Trông đợi gì ở “Trò đời”?

Trông đợi gì ở “Trò đời”?
TP - Phim truyền hình dài 32 tập, chuyển thể từ một số tác phẩm nổi tiếng của Vũ Trọng Phụng lên sóng từ ngày 9/8.

> Lương nghệ sỹ thấp hơn lao công
> Cánh diều 2012: Căng dây chờ gió

Nội dung Trò đời lấy từ Số đỏ và thêm nhiều tình tiết, câu chuyện ở Kỹ nghệ lấy Tây, Cơm thầy cơm cô của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Bộ phim xoay quanh hai nhân vật chính là Xuân Tóc Đỏ và Đũi (nhân vật hư cấu), cùng nhiều nhân vật quen thuộc: bà Phó Đoan, TYFN, Văn Minh, Hoàng Hôn, ông cố Hồng... tái hiện xã hội Việt Nam, đặc biệt Hà Nội đầu thế kỷ 20.

“Làm bộ phim dài tập từ tác phẩm của Vũ Trọng Phụng là áp lực lớn. Sự hấp dẫn trong phim chính là tính bi hài của Vũ Trọng Phụng”, đạo diễn Nhuệ Giang nói. Chị tự đánh giá, phim toàn diện hơn bản phim Số đỏ trước đó, tái hiện được sự tha hóa của một số người từ nông thôn ra thành thị trước 1930, rồi sự giao lưu văn hóa tây-ta.

Vai diễn nặng ký nhất là Xuân Tóc Đỏ, có lẽ vì thế mà nhiều người còn băn khoăn về diễn xuất của Trần Việt Bắc- mới tốt nghiệp ĐH Sân khấu & Điện ảnh. “Việt Bắc thời gian đầu còn căng cứng, càng về sau càng mềm mại. Nhưng tôi cho rằng trên con đường tiếp theo, Bắc không nên quá tự hào về vai diễn này mà phải khiêm tốn học hỏi”, đạo diễn nói. Bảo Thanh (Đũi) cũng được đánh giá là thể hiện được hình ảnh cô gái quê ra thành phố có lúc bị cuốn vào cuộc sống đô thị như Xuân Tóc Đỏ, nhưng kịp thức tỉnh.

Việt Bắc lần đầu nhận vai diễn nặng ký tự nhận còn nhiều thiếu sót, tuy vậy tạo dựng được một Xuân Tóc Đỏ “láu lỉnh, biết chớp thời cơ”. Ban đầu, Việt Bắc xin tự lồng tiếng. Được hai tập, cậu nhận ra không đủ đa sắc để thể hiện. Công Lý được giao phó lồng tiếng cho Xuân Tóc Đỏ.

Ngoài chuyển thể tác phẩm của nhà văn họ Vũ, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã còn hư cấu nhân vật nhà báo Phan Vũ trong vai trò quan sát và xâu chuỗi. Diễn viên Thiện Tùng có tạo hình khá ấn tượng. “Tôi tìm được chìa khóa thể hiện nhân vật, có lúc đem sự trào phúng vào, có lúc để nhân vật tĩnh lặng nhìn đời, nhìn người. Thi thoảng tôi lại hỏi nhà quay phim Hữu Tuấn mình diễn thế nào. Có lúc chú ấy bảo, không được, mày diễn giống mấy ông bộ đội lắm, không có chất nhà văn”, Thiện Tùng chia sẻ.

Hữu Tuấn nói, đọc kịch bản ông thấy nhân vật Phan Vũ rất mờ nhạt, dễ bị chìm khuất trước hàng chục nhân vật có cá tính khác. Về cuối phim khán giả có thể thấy được hình ảnh Vũ Trọng Phụng trong Phan Vũ.

Nhà quay phim, NSND Nguyễn Hữu Tuấn được mời làm đạo diễn hình ảnh. Ông tự nhận do khá rành Hà Nội đầu thế kỷ 20. “Đây là sự phù phép của các nhà làm phim, chứ bối cảnh Hà Nội giờ khó lắm rồi. Đâu đâu cũng biển quảng cáo, ô tô, xe máy và còi xe”. Bối cảnh trong phim chính là sự chắt chiu từng góc phố, căn nhà Pháp cổ khắp Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng mà người xem không nhận ra ở đâu.

Đạo diễn hình ảnh cũng biểu dương và cảm phục họa sĩ bối cảnh Mạnh Đức và họa sĩ thiết kế phục trang Thu Hà. Họ đã dựng nên khung cảnh phong phú trong bài trí sự sang trọng, giàu có của Hà Nội xưa qua hơn 200 bộ trang phục may mới cho diễn viên, hàng chục kiểu vấn đầu. Các mẫu này đều được tra cứu từ nguồn tư liệu của Pháp. Hữu Tuấn nói thêm, trong phim Số đỏ năm 1990, các nhà làm phim mắc sai lầm khi để nhân vật nữ mặc sooc đánh quần vợt. Thực tế, thời đó mặc quần dài, váy dài.

Trò đời dự kiến phát 20h30 thứ năm và thứ sáu hằng tuần trên VTV1, từ ngày 9/8. Phim quy tụ dàn diễn viên quen thuộc lẫn mới toanh: NSƯT Minh Hằng, NSƯT Quốc Anh, Quang Thắng, Trần Việt Bắc, Bảo Thanh, Mai Chi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG