Chiếu chèo sân đình giữa Hà Nội

Chiếu chèo sân đình giữa Hà Nội
TP - Khán giả ngồi xếp bằng nhâm nhi chén chè xanh, nhẩn nha nghe hát chèo tại sân khấu nhỏ ở Nhà hát Kim Mã.

> Nhà hát Chèo VN: 'Cánh chim đầu đàn' nợ chồng chất
> Thương lắm chèo ơi

Tối thứ sáu hàng tuần, sân khấu nhỏ tầng 2 được trang trí theo không gian chiếu chèo sân đình: Mành tre thay cánh gà, sân khấu nhỏ rất gần người xem. Bên dưới khán phòng trải chiếu hoa, kê bàn tre nhỏ có để sẵn chén nước, kẹo lạc. Phía sau còn 3 hàng ghế kê rất thoáng cho người không muốn ngồi đất. Nhân viên phục vụ chu đáo, tiếp khán giả ít nhất đôi tuần trà.

Mỗi đêm diễn chừng tiếng rưỡi. Tuần vừa rồi khán giả xem trích đoạn Phú ông thử chiêng thử trống, Xã trưởng - mẹ Đốp trong vở chèo kinh điển Quan Âm Thị Kính. Phần cuối nghệ sĩ “đốt” nóng không khí với ba giá hầu đồng.

Khán giả ra về tâm trạng khá vui vẻ, vì toàn mảnh trò dí dỏm. Mỗi tháng có 5 chương trình thay đổi, mỗi đoàn nghệ thuật có 3 kíp diễn, khán giả nếu có yêu mà đi xem không sợ trùng lắp. Mỗi đêm diễn đan xen các mảnh trò trong Quan Âm Thị Kính, Chu Mãi Thần với trích đoạn Tuần Ty - Đào Huế và nhiều vở chèo cổ khác.

Sân khấu nhỏ, âm thanh không lớn, diễn viên hát mộc là chính. “Khán giả đến đây có thể nắm bắt không khí, và thưởng thức từng câu hát nên đòi hỏi diễn viên phải tinh tế. Diễn viên hát lỗi, tiếng đàn lỗi khán giả cảm nhận được ngay.

Những chương trình này đòi hỏi diễn viên phải thực sự tâm huyết, nói như các cụ phải thổ tận can tràng”, NSƯT Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam bảo. Hôm 5/4 diễn viên vào vai Thị Mầu hát không ép phê, độ lẳng cũng chưa có nét riêng chứ chưa nói đến vượt qua nổi những cái bóng nghệ sĩ đi trước.

Đêm diễn đông nhất có 80 khán giả, theo Thanh Ngoan. Có hôm chỉ 6 khán giả, chúng tôi vẫn phục vụ. Hiện tại nhà hát phải bù lỗ, nên mới đặt lịch cố định thứ sáu hàng tuần.

Năm chương trình này chủ yếu cho khách Việt Nam, ngoài ra có các chương trình 20, 30, 40 phút phục vụ khán giả nước ngoài, có cả chương trình chuyên đề tìm hiểu chèo bằng tiếng Anh.

Tất nhiên dịch lời chèo ra tiếng Anh là điều không thể, và như thế thì mất bản sắc như lời khẳng định của đại diện nhà hát. Nhà hát dịch hẳn các tờ chương trình, lời dẫn trực tiếp giới thiệu tóm tắt những trích đoạn ngắn, tiêu biểu giới thiệu cho khán giả ngoại.

Thị Mầu lên chùa, Xúy Vân giả dại- trong vở Kim Nham-, Phù thủy sợ ma đó là vài trích đoạn đủ chất của nghệ thuật chèo với hát múa, âm nhạc, dàn đế, mà chẳng phải lo rào cản ngôn ngữ.

Một khán giả cho rằng, chèo không phải chỉ dành cho lứa tuổi 60, 70. Nếu các nhà quản lí biết tổ chức các chiếu chèo thế này, nhà hát kiên trì tiếp cận công chúng, ắt người yêu nghệ thuật truyền thống sẽ trở lại. Với số tiền thu được mỗi đêm thì sẽ chi trả ra sao cho hơn 20 diễn viên, nhạc công?

Liệu nhà hát có sớm bỏ cuộc? “Trước cũng vài lần bỏ cuộc rồi, nhưng lần này không. Không có cớ gì nghệ thuật chèo và nhà hát chèo có nơi diễn như này mà không duy trì”, Thanh Ngoan nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.