Cổn miện uy nghi, ngàn năm mũ áo

Cổn miện uy nghi, ngàn năm mũ áo
TP - Sau hơn một tháng ra ấn bản đầu tiên, “Ngàn năm áo mũ” với gần bốn trăm trang sách in khổ trung, màu sách trang nhã lại có thêm một ngàn cuốn trên thị trường cho lần xuất bản thứ hai cuối tháng 6/2013.

Hồi tháng 5 ra sách, NXB Nhã Nam không tổ chức thảo luận mở và giới thiệu, chỉ tới lần in thứ hai này, Trần Quang Đức, tác giả sinh năm 1985 mới tổ chức một buổi giới thiệu bằng hình ảnh những lễ/quốc/triều phục tại khoảng thời gian đời Lý đến đời Nguyễn từ 1009 tới 1945.

“Chế độ áo mũ của triều đình nước Việt thường xuyên diễn ra các đợt cải cách, sửa đổi xuất phát từ tâm lí muốn khẳng định sự tiến bộ và khác biệt về văn vật trong sự đối sánh giữa vương triều Việt Nam với vương triều Trung Quốc”. (Ngàn năm áo mũ, trang 39).

Ý tưởng cuốn sách ra đời từ năm 2010, khi có tranh cãi những bộ phim lịch sử Việt Nam như “Trần Thủ Độ”, “Đường tới thành Thăng Long”, “Huyền sử Thiên đô”, trang phục của vua chúa, quân đội triều vua ta chẳng giống ai, lại na ná giống người Trung Quốc.

Trang phục được nhắc tới nhiều nhất, lại hay sai nhất chính là trang phục Cổn miện. Theo như tác giả Trần Quang Đức giới thiệu: “Cổn miện được coi là lễ phục quan trọng nhất của triều đình phong kiến. Áo thụng, mặt trăng và mặt trời trang trí hay bên vai, rồng thêu dọc tay. Phía thân vạt trước có hình chim trĩ…”.

Lễ phục áo Cổn, mũ Miện là trang phục dành riêng cho đế vương và vương công đại thần sử dụng trong các dịp đại lễ như tế trời đất, lễ lên ngôi…, vào thời vua Lê Hiến Tông còn được sử dụng làm Lễ phục khi vua cày Tịch Điền. Bộ Lễ phục này bị phế bỏ vào thời Lê Trung Hưng và được khôi phục vào thời vua Minh Mạng triều Nguyễn. Vào thời Nguyễn, Cổn Miện chỉ được sử dụng trong dịp tế Nam Giao.

Trần Quang Đức hiện là nghiên cứu viên thuộc Viện Nghiên cứu Văn học Việt Nam. Năm 2009, Đức tốt nghiệp ĐH Bắc Kinh (Trung Quốc). Nguồn tài liệu khảo cứu cho “Ngàn năm áo mũ” đều từ Hán văn, lấy tư liệu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Cuốn sách không chỉ tập trung vào trang phục Việt mà có sự so sánh các loại y phục của ba nước Việt Nam - Trung Quốc - Hàn Quốc.

Trần Quang Đức đầy tự hào khi nói rằng, trang phục phong kiến Việt Nam có sự mô phỏng từ trang phục của Trung Hoa, tuy nhiên ở mức đồng đẳng - thể hiện sự ngang hàng. Thậm chí, trang phục vua chúa phong kiến màu chủ đạo là vàng, vương tôn là màu xanh, lam, trong khi của Trung Quốc màu đỏ mới là chính. Vua ta xưng đế và mũ cũng 12 tua giống hệt như vua Trung Quốc.

Cuối sách Trần Quang Đức viết: “Cuốn sách (…) được viết nên bằng sự tôn trọng sự thật của ngàn năm áo mũ người Việt, không có đánh giá đúng sai, hay dở…”

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG