Sơ sót của Chế Lan Viên và nuối tiếc của Tô Nhuận Vỹ

Sơ sót của Chế Lan Viên và nuối tiếc của Tô Nhuận Vỹ
TP - Cuốn Lá trúc che ngang - Chuyện tình của cô tôi (NXB Đà Nẵng) của tác giả Hoàng Thị Quỳnh Hoa, cháu gọi bà Hoàng Thị Kim Cúc bằng cô ruột, người tình đầu tiên của nhà thơ Hàn Mặc Tử đã đưa ra những bằng chứng về những hiểu lầm hay ngộ nhận về mối tình của nhà thơ và bà Cúc mấy chục năm qua.

> Giải mã 'nghi án văn chương' thôn Vỹ
> Nhà thơ Hữu Thỉnh trả lời về một nghi án văn chương

Tác giả Hoàng Thị Quỳnh Hoa giao lưu với độc giả Huế
Tác giả Hoàng Thị Quỳnh Hoa giao lưu với độc giả Huế.

Báo Tiền phong ra ngày thứ 2 (16/9) đã phần nào giải mã “nghi án văn chương” ở Thôn Vỹ bằng việc chỉ ra những sai sót trong các tác phẩm của Quách Tấn, của Nguyễn Bá Tín, mà từ năm 1971 bà Cúc đã có đôi lần phiền trách, nhưng họ không chịu đính chính, thậm chí tiếp tục viết sai lệch về “mối tình” của bà.

Và năm 1987 Chế Lan Viên đã vô tình lặp lại những sai sót kia.

Bà Kim Cúc trách Chế Lan Viên

Trong vòng hai tháng Chế Lan Viên đã hai lần làm “xao động tình cảm” bà Hoàng Thị Kim Cúc, “nàng thơ” của Hàn Mặc Tử hồi cuối thập niên 1930. Đó là bài viết của nhà thơ Chế Lan Viên về vở kịch Quan Nghị gật của Hàn Mặc Tử trên Tạp chí Sông Hương (TCSH) số 25/1987; và bài giới thiệu tập Bài thơ Thôn Vỹ, do TCSH tổ chức bản thảo và ấn hành 40.000 cuốn vào năm 1987, với tựa đề “Sông Thương, Sông Hương trong dòng văn học”.

Trong thư gửi Chế Lan Viên, ngày 10/9/1987, bà Kim Cúc viết: “... rồi tôi cũng được Anh lưu tâm giới thiệu với mấy điều ngộ nhận trên. Không hiểu Anh đã dựa vào đâu để để nhắc đến tôi với mấy lời thiếu tế nhị trên tờ Sông Hương và Bài thơ Thôn Vỹ. Tôi lấy làm phiền lòng hết sức... Xin Anh hãy thận trọng khi đề cập đến một cá nhân nào, nhất là chuyện tâm tình của người đó mà Anh chưa hiểu rõ họ... Nếu tôi cứ yên lặng để Anh đi từ sai lầm này đến sai lầm khác thì sợ sẽ làm giảm giá trị cho các tác phẩm của Anh sau này...”.

Trong bài Sông Thương, Sông Hương... Chế Lan Viên viết: “... Lẽ nào không nhắc đến Hoàng Cúc. Chính Mai Đình mang đến tôi một tập Nắng Xuân có đăng bài Sao anh không về chơi thôn Vỹ của Tử tặng Cúc... in ở Quy Nhơn năm 1937. Chị Cúc không như trong các sách nói đã đi lấy chồng. Chị sống độc thân, tu hành, năm nay 73 tuổi rồi, nhưng tập thơ 50 năm xưa chị vẫn giữ, bút tích Tử chị còn giữ...”.

Nhưng trong thư gửi Chế Lan Viên bà Kim Cúc cho biết: Hai chị em Vân Khanh (cháu Hàn Mặc Tử, học trò cũ của bà Kim Cúc) đến thăm và mượn tập Nắng Xuân. Mấy hôm sau trở lại, cùng Mai Đình, Vân Khanh cho biết: “Em đem tập Nắng Xuân trả cô, nhưng khi ghé nhà Anh Chế Lan Viên, thấy tập thơ Anh mừng quá đòi mượn... Anh bảo cứ đưa Anh mượn, rồi anh sẽ viết giấy cho cô, và Anh đã viết trên tấm danh thiếp này nhờ em đưa đến cho cô đây”.

Bà Kim Cúc viết: “Vậy tập Nắng Xuân đến tay anh là do tự ý Vân Khanh đưa Anh mượn, không có ý kiến của tôi và đặt tôi vào tình trạng đã rồi... Tiện đây cũng thưa Anh rõ là bài thơ Sao anh không về chơi thôn Vỹ không có mặt trong tập Nắng Xuân... Bài Ở đây thôn Vỹ Dạ được sáng tác năm 1939”.

Một trang phụ bản cuốn “Chuyện tình của cô tôi”
Một trang phụ bản cuốn “Chuyện tình của cô tôi”.

Ba chữ “nếu” của Tô Nhuận Vỹ

Trong buổi ra mắt cuốn “Chuyện tình của cô tôi”, với tư cách là Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương (TCSH) thời điểm đó, nhà văn Tô Nhuận Vỹ đã bày tỏ suy nghĩ và sự áy náy của mình: “Tôi cạn nghĩ, sự thiếu chính xác về mối tình của nhà thơ và cô gái Huế, cũng như về gia đình cô Hoàng Thị Kim Cúc đã có thể tránh được, nếu…

1. Nếu năm 1987, cô Kim Cúc đến TCSH đăng cải chính của mình, như cô dự định, thì sự thiếu chính xác này đã không thể tiếp tục (lại có phần đi xa hơn ban đầu) trong hơn 26 năm qua. Tôi nghĩ, với trạng thái tinh thần của Sông Hương khi đó, việc đăng cải chính này, dù có “động chạm” tới không ít tác giả có tên tuổi, là điều không có gì khó khăn. Dĩ nhiên, TCSH cũng đã chưa thật trọn vẹn với cô Kim Cúc và gia đình, khi mà cô đang sống ở Vỹ Dạ. Chúng tôi thiếu một sự chu đáo tham khảo nội dung liên quan đến cô, mặc dầu chúng tôi luôn luôn tôn quý Hàn Mặc Tử và cô. Mặt khác, mọi người đều biết, Chế Lan Viên là người gần gũi với Hàn Mặc Tử và trong nhóm thơ Quy Nhơn, những điều ông nói và viết về Hàn Mặc Tử, trong đó có mối tình Hàn Mặc Tử - Hoàng Cúc, chưa thấy ai phản bác. Chúng tôi thưa lại điều này không phải để không thấy sự thiếu chu đáo của mình mà để mọi người hiểu thêm sự vụ.

2. Nếu các vị đáng kính như Quách Tấn và Nguyễn Bá Tín giữ đúng lời hứa với cô Kim Cúc sẽ chỉnh sửa khi tái bản sách về sự thiếu chính xác khi viết “không đăng đối của hai gia đình”, cũng như quan hệ tình cảm giữa Hàn Mặc Tử và cô thì sự thiếu chính xác càng không đi xa đến vậy…

3. Nếu cuối cùng, nếu như cô Hoàng Thị Kim Cúc… bớt nghiêm cẩn hơn, bớt khép kín mà mở lòng với công chúng thương kính và hâm mộ cô trong quan hệ với thi sĩ, cũng như sự mẫu mực trong đời sống thường nhật… thì câu chuyện chắc cũng không đợi đến ngày hôm nay, khi cô không còn trên cõi đời này nữa.

Nhưng, lại nhưng, nếu cô không là cô như thế thì, biết đâu, cái hư ảo, cái mờ nhân ảnh không còn nữa lại khiến bài thơ và sự thưởng lãm, sự suy đoán không còn vô bờ vô bến… biết đâu Đây thôn Vỹ Dạ sẽ không là một trong những bài thơ tình hay nhất Việt Nam từ xưa tới nay như kết quả ở nhiều cuộc bình chọn của người yêu mến thơ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG