Ác mộng lồng quảng cáo trong phim

Ác mộng lồng quảng cáo trong phim
TP - Phim truyền hình Váy hồng tầng 24 đang phát sóng khiến không ít người xem bức xúc, vì các màn quảng cáo thô thiển.

> ‘Váy hồng tầng 24’ nối tiếp ‘ Bí mật tam giác vàng'

Phản cảm

Váy hồng tầng 24 chuyển thể từ phiên bản Đài Loan Unbeatable 1, xoay quanh cô gái tên An Nhiên làm tại một công ty truyền thông. Lấy cớ công ty này chuyên quảng cáo cho các thương hiệu, đạo diễn và ê kip để một số nhãn hiệu xuất hiện tràn lan.

Thông cáo báo chí của nhà sản xuất đề tên nhà tài trợ cho phim là POND’S. Thương hiệu này gần như xuyên suốt 15 tập đã phát sóng, chưa kể màu hồng nhận diện thương hiệu thành màu nền màn hình chạy generic, và trong một số chi tiết khác. Trong một tập, poster quảng cáo cho hãng này đập vào mắt người xem không dưới 3 lần chẳng có mục đích gì.

Ngay tập đầu, bối cảnh 10 năm kỷ niệm quan hệ giữa công ty truyền thông này và hãng mỹ phẩm kia, đạo diễn cho chiếu clip quảng cáo sữa rửa mặt như đang phát quảng cáo trên truyền hình. Ở tập khác, ba nhân vật đến siêu thị điện máy tìm người, máy quay lia dọc poster quảng cáo mỹ phẩm dán hai bên thành thang cuốn băng chuyền chạy dài trong siêu thị.

Đỉnh điểm là tập phim về chiến dịch quảng cáo BB cream cho hãng mỹ phẩm này, nhân vật có màn thuyết trình dài về công dụng, công nghệ đột phá. Đứng trước gương bôi kem, nhắc đi nhắc lại công dụng của sản phẩm. Ở phân đoạn sau, khán giả lại được khuyến mại một clip quảng cáo hơn chục giây cho sản phẩm này, giống như đang xem quảng cáo cắt ngang phim.

Đành rằng nhãn hiệu mỹ phẩm nọ là nhà tài trợ chính cho phim, nhưng khán giả còn phải chịu trận với màn quảng cáo trá hình một số nhãn hiệu khác. Đặc biệt là trà. Cảnh một nhân viên pha trà mời An Nhiên, túi trà lọc và cốc sứ lồ lộ nhãn hiệu, liên tục nâng lên đặt xuống trong khi đối thoại. Nhãn hiệu này còn xuất hiện trong hầu hết cảnh nhân vật gặp gỡ ở quán xá, lúc họp hành...

Trước Váy hồng tầng 24, khán giả truyền hình chứng kiến sự tấn công của đủ món sản phẩm quảng cáo trong phim, từ thương hiệu cao cấp đến đồ dùng trong gia đình. Anh chàng vượt thời gian gần như bê nguyên spot quảng cáo trà thảo dược vào câu chuyện chính của phim. Vũ khí sắc đẹp có cảnh trên bàn ăn sáng, đặt sẵn hai lọ kẹo singum của nhãn hiệu nọ... coi như tráng miệng.

Thực phẩm chức năng cũng được lồng ghép vụng về trong Lời thú nhận của Eva. Cô gái xấu xí đưa nhiều nhãn hiệu thời trang, thương hiệu cà phê nước ngoài vào phim. Hay Cuộc gọi lúc 0 giờ sáng tác thêm nhiều chi tiết để chiếc điện thoại của hãng nọ trở nên quan trọng, xuất hiện liên tục trong phim.

Khó cấm

Hình thức đưa sản phẩm vào phim ảnh được gọi là Product placement, xuất hiện từ những năm 1960 ở phương Tây. Ngay các siêu phẩm như 007 cũng nổi tiếng với các màn quảng cáo đồng hồ, điện thoại, xe hơi.

Điểm khác biệt lớn nhất là cách xử lý hình ảnh trong phim nước ngoài tinh tế hơn, khiến người xem không quá bức xúc. Thông thường, nhãn hiệu này chỉ xuất hiện khoảng 3 giây. Hình thức tài trợ, quảng cáo như này có thể xem là giải pháp để nhà sản xuất có thêm kinh phí làm phim.

Thực tế, Việt Nam không có luật nào quy định chi tiết về thời lượng, hình thức quảng cáo trong phim ảnh, cho nên các cơ quan chức năng khó mà bắt lỗi. Ngay Luật quảng cáo mới nhất, có hiệu lực từ 1/1/2013, cũng chỉ quy định khá chung chung: Điều 22, mục 4 về quảng cáo trên báo nói, báo hình quy định: Mỗi chương trình phim truyện không được ngắt để quảng cáo quá hai lần, mỗi lần không quá 5 phút. Mỗi chương trình vui chơi giải trí không được ngắt để quảng cáo quá bốn lần, mỗi lần không quá 5 phút.

Không có cơ sở cấm hay giới hạn, nên tất cả chỉ trông vào sự tử tế của nhà làm phim.

Thảm họa quảng cáo truyền hình thực tế

Tuần nào người xem cũng phải hứng chịu các màn quảng cáo tràn lan ở các chương trình truyền hình thực tế. Như Vua đầu bếp, logo nhà tài trợ xuất hiện khắp phòng thi, trong các spot quảng cáo cắt ngang chương trình. BTC còn sắp đặt cho BGK khuyên thí sinh dùng sản phẩm của nhà tài trợ để nấu ăn.

Ở chương trình về cuộc đua thực tế, loại nước uống tăng lực nọ cứ hở ra là xuất hiện. Các chương trình thi hát khác, thí sinh phải thi nhau lấy cớ tạo hình chụp ảnh, gọi điện hay lôi điện thoại ra học lời: Hãng điện thoại nọ là nhà tài trợ chính.


Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
TPO - Công ty CP Acecook Việt Nam cho biết, trên nhiều trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… lừa đảo bằng cách giả dạng thông tin tuyển dụng, làm giả cả chữ ký của tổng giám đốc trên thông tin tuyển dụng rồi đưa vào các trường đại học tuyển ứng viên. Đối tượng lừa đảo yêu cầu ứng viên nộp tiền tuyển dụng vào tài khoản, từ 150.000 - 300.000 đồng/người.