> Bí thư Hà Nội nói về vụ dân Đường Lâm 'trả di tích'
> Đường Lâm: làng cổ thành làng khổ
Dân bức xúc
Theo đại diện UBND thị xã Sơn Tây và Ban Quản lý di tích, họ mới xác minh và gửi giấy mời đến 23 hộ có chữ ký. Người dân kéo đến hơn gấp đôi, như chị Nguyễn Thị Hạnh nói có làm đơn, nhưng lại không được mời. “400 hộ dân thì có vài nhà cổ thôi, chẳng lẽ vì vài nhà cổ mà làm khổ cả hàng trăm hộ?”, chị Hạnh nói.
Nhà cổ xuống cấp người dân Làng cổ Đường Lâm đang phá xây sửa. Ảnh: Hoàng Anh. |
Một trong những điều khiến dân bức xúc ký vào đơn trả lại di tích là do nhà cửa xuống cấp không được xây sửa, trong khi một số căn nhà 2-3 tầng không mái lại được phép mọc lên.
“Tôi xây ngôi nhà dưới đổ mái, trên lợp ngói. Tôi cũng làm đơn mãi không được trả lời. Bảo tôi phải làm cấp 4 theo truyền thống, chúng tôi lấy đâu tiền mà mua ngói và gỗ theo kiểu nhà cổ, rồi tháng 12/2010 thì phá nhà tôi, trong khi tôi phải đi vay tiền nội, ngoại”, bà Hà Thị Khanh bức xúc.
“Cho dân chúng tôi được phép làm nhà, cái gì cổ thì giữ cổ, những nhà như chúng tôi không cổ thì cho làm nhà 2 tầng thì mới có diện tích mà làm ăn. Phải để chúng tôi sống, chúng tôi thở, làm nông mà ở thế thì thở thế nào. Danh hiệu làng cổ vẫn để nhưng để chúng tôi thở với”, ông Phan Văn Lối nói.
Không chỉ bức xúc về chuyện chỗ ở xập xệ mà không được nâng cấp, nhiều hộ dân đòi công bằng, khi tiếng là làng du lịch nhưng đa số người dân không được hưởng lợi. Không ít người đứng lên kể họ hàng đến chơi, bị người ta túm lại bắt mua vé.
Theo công bố của địa phương, năm 2012, Ban Quản lý thu được 1,4 tỷ đồng tiền vé, ngoài hỗ trợ cho một số hộ dân, cơ quan trong xã, số tiền 400-500 triệu đồng còn dư dự định sang năm “mua ngô, thóc giống” cho dân.
Lại chờ
Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội, phát biểu: “Các ý kiến đều xuất phát từ thực tế, từ bức xúc của cá nhân mình và gia đình mình. Khi là di tích cấp quốc gia thì phải được điều chỉnh theo Luật Di sản cấp quốc gia, mọi người phải có nghĩa vụ tìm hiểu. Ban quản lý làng cổ phải thực hiện theo đúng luật, không phải thích là thành lập, thích là giải tán. Trong quá trình bảo tồn phát huy giá trị, người dân phải là chủ thể. Do nhiều điều kiện nên nhiều cái chúng tôi không thể trả lời ngay được. Chúng tôi sẽ tham mưu với thành phố và Bộ VHTT&DL, UBND thị xã Sơn Tây để từng bước tổ chức cho nhân dân Đường Lâm thực hiện theo đúng Luật Di sản văn hóa”.
Đại diện Sở cũng nói thêm, nếu để dân xây nhà 5-6 tầng thì cán bộ bị kỷ luật. Ông khuyên: “Xin bà con bình tĩnh, chúng ta chịu được gần 10 năm rồi, muốn giải quyết phải có quy trình. Chứ xử lý ngay để được tự do thì không giữ được di sản vô cùng quý báu của con cháu chúng ta. Cái gì thuộc về nhu cầu chính đáng thì cơ quan nhà nước phải giải quyết”.
Bảo tồn di sản văn hóa còn bị động Tại hội thảo “Thực trạng và giải pháp xây dựng nền văn hóa trong thời kỳ mới” ngày 15/5, ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, nói: “Bảo tồn di sản văn hóa còn bị động, chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa quy hoạch bảo tồn di tích với quy hoạch, dự án phát triển kinh tế-xã hội của các ngành khác trên cùng địa bàn. Mô hình quản lí di tích còn nhiều bất cập. Việc phân loại và phân cấp quản lý đầu tư tu bổ di tích còn có tâm lí ỷ lại nguồn vốn từ ngân sách”. Theo số liệu của Cục Di sản, giai đoạn từ 2011-2013, Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa cho chống xuống cấp và tu bổ di tích đã hỗ trợ 1.149,5 tỷ đồng cho việc chống xuống cấp 904 lượt di tích. PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, nói: “Chúng ta đã có những bài học thực tiễn ở cả hai mặt tích cực và hạn chế trong xây dựng và triển khai các quy hoạch, dự án bảo tồn di sản văn hóa. Điển hình phải nhắc tới dự án thí điểm tu bổ, tôn tạo đình Chu Quyến (do Cục Di sản văn hóa, Viện nghiên cứu bảo tồn thực hiện) và sự kiện đáng tiếc xảy ra ở chùa Trăm Gian gây dư luận ồn ào thời gian qua”. |