> Sói Biển
> Gã độc thân
Trước khi xuống cơ sở lao động cải tạo, Mã Quan làm chức vụ nghề nghiệp gì, người làng nói chung không biết, mọi người chỉ biết anh là một người có văn hóa.
Trong thôn nhà ai nhận được thư gửi đến, đều tìm Mã Quan đọc giùm, nhà ai muốn viết thư trả lời, cũng tìm Mã Quan viết thư hộ. Mã Quan sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu, lần nào cũng xử sự khiến cho dân thôn vui vẻ trở về.
Lúc vừa mới đến thôn này, Mã Quan đâu có thích thú gì cái nơi này, song lâu rồi lại dần dần thích thú mất rồi.
Anh thích thú khói bếp, nước sông, đồng ruộng, cái cuốc, trâu ngựa, gà vịt ngỗng chó ở đây.
Mã Quan nằm trên bãi cỏ rộng chăn thả cho đàn ngựa ăn cỏ, khi mắt Mã Quan ngắm nhìn trời xanh, bèn nghĩ: Mình phải cải tạo nơi này thành thiên đường ở chốn nhân gian!
Bầy ngựa thanh thản gặm cỏ trên bãi cỏ, Mã Quan bèn bắt đầu phác họa trong đầu tương lai của thôn Hàn Điếm.
Buổi tối, sau khi buộc bầy ngựa ăn no cỏ vào trong chuồng ngựa xong, Mã Quan bèn vội vàng đi tới nhà đội trưởng Hàn.
Đội trưởng Hàn trên năm mươi tuổi, lưng to bụng tròn, nghiện rượu như mạng sống, trên bàn ăn hằng ngày không thể thiếu rượu.
Khi Mã Quan đến, đội trưởng Hàn đang ngồi uống rượu bên mâm cơm dọn trên giường. Đội trưởng đặt bát rượu to xuống, hỏi: “Mã Quan, có việc gì không?”.
“Có!” Mã Quan ngồi lên cạnh giường của nhà đội trưởng Hàn, nói ra ý tưởng của mình về tương lai của thôn Hàn Điếm.
Sau khi nghe, đội trưởng Hàn chưa nói, nâng bát rượu lớn lên, nốc một hơi cạn, thấy vậy, vợ của đội trưởng lập tức lại rót thêm.
Sắc mặt của đội trưởng dần dần đỏ bừng lên, sau khi khà khà cười lớn, ông ta nói: “Mã Quan, anh đã là một người trên bốn mươi tuổi, tại sao anh chẳng hiểu gì cả? Anh đến đây là cải tạo bản thân mình, mà không phải là đến cải tạo ruộng đất gì cả. Hiểu không?”
Mã Quan buồn nẫu ruột buốt đầu, đi ra khỏi nhà đội trưởng Hàn.
Từ ấy, Mã Quan chỉ chuyên tâm chăn nuôi bầy ngựa của mình, chăn thả cho đàn ngựa to béo.
Không biết bắt đầu từ ngày nào, Tiểu Vân, một cô gái điên ở trong thôn bắt đầu ngày ngày đến bãi cỏ lớn, cùng Mã Quan chăn ngựa.
Kỳ thực, Tiểu Vân không điên, nói như Mã Quan, là mất trí nhớ.
Trước khi mất trí nhớ, Tiểu Vân đang yêu thương nồng nàn Thanh Đào, một thanh niên trí thức trên thành phố xuống nông thôn lao động cải tạo. Không may là, Thanh Đào đã bị chết đuối, khi đi tắm tại một dòng sông lớn cách thôn Hàn Điếm không xa.
Tiểu Vân khóc đến chết đi sống lại, hằng ngày bất kể mưa to gió lớn, cô đều phải đi tới ven con sông ấy, ngồi lì suốt cả ngày.
Một lần, ngồi bên bờ con sông ấy, Tiểu Vân bị ướt sũng bởi một trận mưa lớn, sau đó bèn bị cảm mạo, sốt cao không giảm. Sau khi hết sốt, Tiểu Vân bèn mất trí nhớ.
Bãi cỏ rất rộng lớn, lúc có gió thổi tới, Mã Quan bèn cùng với Tiểu Vân chạy theo gió. Lúc chạy mệt, Mã Quan bèn cùng Tiểu Vân ngồi xuống bãi cỏ. Mã Quan kể những chuyện đồng thoại hấp dẫn cho Tiểu Vân nghe, Mã Quan muốn dùng thế giới kỳ ảo của đồng thoại, đánh thức trí nhớ đã ngủ sâu của Tiểu Vân.
Mấy tháng sau, bụng của Tiểu Vân cứ lớn dần lên, Mã Quan biết mình dù có trăm cái miệng cũng không thể biện bạch được.
Quả nhiên, người trong thôn đều nói Mã Quan làm cho Tiểu Vân to bụng.
Bố mẹ của Tiểu Vân cũng ngày ngày tìm Mã Quan gào khóc lu loa.
Nhìn thấy Mã Quan, đội trưởng Hàn bèn ngoác mồm chửi lớn: “Mã Quan, cậu thật là đồ súc sinh, đến ngay một đứa điên cũng không tha!”.
