Văn học dịch chấp nhận sai sót?

Văn học dịch chấp nhận sai sót?
TP - Hầu hết dịch giả tham gia tọa đàm “Dịch thuật trong thực tế xuất bản” đều cho rằng, những lỗi dịch văn học rùm beng báo chí nêu gần đây là không đáng kể.

> “Hồng trần”: Không phạm luật, nhưng…

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên có ý thanh minh rằng Nhã Nam và L’Espace (Hà Nội) tổ chức tọa đàm sáng 8/5 không phải vì những tranh cãi quanh bản dịch Những thứ họ mang, và một số sai sót gần đây của dịch giả tiếng Pháp Cao Việt Dũng.

Cuộc gặp gỡ với một số dịch giả có tên tuổi và dịch giả trẻ xoay quanh ba vấn đề được quan tâm trong dịch văn học: Dịch thuật, biên tập dịch thuật và phê bình dịch thuật trên báo chí. Dù vậy, rất ít ý kiến về hiện tượng thiếu trầm trọng các bài phê bình dịch thuật uy tín trên báo chí, mà chủ yếu là điểm sách.

Dịch giả kỳ cựu Lê Hồng Sâm có công lớn trong truyền bá các tác phẩm văn học Pháp vào Việt Nam cho rằng, hiện tượng xôn xao trên mạng gần đây về dịch văn chương là đáng mừng.

Bởi điều này có nghĩa chúng ta có rất nhiều sách dịch, có người đọc và người đọc biết ngoại ngữ, có kiến thức và sự quan tâm nhất định để phản hồi. Dịch giả Đặng Thị Hạnh: “Tôi hoan nghênh việc phát hiện lỗi sai, tuy nhiên dịch giả, biên tập không nên coi đó làm điều quá nghiêm trọng”.

Trịnh Lữ (dịch Cuộc đời của Pi, Rừng Na Uy) cho rằng, nếu xem lại phản ứng của phía tiếp nhận các bản dịch gần đây, tưởng là phản ứng về ngôn ngữ nhưng thực tế là về văn hóa. Khi đặt câu hỏi thế nào là bản dịch tốt, người ta tự làm khó và đặt mình vào vai trò người thầy, người phán xét.

Dư luận không ít lần chỉ trích về thảm họa dịch thuật, dịch ẩu và nhiều dịch giả trẻ còn quá non nớt. Vậy các dịch giả tiền bối có sai hay không? Lê Hồng Sâm cho biết, khi chịu trách nhiệm dịch Tấn trò đời, bà tập hợp các tác phẩm của Huỳnh Lý, Đỗ Đức hiểu, Vũ Đình Liên, Trọng Đức... thì thấy các vị ấy không phải không có chỗ sai, nhưng rất ít: Trong tác phẩm Miếng da lừa, dịch giả bỏ một chữ, nên chỉ dịch buổi lễ thay vì lễ suông. “Không ai tránh được sai sót, nhưng các bậc tiền bối sai rất ít, vì họ rất giỏi, làm việc trách nhiệm, dịch không nhiều”, bà Sâm nói.

“Tôi và anh Đỗ Đức Hiểu quan niệm dịch thuật là sự phục tùng có sáng tạo. Và để đạt được đến độ chừng mực, thì người dịch phải có tấm lòng, kiến thức, kinh nghiệm đến mức thành thói quen”, Lê Hồng Sâm nói.

Dịch thoát hay dịch sát nguyên tác cũng là điều các dịch giả quan tâm. Bà Đặng Thị Hạnh kể, Alexandre Vialatte khiến sinh viên Pháp một thời say mê Kafka do ông dịch Kafka rất hay. Sau đó một dịch giả khác cho phép mình thêm vài trăm chữ, bớt đi vài trăm chữ ở bản gốc của Kafka. Những năm 1980, điều này khá nghiêm trọng ở Pháp, gần đây người ta nhìn nhận công bằng hơn.

Trịnh Lữ cho rằng, nên chấp nhận một số trường hợp ngoại lai khi chuyển ngữ, không nên chỉ trích họ làm mất sự trong sáng của tiếng Việt. Dịch giả trẻ Lương Việt Dũng dẫn chứng ở Nhật, tùy giai đoạn mà chấp nhận xu hướng phỏng dịch hay dịch sát.

Với tư cách dịch giả, biên tập viên Lê Thùy Linh thẳng thắn: “Không có một bản dịch chung cho tất cả”. Dịch giả Nguyễn Bích Lan đặt câu hỏi các dịch giả trẻ sẽ ứng xử thế nào nếu bị ném đá khi có lỗi sai. Một dịch giả trẻ nghiệp dư bảo: “Dịch là sai, nhưng có sai có sửa”. Lương Việt Dũng thừa nhận, dịch giả trẻ hiện nay ít lắng nghe, khá khó khăn khi trao đổi với nhau, tuy nhiên họ cần sự chia sẻ từ độc giả để hoàn thiện mình.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Miền Bắc ô nhiễm không khí đỉnh điểm
Miền Bắc ô nhiễm không khí đỉnh điểm
TPO - Sáng sớm nay (24/12), hầu hết các điểm đo tại Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc đã chuyển sang ngưỡng tím – ngưỡng rất có hại cho sức khoẻ con người, cho thấy diễn biến ô nhiễm không khí ở miền Bắc rất đáng lo ngại.