Vì sao Thanh tra Sở cắt băng rôn trong đêm?

Vì sao Thanh tra Sở cắt băng rôn trong đêm?
TP - Sau thông tin một chương trình ca nhạc bị cắt nát băng rôn, gây nghi ngại trong giới biểu diễn là cạnh tranh không lành mạnh, Thanh tra Sở VH-TT&DLHà Nội chính thức lên tiếng về chiến dịch thẳng tay với các băng rôn treo sai quy định.

> Ai đổ phân nhà hát phá đêm nhạc Hồng Nhung, Mỹ Linh?
> Đổ phân, rạch banner, phá đêm nhạc của Hồng Nhung, Mỹ Linh

1. Chiều 19/7, tại cuộc họp báo thông báo kết quả 6 tháng đầu năm của Sở VHTT&DL Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Phong, Chánh Thanh tra Sở cho biết, hiện quận Hoàn Kiếm 99% không còn phướn treo dọc cột điện, cây ven đường. Riêng chương trình tiết kiệm điện có quảng cáo thương mại hết hạn hôm 18/7, Thanh tra Sở đã liên lạc với người chịu trách nhiệm, được hứa hết đêm 19/7 dọn sạch sẽ. Đây là một trong số nỗ lực của Thanh tra Sở, khi Luật Quảng cáo chính thức có hiệu lực từ đầu năm nay.

 “Nếu gây hiểu nhầm thì phải cắt bên nọ mà nể bên kia chứ ạ? Đằng này vi phạm, chúng tôi cắt triệt để” 

Ông Thanh Phong, Chánh Thanh tra Sở nói về việc cắt băng rôn vi phạm

Lâu nay, mặt tiền và sườn Nhà hát Lớn luôn bị bao vây bởi các băng rôn chương trình lớn, nhỏ lộn xộn. Mấy ngày qua, báo chí đưa tin băng rôn chương trình Người Hà Nội bị cắt nát, khoét tên nghệ sĩ gây phản cảm trước Nhà hát Lớn. Ngay sau đó, Thanh tra Sở vào cuộc, trả lại mặt tiền thông thoáng. Đây cũng là chiến dịch làm gương của Thanh tra Sở, trước khi bàn giao cho các UBND quận, huyện quản lý theo quyết định của thành phố. Ông cũng nói thêm từ 15/7, kiên quyết không cho phép treo băng rôn ngang đường phố.

Báo chí hỏi, việc làm của Thanh tra Sở khiến một số công ty hiểu nhầm có sự cạnh tranh không lành mạnh. “Nếu thế thì phải cắt bên nọ mà nể bên kia chứ ạ? Đằng này vi phạm, chúng tôi cắt triệt để, còn gì mà hiểu nhầm nữa”, ông Thanh Phong trả lời. Ông nói thêm, có thể một số đơn vị tổ chức đang có chương trình bị cắt băng rôn vi phạm nhiều quá, nên mới thắc mắc.

Vài năm lại đây, đường phố Hà Nội luôn trong tình trạng ngập băng rôn, phướn quảng cáo, rồi rác từ băng rôn khi chương trình đã xong. Sáng 19/7, bên lề Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm tại Bộ VHTT&DL, ông Trần Quốc Chiêm, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội than, bản thân ông còn bị ấn tờ rơi quảng cáo vào tay. Thanh tra Sở cũng nhắc lại, nhiều đơn vị lợi dụng thực trạng quy hoạch của thành phố, treo, dán băng rôn các kiểu trên đường phố, hoặc treo trước hằng tháng trời, dù quy định chỉ được treo trước 15 ngày.

Thanh tra Sở liệu có cần thiết trực tiếp đi cắt băng rôn sai phạm? “Chúng tôi rất muốn tham mưu là chính, nhưng khi sự phối hợp đồng bộ chưa có, cơ chế phối hợp chưa ổn định thì phải làm gương trước, rồi hướng dẫn và bàn giao lại cho các quận, huyện quản lý”, ông Phong nói. Năm 2011, Thanh tra Sở từng cắt băng rôn sai phạm của chương trình Chế Linh trong đêm, ngay sáng hôm sau băng rôn mới đã lù lù !

2. Các công ty biểu diễn luôn than, số lượng băng rôn, phướn được phép treo quá hạn chế. Ông Trương Nhuận, Giám đốc NH Tuổi Trẻ từng bức xúc, có thời điểm vì hết chỗ, nhà hát nhà nước còn chịu thiệt hơn. Chương trình của tư nhân, băng rôn ngập phố.

Hà Nội quy hoạch các điểm treo băng rôn từ 2002. Tuy nhiên từ 2008, mở rộng địa giới hành chính, nhu cầu quảng cáo tăng cao. Từ 2010 đến nay, hoạt động biểu diễn nghệ thuật sôi động trở lại. Dịp này, ít nhất có 4 chương trình ca nhạc nối tiếp nhau. Chưa kể, các dịp lễ tết các đơn vị đồng loạt tổ chức biểu diễn, song song với hoạt động biểu diễn, sự kiện chính trị lớn của thành phố. Điểm treo băng rôn không đáp ứng đủ nhu cầu.

“Sở tính toán mở rộng hệ thống cột treo khoảng 250 điểm. Tuy nhiên, thành phố chưa cho triển khai vì nhiều tuyến đường mới đang mở, quy hoạch có thay đổi. Nếu mở rộng sẽ ảnh hưởng mỹ quan chung, rồi cột treo cắm trên đường phố cũng ảnh hưởng giao thông”, bà Vân Anh, cán bộ Sở giải thích.

Đại diện Sở cũng nói, giải pháp cho treo băng rôn kép tại các điểm cho phép giải quyết phần nào nhu cầu của các đơn vị nghệ thuật. Tuy nhiên, vị này cũng nhấn mạnh: “Ở các nước, các thành phố lớn hoạt động biểu diễn cũng sôi động, nhưng họ có treo tràn lan trên đường phố đâu. Các đơn vị nghệ thuật cũng phải chia sẻ với thành phố, tìm giải pháp quảng bá khác”.

Sắp trình đề án cấp thẻ hành nghề

Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ VHTT&DL ngày 19/7, ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục NTBD cho biết, trung tuần tháng 8, Cục sẽ trình lãnh đạo Bộ đề án về cấp thẻ hành nghề trước khi trình Chính phủ. Thẻ sẽ được cấp trước cho ca sĩ, người mẫu- được xem là một trong những biện pháp chấn chỉnh biểu diễn.

Bộ cũng trình đề án trọng điểm: Nghị định của Chính phủ về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, xét tặng Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng

Hồ Chí Minh; Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Quy hoạch ngành nghệ thuật biểu diễn đến 2020, định hướng đến 2030; Một số chính sách hỗ trợ cơ sở vui chơi, giải trí cho trẻ em; Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2012-2020.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG