Nhà thơ Trần Anh Thái: 'Nô lệ' cho chính mình

Nhà thơ Trần Anh Thái: 'Nô lệ' cho chính mình
TP - Một buổi chiều nắng gắt, quán ven đường Nguyễn Du đông hơn thường lệ, trong lao xao tiếng nói, tiếng cười, vẫn nổi lên giọng nam đặc biệt, vừa sang sảng, vừa mặn mòi “ vị biển”, bình luận thản nhiên về “món ăn” đang kỳ rớt giá: Thi ca. Chẳng ai có khả năng hồn nhiên đến ngạc nhiên như thế, ngoài thi sĩ họ Trần.

> Nhà văn Phạm Ngọc Tiến: Chất thợ, chất lính, chất văn
> Truyện ngắn của Di Li được dịch ra tiếng Anh

Tranh: Nguyễn Xuân Hoàng
Tranh: Nguyễn Xuân Hoàng.

Nghĩ đến Trần Anh Thái tôi thường nhớ đến trái sầu riêng, kẻ mê không dứt, người ngần ngại bỏ đi. Mê cứ mê, đi cứ đi, hồn nhiên như Trần Anh Thái, chắc chẳng nhọc lòng nghĩ đến sự người ta thèm hay chán mình. Sống mòn đất thủ đô, nhà thơ họ Trần vẫn nguyên màu “quê hương năm tấn”.

“Cho bát nước mắm nguyên chất”, giữa nhà hàng sang trọng. Ai cười mặc ai. Trong vòng vây bạn bè hay trong chếnh choáng hơi men dễ gặp một Trần Anh Thái hồn nhiên phi tuổi tác. Từng nghe đồn đại, nhà thơ đã khiến có bạn văn chương phải “vá” mặt vì màn biểu diễn đĩa bay của anh trong cuộc nhậu.

Trần Anh Thái cười lớn: “Toàn lời vu khống. Tôi có say, nhiều lúc không làm chủ được bản thân nhưng đâu đến nỗi”. Bằng chứng của sự “đâu đến nỗi” là: “Cho đến bây giờ tôi chẳng đánh mất một người bạn nào. Còn nhiều người chẳng say như tôi lại mất bạn như thường”.

 “Chơi trội quái gì. Thích thì tôi viết, tôi không lựa chọn hoặc quá nặng nề về chuyện đó. Tôi không làm cái gì gượng ép cả”.  

Nhà thơ Trần Anh Thái

Trần Anh Thái sinh ra và lớn lên ở huyện Tiền Hải (Thái Bình), vùng đất được Nguyễn Công Trứ mở mang. Có lẽ cái mặn mòi, mãnh liệt của biển, cùng sự ngất ngưởng của người có công khai hoang lấn biển đã thấm sâu vào nhà thơ họ Trần. Anh thích uống rượu hơn uống bia, bữa cơm không thể thiếu nước mắm nguyên chất: “Cái gì cũng thích đậm đà, từ ăn uống tới bạn bè”, anh bày tỏ. Văn chương của anh cũng vậy, muốn lạc vào thiên thai hay suối mơ, đừng dại tìm về Trần Anh Thái.

Tình có mà không, chỉ buồn đau là thực

Một lần tình cờ cầm cuốn thơ tình tuyển chọn, mở ra thấy thơ Trần Anh Thái: “Em không đến chiều nay không đến nữa/Chiều nay hoa tím rụng đầy đường/Gió vẫn thổi lá buồn rơi lả tả/Khói lam chiều một nét vẽ hoàng hôn”. Chẳng thể chê đây là những câu thơ dở song nếu nức nở khen hay chắc chủ nhân của nó sẽ ngượng ngùng.

Trần Anh Thái tiết lộ: “Tôi có một cuốn tiểu thuyết mang tên Số phận nghiệt ngã, dày 300 trang”, cuốn tiểu thuyết tình yêu được Trần Anh Thái viết khi còn trẻ, cùng thời điểm ông bạn Bảo Ninh thai nghén “Nỗi buồn chiến tranh”. Chỉ khác, “Nỗi buồn chiến tranh” khi ra đời đã trải qua long đong nhưng ngay sau đó tìm lại được vị trí kiêu hãnh của nó.

Còn “đứa con” văn xuôi của Trần Anh Thái thì chẳng ai đếm xỉa đến. Trong cuộc chuyện phiếm, anh chia sẻ quan niệm về tình yêu: “Tình yêu đích thực- tình yêu thật, rất hiếm. Nó giống như bông hoa trong đỉnh điểm đẹp nhất, hoa mười giờ chẳng hạn”.

Liên hệ khoảnh khắc vĩnh cửu của tình yêu với khoảnh khắc rực rỡ nhất của hoa mười giờ, chắc chỉ có thi sĩ họ Trần, cách ví von của một người không ưa xa xỉ. Xem ra trong kho ngôn ngữ của tác giả rất chịu khó lặn lội đi tìm cái mới như Trần Anh Thái thiếu vắng những ngôn từ óng ả, bóng bẩy.

Đọc thơ lại thấy những gì thuộc về thế giới của mơ màng hay sang trọng có vẻ cũng không phải “tạng” của anh như khi anh viết: “Vằng vặc ánh trăng thu/ Những vì sao bối rối mỉm cười/Ta đưa em vào cánh rừng dâng niềm khát vọng”. Nhưng khi anh viết về những người, những vật gần gũi thân thương thì thiên hạ giật mình: “Mẹ ta nghèo cây lúa leo pheo/Bàn thờ tổ ngấn hương tàn lẩy bẩy”. Những nghèo, những buồn, những khổ trở đi trở lại trong thơ anh day dứt: “Ta nhấp ngụm buồn thả tận cõi xanh”, “Tiếng thở dài trĩu gánh thời gian”...

Anh vẽ nên miền thôn quê khiến người thành thị phát thèm: “Đêm rúc rích trước sân nhà lùm rơm nức mùa lúa mới. Bạn gái hồn nhiên túm áo kéo vào vườn khuya hái trộm dưa hồng. Tôi ăn no nê tiếng cười trong sáng, huýt sáo lời ca chỉ thuộc nửa chừng”.

Việc gì phải cố?

Nhắc đến Trần Anh Thái, không thể không nhớ đến “món đặc sản” trường ca. Là thi sĩ ai chẳng muốn thử sức làm một tác phẩm tầm vóc. Nhưng thi sĩ thì nhiều, trường ca sống được bao nhiêu? Có thể kể đến: “Đường tới thành phố” (Hữu Thỉnh), “Những người đi tới biển” (Thanh Thảo), “Đất nước hình tia chớp” (Trần Mạnh Hảo)… hay “Gọi nhau qua vách núi” (Thi Hoàng). May mắn, Trần Anh Thái lại tìm được chỗ đứng ở sân chơi khắc nghiệt này. Trong gia tài văn học của nhà thơ họ Trần có tới ba trường ca: “Đổ bóng xuống mặt trời”, “Trên đường”, “Ngày đang mở sáng”.

Trường ca đầu tiên có đề từ: “Giữa mông lung nhặt thu vàng mông lung” nhưng thứ người đọc nhặt được lại không mông lung chút nào. Đó là những ám ảnh của năm đói kém: “Chị tôi chết không cơm không áo/Cha ôm vùng đêm tối đi chôn”, của vết thương chiến tranh: “Nước mắt lặng lẽ rơi phía sau bóng tối/ Tiếng thở dài chôn nỗi buồn vào bao căn nhà thiếu vắng đàn ông”.

Có người kêu Trần Anh Thái ngạo nghễ khi dám “Đổ bóng xuống mặt trời”. Cũng có người nghĩ anh thích chơi trội khi đánh bạn với trường ca. Có người khen Trần Anh Thái viết về chiến tranh, về nông thôn có hồn, thế nên cứ “thấy bở đào mãi”, may chưa đến hồi khô kiệt.

Còn anh thản nhiên: “Chơi trội quái gì. Thích thì tôi viết, tôi không lựa chọn hoặc quá nặng nề về chuyện đó. Tôi không làm cái gì gượng ép cả. Đời thường cũng thế. Tôi thích tự do, làm theo ngẫu hứng, không bao giờ tạo cho mình phải làm điều gì đó gượng ép. Bởi gượng ép rất mệt”.

Anh nói tiếp: “Tôi không quan tâm đến chuyện đề tài, chỉ viết những gì thuộc về mình, tự nó đến, không đến thì thôi. Tôi viết về chuyện chiến tranh như một phần cuộc đời của mình, một thời tuổi trẻ, nó ám ảnh và day dứt thường trực. Suy cho cùng, câu chuyện của văn học là câu chuyện của cõi người”.

Anh đang “cày” trường ca thứ tư trong đời. Dạo này lôi Trần Anh Thái tới các cuộc nhậu không dễ, nếu không phải bạn bè thân. Bình thường anh mất khoảng vài năm cho một trường ca, vất vả nhất là công đoạn biên tập. Thi sĩ vẫn giữ kiểu sáng tác truyền thống với ngòi bút và tập giấy, con chữ chạy ra đầu bút mang lại cho “gã” cảm giác vừa say mê, vừa khát khao. Mỗi một lần “biên tập” là một lần Trần Anh Thái viết lại tác phẩm. Nhọc nhằn, cân nhắc, suy nghĩ. Đến khi tự mình thấy hài lòng mới viết lại trên máy tính: “Tôi đánh máy cũng tạm ổn”, nhà thơ khoe.

Tuy nhiên anh thú nhận, kém khâu kỹ thuật, nên máy tính chỉ dùng để phục vụ công việc xử lí bản thảo: “Tôi nhác lên mạng, nếu lên cũng chỉ lướt qua tình hình thời sự”. Trong cuộc sống Trần Anh Thái còn nhác một số thứ khác nữa. Vừa uống rượu, Trần Anh Thái vừa khẳng định: “Tôi chẳng có bệnh tật gì. Khi uống rượu chắc men gan cao lên chút thôi”. Không có bệnh là do anh tự đoán, tính anh ngại vào bệnh viện, ngại thăm bác sỹ, cách đây vài năm do một cơn đau dữ dội, người nhà đưa anh nhập viện, hơn nửa tháng nằm viện, nhà thơ thấy “lãng phí thời gian, người ra người vào thăm hỏi, không thích”.

Trước trang giấy ta là số 1

Trần Anh Thái thích đọc sách tôn giáo, xem ra anh cũng tin vào số phận, như khi anh lí giải chuyện kiếm tiền: “Tôi không có khả năng kiếm tiền. Số trời sinh ra như thế rồi”. Viết sách để làm kinh tế là điều không tưởng với nhiều nhà văn, nhà thơ, trong đó có Trần Anh Thái. Chưa bao giờ thấy anh dõng dạc tuyên bố như một số cây bút trẻ: Tôi sống đàng hoàng với nghề viết.

Trần Anh Thái viết với mục đích “để mình sướng đã, thỏa lòng mình đã, độc giả họ thích thì họ đọc, không thích thì thôi. Ai yêu quý mình thì mình thấy được chia sẻ, còn họ không chia sẻ cũng là… việc của họ”. Sáng tác cũng giống như việc uống rượu “cứ sướng cái đã, mọi việc khác không quan trọng”: “Khi ngồi trước trang viết và máy tính mình là số một và duy nhất, còn tất cả là vớ vẩn”.

Trần Anh Thái bảo: “Tôi chỉ là nô lệ cho chính tôi, không nô lệ cho những việc khác chẳng thuộc về mình. Người khác có bao giờ thuộc về mình đâu? Ngay cả người vợ mà ta chung sống suốt cuộc đời cũng thế thôi. Họ thuộc về bản thân họ. Ai nói vợ hay chồng thuộc về mình là chỉ chuốc lấy sự đau khổ cho chính mình”. Ngay cả những chuyện quan trọng, anh cũng phiên phiến: “Cái gì không biết là không có chuyện gì xảy ra. Thời gian để đau khổ và dằn vặt về chuyện gì đó thì tôi để phục vụ cho cái thằng người của tôi đây, cái ý thích của tôi đây, niềm đam mê của tôi đây”.

Nếu thoạt nghe Trần Anh Thái nói, dễ lầm tưởng anh là kẻ ích kỷ số một thế giới. Nhưng không: “Hạnh phúc chỉ là tạm thời, nỗi cô đơn, sự đau khổ mới là sự thật, nên cuộc đời cần lược bớt những sự không cần thiết để bớt khổ đau và cô đơn. Nếu ta kéo tất cả về mình thì sẽ đi đến bế tắc”.

Cảm giác khổ đau và cô đơn hằn trên nét mặt thi nhân, làm bấn loạn trang thơ của anh. Nhưng sự buồn đau của Trần Anh Thái không phải tiếng than tuyệt vọng như Chế Lan Viên xưa: “Tôi có chờ đâu có đợi đâu/Đem chi xuân đến gợi thêm sầu/ Với tôi tất cả như vô nghĩa/ Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau”.

Với Trần Anh Thái, người ta luôn thấy hi vọng trong tuyệt vọng, thấy ánh sáng trong bóng tối: “Tôi tựa vào nỗi buồn em khắc khoải/Thấy ánh sáng rực lên ở phía cuối khu rừng”. Chẳng thế mà, Trần Đình Sử từng dè dặt khen tác giả “Đổ bóng xuống mặt trời”: “Có lẽ chỉ trường ca của Trần Anh Thái mới chớm có tình cảm lo âu, bối rối, buồn rầu, thất vọng, mặc dù vẫn giữ niềm tin vào sự sống của con người”.

Hoang dã từ lúc sinh ra

Nhà thơ Trần Anh Thái: 'Nô lệ' cho chính mình ảnh 2
 

Trần Anh Thái không quan tâm nhiều đến các giải thưởng văn học vì “người sáng tác có quy luật bất thành văn: Phải thuần khiết. Nếu mất thuần khiết thì anh chẳng có tác phẩm. Điều quan trọng nhất với nhà văn là phẩm chất”. Như nhiều nhà văn, nhà thơ anh yêu tất cả các cuốn sách của mình. Anh thuộc thơ của mình và giữ gìn cẩn thận các tập bản thảo. Hỏi: “Nếu một ngày anh nhận ra thơ mình đến hồi dở, anh sẽ làm gì?”. Không cần suy nghĩ, Trần Anh Thái đáp: “Thơ là thứ không thể gượng ép. Không thể viết được nữa tôi sẽ ngừng”. Nhiều người thấy buồn hoặc hụt hẫng chút ít khi về hưu, thi sĩ lại khác: “Tôi cảm thấy thích và tự do. Hồi ở cơ quan tôi đã cố gắng dành cho mình sự tự do cần thiết khi có thể, tôi là người hoang dã từ khi sinh ra. Đến giờ vẫn vậy”.

Nông Hồng Diệu

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
TPO - Chiều 4/11, Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, kể từ ngày 6/11.