Đừng mơ mộng xuất khẩu phim truyền hình

Đừng mơ mộng xuất khẩu phim truyền hình
TP - So với con số 60 triệu USD thu được từ xuất khẩu phim ảnh của Malaysia mỗi năm (theo chia sẻ tại hội thảo về phim truyền hình chiều ngày 20/6), Việt Nam chắc phải chờ rất lâu nữa.

> Thương Tín tái xuất trong phim hình sự

Hội thảo Nâng cao chất lượng sản xuất phim truyền hình Việt Nam, diễn ra trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế phim và công nghệ truyền hình lần thứ nhất. Không trực tiếp đưa giải pháp nâng cao chất lượng phim trong nước, những chia sẻ của các đại diện Malaysia, Singapore mang tính gợi mở nhiều hơn.

Ông Mustakim- Hiệp hội Sáng tạo nội dung Malaysia cho biết, tính đến năm 2012, mỗi năm Malaysia bán phim điện ảnh và truyền hình được 60 triệu USD, tiến tới 130 triệu USD năm 2020. Mỗi năm, ngành phim ảnh nhận khoản đầu tư khoảng 1,6% GDP của Malaysia. Chính phủ viện trợ không hoàn lại 30% kinh phí sản xuất phim hợp tác với nước ngoài.

“Phim truyền hình Việt xuất khẩu đếm trên đầu ngón tay. Điện ảnh nhỉnh hơn: Sống trong sợ hãi, Chuyện của Pao, Cánh đồng bất tận... Tất nhiên khó ra rạp, các phim này chủ yếu bán cho các đài truyền hình. Đài SBS của Úc mua khá nhiều phim điện ảnh Việt, chủ yếu phim đoạt giải, không phải dòng phim thương mại”- bà Ngô Thị Bích Hạnh, Phó Tổng giám đốc BHD- đơn vị từng đưa khá nhiều phim ra nước ngoài nói.

Đề tài phim truyền hình Việt còn sáo, xa lạ với khán giả trong nước, chưa nói xuất khẩu. Chưa nói công nghệ làm phim chạy sau các nước trong khu vực. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc VFC bảo, cố gắng tiến tới phim truyền hình thu tiếng trực tiếp nhiều hơn. Các diễn giả khách mời ngơ ngác: Các nước trong khu vực từ lâu không có khái niệm phim lồng tiếng.

Bà Jeine Stein, Tổng Biên tập tạp chí Content Asia đưa thống kê ở Malaysia, Singapore, HongKong, hầu hết phim truyền hình đều do địa phương sản xuất, rất ít phim nhập khẩu. Nếu có, phim của các quốc gia phát triển được ưu ái hơn. Kinh phí cho mỗi tập của các nước châu Á từ 15 ngàn đến 2 triệu USD, trong khi nước ta- 10 ngàn USD.

Đại diện BHD cho rằng, thị trường trong nước vẫn là số một. Thị trường nước ngoài rất khác, có nhiều phim thành công trong nước chưa chắc thành công ngoài biên giới. The Kitchen Musical, phim hiếm hoi của châu Á được đề cử giải Emmy và bán được cho nhiều quốc gia, trong đó có kênh truyền hình cáp giải trí nổi tiếng AXN của Mỹ. Trích đoạn ngắn chiếu cho các đại biểu dự hội thảo đủ thấy sức hấp dẫn của bộ phim được đầu tư để chào hàng. Đạo diễn Cheah nói thêm, ê kip của ông chấp nhận bỏ hàng triệu USD sản xuất tập phim thử để chào hàng, trước khi chính thức sản xuất.

“Kinh nghiệm các nước cho thấy, ngoài phim xà phòng hàng ngày, họ đầu tư các phim số tập từ 13-16 tập, có chất lượng để thay đổi gia vị. Chất lượng phim Malaysia, Singapore không quá cao, nhưng có những phim trội hẳn. Họ đầu tư một số phim trọng điểm. Việt Nam thiếu những phim như thế”, bà Bích Hạnh chia sẻ. Sau một thời gian chạy theo số lượng (nay phim Việt chiếm hơn 30% giờ phát sóng), chất lượng phim được quan tâm hơn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG