là quá khứ của tôi hay của chị mà là quá khứ của chúng ta, của loài người. Tôi nói Phan An sâu sắc vì đọc anh ta ký ức trỗi dậy, tôi thấy mình trong đó. Người trẻ càng cần biết quá khứ, càng cần hiểu về nó. Để làm bàn đạp quay đúng vòng đến tương lai.

Một số bình luận tít báo chí trên lacai.org của Phan An:

Sơ sinh nghi bị mẹ bóp mũi vứt vào thùng rác. Bình: Mẹ nào ác quá, nỡ bóp mũi một thần đồng như vậy! Thăm đại bản doanh gái mại dâm Việt ở Malaysia. Bình: Tội nghiệp, phải đi xa vậy mới có chút bỏ mồm. Phi Thanh Vân bỗng dưng trắng ngọc ngà như Ngọc Trinh. Bình: Da cóc mà bọc bột lọc, bột lọc mà bọc hòn than.

DƯƠNG PHƯƠNG VINH ĐỖ HOÀNG DIỆU thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Nhan nhản nhạc chế thảm họa trên mạng
Nhan nhản nhạc chế thảm họa trên mạng
TPO - Nhan nhản ca khúc chế về Jack - ca sĩ có đời tư tai tiếng, hay bài hát bị chê “thảm họa” Pickleball được lan truyền trên không gian mạng năm qua, gây ra những tranh luận. Chuyên gia nhận định không nên quá khắt khe với những trào lưu này, nhưng chỉ ra sự ảnh hưởng tiêu cực đến danh tiếng nghệ sĩ.