Phim 'Bụi đời chợ Lớn' - hoãn hay cấm chiếu?

Phim 'Bụi đời chợ Lớn' - hoãn hay cấm chiếu?
TP - Trước thông tin trái chiều về phim “Bụi đời chợ Lớn”, Cục trưởng Cục Điện ảnh chiều qua chính thức thông báo một số vi phạm trong quy trình sản xuất phim.

> Điện ảnh trước rào cản kiểm duyệt
> Johnny Trí Nguyễn trở lại, có 'lợi hại hơn xưa'?

Vi phạm từ kịch bản

Theo Cục và Hội đồng duyệt phim truyện, do thời gian qua một số báo đưa thông tin một chiều của nhà sản xuất, nên Cục quyết định ra thông cáo chính thức về Bụi đời chợ Lớn.

Theo đó, ngày 5/10/2012, Hãng phim Chánh Phương gửi Cục hồ sơ gồm kịch bản và giấy tờ liên quan, đề nghị xin phép hợp tác với nghệ sĩ quốc tịch Hoa Kỳ Charlie Nguyễn, thực hiện Bụi đời chợ Lớn.

Ngày 26/2/2012, Cục Điện ảnh có văn bản giám định kịch bản trả lời Hãng Chánh Phương. Yêu cầu Hãng sửa kịch bản, cắt bỏ hoặc tiết chế những cảnh bạo lực gây hoảng loạn, ghê sợ hoặc phản cảm.

Loại bỏ một số lời thoại thô tục hoặc có tính chất kích động bạo lực... để tránh vi phạm Luật Điện ảnh.

Cục cũng khuyến cáo nhà sản xuất không đưa cảnh các băng đảng xã hội đen ngang nhiên hoành hành, dàn trận thanh toán đẫm máu bằng dao, lưỡi lê trên đường phố, trong các hẻm của TPHCM mà tuyệt nhiên không có sự can thiệp của lực lượng xã hội nào.

Tuy nhiên, theo Cục, Chánh Phương không trình kịch bản để thẩm định lại, mà đưa luôn vào sản xuất. Đến 19/3/2013, Hội đồng Trung ương Thẩm định phim truyện của Bộ VHTT&DL thẩm định phim theo yêu cầu của Cty Thiên Ngân, đồng sản xuất với Chánh Phương.

Sau khi xem phim, Hội đồng đánh giá những hình ảnh “có vấn đề” từng ghi trong biên bản thẩm định, cùng với âm thanh phim đã gây kích động bạo lực, và phản ánh không trung thực hiện thực xã hội Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng.

Bà Hồng Ngát, thành viên hội đồng duyệt nhận xét:“Trong phim cũng có những chi tiết thể hiện mong muốn hướng thiện của một số nhân vật như Hùng, Phong bụi.

Hai nhân vật nữ cũng cố gắng khuyên bảo người thân từ bỏ thế giới tội ác, nhưng quá mờ nhạt. Số người đề nghị sửa chữa là 4/8, số người không đồng ý cho phép phổ biến 4/8”.

Ngày 22/3, Cục gửi công văn cho hai công ty yêu cầu sửa chữa tổng thể bộ phim để trình thẩm định lại. Ngoài ra, Hãng phim và đạo diễn lại còn tung quảng cáo công chiếu phim vào 19/4, việc này vi phạm Luật quảng cáo và Luật Điện ảnh.

Ngày 9/4, Cục tiếp tục gửi công văn cho hãng phim yêu cầu chấp hành pháp luật trong sản xuất và trình duyệt phim Bụi đời chợ Lớn. Ngày 10/4, Cục nhận được công văn của Chánh Phương và Thiên Ngân nội dung cầu thị, giải trình và nhận sai sót.

Hoãn hay cấm?

Ngay khi nhà sản xuất xác nhận phim lùi lịch chiếu, đạo diễn Charlie Nguyễn cho biết phải gấp rút quay lại, chỉnh sửa một số cảnh. Tuy nhiên, dư luận nghi ngờ có thể phim ngầm bị cấm chiếu?

Cục trưởng Ngô Phương Lan nhắc lại, Hội đồng duyệt ứng xử theo hướng nhân văn, không vội đưa ra quyết định cấm, mà góp ý để sữa chữa. Lâu nay, thay vì hội đồng chỉ duyệt những phim đã hoàn thành, thì đã phải chấp nhận xem những phim bán thành phẩm, chưa hòa âm thậm chí chưa xong thoại.

Bà Ngát phân trần: “Có những phim hay xem rất sung sướng, lại có phim nước ngoài xem như tra tấn, nhưng nội dung không sex hay bạo lực, nó nhạt một chút vẫn phải cho phép chiếu. Phim Việt Nam phức tạp hơn. Những năm gần đây còn có phim tư nhân bỏ vốn, mục đích thu lợi nhuận là chính. Nhiều phim hài nhảm, nhạt vẫn phải cho ra rạp vì đồng vốn của họ cũng là xương máu, thứ nữa nó không phạm vào cảnh sex hay bạo lực”.

Câu chuyện duyệt phim, cắt cảnh nóng, bạo lực hay cấm chiếu một số phim gần đây gây không ít tranh cãi. Thực tế, Việt Nam mới chỉ phân loại phim cấm khán giả dưới 16 tuổi. Trả lời các câu hỏi xung quanh kiến nghị thay đổi hệ thống phân loại phim, bà Ngô Phương Lan nói rằng, mỗi quốc gia có hệ thống phân loại riêng, trước mắt vẫn phải tuân thủ Luật điện ảnh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.