Mã Quan nói: “Không phải tôi!”.
Bất luận Mã Quan giải thích như thế nào, đội trưởng Hàn và người trong thôn đều nói như đinh đóng cột rằng bụng của Tiểu Vân to là có liên quan đến Mã Quan.
Cuối cùng, do đội trưởng Hàn quyết định, buộc Mã Quan lấy Tiểu Vân kém anh hơn hai chục tuổi.
Đến một buổi tối cuối năm, Tiểu Vân sinh hạ một bé trai.
Mùa xuân ăn Tết xong, Mã Quan được thực hiện chính sách trở về thành phố. Khi ấy, người thôn Hàn Điếm mới biết, Mã Quan vốn là giáo sư tâm lý học của một trường đại học danh tiếng trên thành phố.
Trở về thành phố, giáo sư vẫn tiếp tục duy trì cuộc sống gia đình của ông với Tiểu Vân. Hằng ngày giáo sư đi làm việc, giảng dậy. Tuy mất trí nhớ, song Tiểu Vân vẫn có thể tự lực lo liệu những công việc nhà, như: giặt rũ quần áo, nấu cơm, chăm sóc con trai, v.v…
Buổi tối hằng ngày, sau khi ăn cơm, giáo sư đều đem một bộ tú-lơ-khơ ra, cùng chơi bài với Tiểu Vân. Giáo sư nói rằng, việc này là sắp xếp lại hoạt động tư duy, có lợi cho việc khôi phục ký ức của Tiểu Vân.
Giáo sư cùng Tiểu Vân chơi nát hết bộ bài tú-lơ-khơ này đến bộ tú-lơ-khơ khác. Cuộc sống trôi qua rất nhanh, trong những quân bài tú-lơ-khơ trong tay giáo sư và Tiểu Vân.
Thấm thoắt, hơn mười năm đã trôi qua.
Giáo sư đã nghỉ hưu, con trai của Tiểu Vân cũng đã lớn khôn, đi học ở một trường đại học.
Một hôm, khi giáo sư đang cùng Tiểu Vân chơi bài tú-lơ-khơ, đầu giáo sư đột nhiên ngả sang một bên, bèn bất tỉnh nhân sự. Vào thời khắc căng thẳng ấy, Tiểu Vân cảm thấy đầu óc mình “uâng” một cái, ký ức bèn khôi phục lại.
Tiểu Vân lập tức bấm điện thoại gọi xe cấp cứu.
Cấp cứu không có hiệu quả, vì bị xuất huyết não, giáo sư đã tử vong.
Khi chỉnh lý những di vật của giáo sư, Tiểu Vân đã phát hiện ra một phong thư của giáo sư gửi cho cô.
“Tiểu Vân:
Người ta cuối cùng đều phải tử vong, nhằm đề phòng bất trắc, tôi viết trước cho em lá thư này.
Sau khi tôi ra đi, nếu như có một ngày trí nhớ của em khôi phục lại, em phải nhớ, nhất định phải tìm cho thấy bố đẻ của con trai!”
Sau khi xem xong lá thư của giáo sư, Tiểu Vân bèn bắt đầu không kể ngày đêm, từ trong nơi sâu kín của đại não, tìm kiếm người là bố đẻ của con trai.
Một đêm mưa, sau một tia chớp, trước mặt Tiểu Vân đột nhiên loé hiện rất rõ ràng khuôn mặt đỏ tía của đội trưởng Hàn của thôn Hàn Điếm, thậm chí còn có một luồng hơi rượu khiến người ta buồn nôn phả vào mặt.
Tiểu Vân bèn lập tức ngồi vào bàn, viết một mẩu giấy:
“Mã Quan ơi! Người bố đẻ của con trai đã tìm thấy rồi!”
Sau đó, Tiểu Vân bỏ mẩu giấy ấy vào trong chậu rửa mặt đốt cháy đi.
Nhà văn Viên Bỉnh Phát, sinh năm 1960, Hội viên Hội Nhà văn Trung Quốc, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn tỉnh Hắc Long Giang, Phó chủ tịch Hội Nhà văn thành phố Cáp Nhĩ Tân; Giáo sư kiêm chức Viện Báo chí Truyền thông Đại học Chiết Giang. Bắt đầu sáng tác từ năm 1984, đến nay đã công bố hàng trăm truyện cực ngắn trên các báo, tạp chí văn nghệ cả nước; Đã xuất bản 4 tập truyện cực ngắn; Nhiều tác phẩm được dịch và giới thiệu tại các quốc gia Mỹ, Nga, Nhât Bản, Việt Nam, v.v… Năm 2002, được tôn vinh trên Bảng nhân vật nổi tiếng trong giới sáng tác truyện cực ngắn Trung Quốc. Tác phẩm “Năm tháng” của Viên Bỉnh Phát công bố lần đầu tiên trên tạp chí “Truyện cực ngắn chọn lọc” số 1-2010, là 1/10 tác phẩm của Viên Bỉnh Phát dự thi và được trao Giải thưởng Chim sẻ vàng truyện cực ngắn Trung Quốc lần thứ 5 (2009-2010). |
Truyện ngắn của Viên Bỉnh Phát (Trung Quốc)