Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Di sản nhân loại: Hành trình cam go

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Di sản nhân loại: Hành trình cam go
TP - Một cuộc đấu dai dẳng, cam go với những quy định cuộc chơi ngặt nghèo để Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) vinh danh là di sản của nhân loại - Vinh dự mang dấu ấn lịch sử và kiêu hãnh cho cả dân tộc Việt.

> Tín ngưỡng Giỗ Tổ là di sản của nhân loại
> Rước kiệu, dâng lễ vật lên các vua Hùng

Dòng người hành hương về cội nguồn Đất Tổ. Ảnh: T.D
Dòng người hành hương về cội nguồn Đất Tổ. Ảnh: T.D.

Dăm năm trước, ngay khi nhận chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Phú Thọ, ông Nguyễn Tiến Khôi, nguyên Giám đốc Ban quản lý khu di tích lịch sử Đền Hùng (kiêm Chủ tịch Hội sử học Phú Thọ) với kinh nghiệm và niềm tin của mình, lập tức hiến tâm dâng ý lựa chọn tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vào kế hoạch lập hồ sơ khoa học trình lên UNESCO.

Không mất quá nhiều thời gian để khối tài sản phi vật thể khổng lồ này được lãnh đạo Trung ương và tỉnh Phú Thọ đồng ý. Người Việt thờ cúng tổ tiên bền vững nhiều ngàn năm nay. Hẳn có từ ngày khai sông mở núi, đạo lý uống nước nhớ nguồn với ý nghĩa tốt đẹp sâu xa từ mỗi gia đình, chi, họ, hoàng làng rồi đến quốc tổ, không phải tất cả các quốc gia trên thế giơi có được như ở Việt Nam.

 “Luật chơi” của UNESCO thì quá ngặt nghèo, hồ sơ chỉ gói gọn từ 16 - 17 trang, thừa một chữ cũng bị coi là “phạm quy”, loại ra lập tức.

Tiến sỹ Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện văn hóa nghệ thuật Việt Nam, là người đầu tiên được Phú Thọ mời đến chủ đạo lập hồ sơ. Ông cũng là người nổi tiếng đưa cồng chiêng Tây Nguyên, quan họ Bắc Ninh và hội Gióng lên ngôi vị Di sản của nhân loại. Một loạt các nhà khoa học hàng đầu về văn hoá, nghệ thuật dân gian, khảo cổ cũng đã được mời đến.

Cái tên gọi của tín ngưỡng đưa vào hồ sơ đã hao tâm, tổn trí bao nhà khoa học. “Không gian văn hóa Hùng Vương thời đại đồng thau và sắt sớm”, rồi thì “Lễ hội đền Hùng” cũng không được đề tên (đây là quãng thời gian để Hát Xoan có cơ hội lên ngôi để không lỡ dịp UNESCO cho một suất).

 Hành lễ ngày giỗ Tổ. Ảnh: T.D
Hành lễ ngày giỗ Tổ. Ảnh: T.D.

Cuối cùng “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã được lựa chọn với nhiều ý kiến đồng thuận có tính khoa học nhất - tài sản phi vật thể tuỵệt vời, thiêng liêng và bền vững. Hơn 1.470 địa điểm, di tích có thờ cúng Hùng Vương, con cháu, tướng lĩnh của các Vua Hùng trong và ngoài nước đã nói lên tất cả.

Trình bày những minh chứng, luận điểm trong hồ sơ được UNESCO quy định nghiêm ngặt. Có những nội dung từ cái gạch đầu dòng đến chữ cuối cùng chỉ là... tối đa 200 chữ, và phải trình bày bằng tiếng Anh, Pháp và Việt (dịch cho người nước ngoài hiểu văn hóa Việt là cực khó).

Tiến sỹ Nguyễn Chí Bền cùng các nhà khoa học và chuyên gia của ta đã từng khốn khổ khi thu thập, sưu tầm, tìm kiếm và trình bày bằng ngôn từ và hình ảnh (bộ ảnh 10 tấm, đoạn phim video 10 phút...). Hàng loạt sản phẩm khoa học trọn vẹn riêng biệt gộp lại thành bộ hồ sơ hoàn chỉnh đệ lên UNESCO.

Tài liệu khảo cổ thời kỳ Hùng Vương tuy sẵn nhưng nói về tín ngưỡng thờ Hùng Vương thì quá hiếm trên mặt giấy. Lại còn chữ Hán Nôm, chữ cổ, đọc dịch đã khổ, lại còn phải truy tìm khắp cả nước, đến từng gia đình, dòng họ, đi soi chiếu thêm ở Nhật, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn, sang cả Mỹ xem người ta thờ cúng thế nào.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Di sản nhân loại: Hành trình cam go ảnh 3

Hàng trăm con người ròng rã suốt hai năm trời, khi dầm mưa, lúc tắm nắng lửa, thức thâu đêm đọc, viết, mới đi đến phần “đóng gáy” tập hồ sơ dày cộp. “Luật chơi” của UNESCO thì quá ngặt nghèo, phần viết trong hồ sơ chỉ gói gọn từ

16 - 17 trang, thừa một chữ cũng bị coi là “phạm quy”, loại ra lập tức. Chọn từng con chữ để trình bày là tuyệt kỹ của cả hội đồng.

Phú Thọ đề xuất hồ sơ, trình lên Bộ VHTT&DL, lên Thủ tướng phê duyệt, chuyển tiếp sang Hội đồng di sản văn hóa quốc gia 27 thành viên (gồm các nhà khoa học hàng đầu về di sản do Thủ tướng bổ nhiệm).

Đợt “thi đấu” này, hàng trăm hồ sơ khắp thế giới nộp đến Paris, chỉ 36 hồ sơ được đưa ra thảo luận đánh giá kỹ để tiếp tục...phế tuyển, 100% ý kiến ủng hộ Việt Nam. Cả dân tộc Việt xúc động và kiêu hãnh bởi đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân tiên tổ được cả thế giới kính trọng, tôn vinh - điều làm nên cốt cách, phẩm giá từng người dân Việt.

Trải qua nghẹt thở cuộc đấu ngay trên “sân nhà”, nó mới được gửi đi Paris cho UNESCO. Hồ sơ gửi đi rồi, từ tháng 3/2011, ngóng mãi, trong nước hỗ trợ thêm quảng bá, truyền thông, đúng 12h09’ giờ Paris (tức 18h09’ giờ Việt Nam) ngày 6/12/2012, tại Kỳ họp thứ 7 của Ủy ban liên chính phủ theo Công ước 2003, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam” nhận được 24/24 phiếu bầu của các quốc gia thành viên, chấp thuận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

“Cây có cội, nước có nguồn”, nhà Việt nào cũng có bàn thờ tổ tiên, cao lên nữa cả dân tộc Việt thờ cúng Vua Hùng, không phải là tôn giáo, không cần truyền bá, không kêu gọi “nhập đạo”, không cầu kỳ nghi lễ, ngàn đời nay người Việt Nam hành hương về Đất Tổ bằng niềm tin, sự tôn kính, tri ân tiên tổ.

Gần 90 triệu con Lạc cháu Hồng với cả ngàn địa điểm, di tích thờ các Vua Hùng mà tổ chức lễ hội hàng năm để bày tỏ tấm lòng người con Việt. Cảm ơn UNESCO đã đánh giá đầy đủ, nghiêm túc vinh danh tấm lòng người Việt với tổ tiên để không làm tổn thương những người mang dòng máu Việt.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
TPO - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao 3 xác nhận kỷ lục cho UBND tỉnh Đắk Lắk. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai.