> Qua rồi thời tự hào phim nhà nước
> Tụ hội nhiều gương mặt điện ảnh tiêu biểu
Ngỡ ngàng
Lần đầu tiên đoàn phim điện ảnh cách mạng có mặt ở Sài Gòn làm bộ phim tình cảm-xã hội Mối tình đầu. Năm 1976, đạo diễn Hải Ninh đã vào chuẩn bị bối cảnh. Cả đoàn từ số 4 Thụy Khuê lỉnh kỉnh kéo vào Sài Gòn. Lan Hương Em bé Hà Nội cũng trở lại, vào vai Út Hạnh em gái Ba Duy.
Chỉ một phần ba được ngồi máy bay, còn lại đi ô tô tàu hỏa, chỗ ở loại trung bình thôi. Hồi ấy chúng tôi quen tác phong ăn bờ ăn bụi ngoài Bắc nên không đòi hỏi. Dân tình lấy làm lạ, có phần chê đoàn phim lôi thôi, lạc hậu. Chúng tôi ngồi ngay lề đường Nguyễn Huệ ăn cơm khi quay xong. Sinh hoạt có phần khó khăn, thù lao chẳng bao nhiêu nhưng ai nấy lạc quan, coi làm phim như nhiệm vụ.
Đạo diễn Hải Ninh nổi tiếng kỹ tính, rất chịu khó thâm nhập thực tế. Cảnh Ba Duy cho đàn em tìm Diễm Hương - người yêu của Duy để trả thù, ông kéo cả đoàn xuống tận tầng hầm của ngân hàng ở thành phố. Một số cảnh Ba Duy và Diễm Hương (Như Quỳnh) vui chơi ở Đà Lạt cũng hàng tháng mới xong. Quay phim khi ấy là anh Nguyễn Quang Tuấn nhiệt tình, quay rất đẹp.
“Trong đoàn làm phim còn Robert Hải, nhiệt tình lắm. Tôi và đạo diễn Hải Ninh lên tận Đà Lạt kiếm Robert Hải để thử vai. Hải xả thân hết sức, cảnh tôi bắn Henry Jackson (Robert Hải) ngã từ cầu thang xuống là ngã thật, lăn hơn chục bậc thang rất đau. Hồi đóng Ba Duy, tôi 40 tuổi, nói ra chẳng ai tin. Ngoài Bắc chỉ ăn toàn rau và lạc, không béo được nên trẻ và ngoại hình không đến nỗi. Người ta vẫn nói với tôi rằng, trong Nam nhất Chánh Tín, ngoài Bắc có Thế Anh”. NSND Thế Anh |
Ngay khi phân vai Ba Duy, nhiều người nghi ngờ trai miền Bắc đóng bụi đời miền Nam không ổn, cho nên anh Hải Ninh bắt tôi hơn một tháng lăn lộn ở Sài Gòn. Mối tình đầu quay hơn 3 tháng, chưa kể thời gian thâm nhập thực tế. Tôi chơi thân với Lý Huỳnh (trong phim đóng Đinh Ba Búa, đàn em của Hai Vĩnh) nên mon men học vài miếng đánh đấm, cho ra vẻ.
Bạn bè đông nên tôi cũng được dẫn đi nhiều chốn ăn chơi, cho biết thế nào là chất dân anh chị trong này. Toàn bộ băng nhóm đi mô-tô, bụi đời trong phim khi ấy chấp nhận đóng phim để được cấp hộ chiếu, visa đi Mỹ. Cả đội tự nguyện đóng miễn phí, tự mang xe, quần áo đến. Được cái, lần đầu tiên đoàn phim miền Bắc vào, nên người ta ủng hộ nhiệt tình, bởi những người ở lại đều là dân lao động cả.
Khó nhất khi vào vai Ba Duy là diễn cảnh lên cơn nghiện, những lúc ấy người ngứa ngáy, run rẩy. Có cái may, ngày xưa làm Lưu lạc và Trở về Sam Sao ở Mù Cang Chải, tôi từng thử hút thuốc phiện chơi, nên biết cảm giác hút và say thuốc ra sao.
Trong khoảng thời gian thực tế ở Sài Gòn, tôi lân la làm quen với cán bộ trại cai nghiện Fatima, bên cầu Bình Triệu. Vào đây mới thấy cảnh con nghiện lên cơn vật chẳng khác nào con thú, lăn lê bò toài. Thế mới có cảnh Ba Duy bò dưới đất hít lấy hít để gói heroin chị Hai Lan ném.
Câu chuyện Mối tình đầu hấp dẫn, phản ánh thực tế Sài Gòn trước giải phóng, đại đa số gia đình đều có con em ăn chơi, hút xách. Tôi quen mấy ông chữa răng, được mách rằng bôi một loại thuốc vào răng, khi diễn cảnh lên cơn, bọt mép tự sùi ra.
Hai năm sau giải phóng, lần đầu tiên biết Sài Gòn là thế nào. Ngày trước, làm Nổi gió (1966) chỉ nghiên cứu qua sách báo để đóng vai sĩ quan ngụy cho ngọt. Hà Nội chỉ có xe mô kích của Đức, làm gì có Honda, thế là vào đây phải tập để lạng lách. Nếu mới đi Honda mà không để ý, xe chồm lên lúc mới vào số trông rất quê, tôi mất gần tháng trời tập chạy xe. Kể ra cảnh chạy xe khá nguy hiểm, trước ống kính ăn máu liều thế thôi, đêm về nằm nghĩ cũng sợ. Có lẽ do trai Hà Nội một phần mắc bệnh sỹ chăng.
Mất dây chuyền vì xem “Mối tình đầu”
NSND Thế Anh. |
Trong cuộc đời làm phim của tôi có hai phim nổi tiếng nhất Nổi gió và Mối tình đầu (1977). Làm xong Nổi gió người ta gọi tôi là anh Phương, sau Mối tình đầu người ta gọi là Ba Duy.
Thế nên có hai cậu con trai, đứa đầu tôi đặt là Nguyễn Thế Phương (1972). Vợ đẻ đứa thứ 2, tôi lò dò vào bệnh viện, mấy cô y tá bảo thôi thôi không phải hỏi nữa, lại một ông bụi đời rồi, nên đứa sau có tên Nguyễn Thế Duy (1978).
Cảnh kết thúc Ba Duy ôm xác Diễm Hương khóc: Từ nay trở đi anh sẽ đi theo chị Hai Lan (Trà Giang). Ba Duy ôm mặt Như Quỳnh và hai giọt nước mắt từ từ lăn ra, ông Hải Ninh bắt quay 7 ngày. Ngoài đời khi khóc nước mắt nước mũi tèm lem, mặt sưng lên nhưng đạo diễn khó tính bảo khóc chưa đẹp, chưa đúng, hoặc ánh sáng không được. Anh ấy yêu cầu dù buồn, nhưng phải đẹp.
Lại nhớ một trong những cảnh quay khó trong Nổi gió, đó là cảnh kết phim, bà chị đón đứa em ra cách mạng, trung úy Phương thò tay xuống dòng nước rửa mặt, xem như gột bỏ mọi thứ để về với cách mạng, đạo diễn Huy Thành yêu cầu ánh nắng xuống dòng sông phải chói chang, nhảy múa. Chờ hàng tuần để quay cho được. Đoàn phim là đoàn bao cấp, nên cứ quay khi nào được thì thôi, không giống bây giờ làm khoán, quay khoán. Nhưng cái khác ấy có lợi, phim làm rất kỹ.
May mắn, Mối tình đầu làm xong, là một trong những phim mà người ta chen chúc, đổ nhà đổ cửa ở các rạp. Tôi vào Huế mấy bà khán giả bảo: Này đi xem phim của ông tôi mất sợi dây chuyền đấy nhé. Người khác kêu mất túi, mất cái này cái kia. Còn xuống Hải Phòng đội phe vé đãi một trận rất lớn, giải thích rằng: Nhờ có phim của ông anh, bọn em tích vé bán trúng lắm.
Xem Mối tình đầu, lần đầu tiên bà con miền Bắc biết về miền Nam, đời sống náo nhiệt, nhiều cảnh đẹp. Ngày trước mình làm phim về miền Nam toàn phim cách mạng, đến Mối tình đầu mới có một thế giới Sài Gòn ăn chơi, rồi băng nhóm võ biền. Sau Mối tình đầu tôi quyết vào Sài Gòn sống. Thời ấy Sài Gòn đã phát triển lắm rồi, bây giờ vẫn là nơi thu hút Việt kiều về nước làm ăn, làm phim.
Bước chân vào Sài Gòn làm phim, khi ấy Băng Châu gần như số 1 về nhan sắc, nên đạo diễn Hải Ninh mời đóng vai Hoàng Điệp. Dù không nhiều đất diễn, nhưng tôi rất ấn tượng cảnh Điệp nổi cơn điên, lột bộ tóc giả, cười điên dại vì “xã hội này nhất đĩ, nhì Mỹ”. Nhắc lại, tôi vẫn tiếc cảnh Ba Duy và Diễm Hương ở Đà Lạt, thác Prenn, hồ Than Thở rất hoang sơ. Khi ấy đạo diễn yêu cầu máy quay đặt xa, zoom vào nụ hôn của Ba Duy và Diễm Hương, nhưng Như Quỳnh nhõng nhẽo mãi thành ra tôi đành hôn vào trán như bố hôn con ấy. Thời ấy yêu nhau chỉ có cầm tay cầm chân, dung dăng dung dẻ thôi.
Mối tình đầu được đánh giá là một trong những phim gây sốt vé nhất những năm 1970. Phim mang về cho Thế Anh giải Nam diễn viên chính xuất sắc, phim nhận giải Bông sen bạc tại LHP Việt Nam lần thứ 5. |
Toan Toan
ghi