> Loạn... danh xưng: Quy định nào cho các 'nhà' ?
> Tiếng nói của nhà văn trẻ
Đồng hành thế nào?
Khoảng 30 phóng viên theo dõi sân khấu có cuộc trao đổi thẳng thắn với ban lãnh đạo nhà hát, do Giám đốc Nguyễn Thế Vinh, Phó giám đốc, NSƯT Anh Tú chủ trì. So với phía Nam, hay chẳng đâu xa như Nhà hát Tuổi trẻ, mối quan hệ giữa báo chí và sân khấu quá lỏng lẻo.
Ngay cánh phóng viên cũng hiếm khi biết các nghệ sĩ nhà hát diễn vở gì, ở đâu. Trang web gần như tê liệt, có chăng phải tới tận nơi, nhìn cái lịch diễn dán khiêm tốn trên bảng thông báo của nhà hát. Cho nên, không ít nhà báo được dịp than: Nhà hát thiếu bộ phận chuyên nghiệp tổ chức biểu diễn, quảng cáo. Nếu có, phóng viên chỉ nhận được thông tin khởi công, tổng duyệt vở hay các chuyến lưu diễn nước ngoài khi sự đã rồi.
Nhiều nhà hát cũng trong tình cảnh tương tự. NSƯT Trung Kiên (Nhà hát Cải lương VN) chia sẻ: “Mỗi năm tôi chỉ được dựng 1 vở cho nhà hát, nhưng giám đốc chỉ cho phép mời 3 nhà báo, cộng thêm quan hệ cá nhân có thể vài người thân thiết. Nhiều vở diễn thành công không ai biết”. Ngoài nghệ sĩ Nhà hát kịch (NHK) như Tuấn Hải, Trung Anh, Vĩnh Xương, ban lãnh đạo NHK mời thêm các nghệ sĩ cùng cảnh “không có nhà để hát” để đối thoại.
Hiếm khi cánh phóng viên có dịp góp ý cho nhà hát về các mẹo truyền thông, đưa vở diễn đến với công chúng trong tình cảnh “kinh phí dành cho quảng cáo gần như bị triệt tiêu”, thừa nhận của ông Lê Tiến Thọ, lãnh đạo Cục. Có phóng viên đặt câu hỏi phải chăng nghệ sĩ né báo chí? Đạo diễn Tuấn Hải: “Chuyện bếp núc chúng tôi không thiếu, các bạn hãy đến đây”. Anh hơi mất bình tĩnh khi nhắc đến một số bài báo theo anh đậm chất cá nhân, thiếu công bằng: “Chẳng ai thích khi bị chê, quan trọng là chê thế nào. Nghệ sĩ mong manh dễ vỡ”.
Không trông mong đại nhảy vọt
Hỏi NSƯT Anh Tú, tân Phó Giám đốc phụ trách nghệ thuật rằng anh đã quen với ý nghĩ mình là người của NHK VN chưa, anh đáp: “Dù rất thương, rất nhớ NH Tuổi trẻ 35 năm gắn bó, nhưng tôi bắt đầu quen. Tiếng là về giúp giám đốc phụ trách chuyên môn, nhưng không chỉ là vở diễn, chất lượng diễn viên, mà còn chuyện quảng cáo, quan hệ báo chí”.
Nhắc lại cuộc đối thoại giữa các nhà hát với Bộ tuần trước, Anh Tú khẳng định nhà hát đang tạo dựng môi trường làm việc mới, tốt đẹp hơn. Bởi Nhà hát Kịch VN khủng hoảng nhiều năm, xập xệ hình thức, mất đoàn kết nội bộ. Tuy thế, anh vẫn đánh giá chất lượng nghệ sĩ, diễn viên bên này khá tốt, hùng hậu hơn Tuổi trẻ.
Trong lúc chờ đề án phát triển nhà hát đến 2025 thành hiện thực, Bộ tạo điều kiện cho các nhà “không có nhà để hát” thuê rạp Hồng Hà, Kim Mã, Nhà hát Lớn để biểu diễn. “Nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời. Tương lai vẫn phải có địa chỉ quen thuộc”, Anh Tú nói. Trước mắt, nhà hát đang xin Bộ cấp kinh phí sửa hội trường dùng để tập vở của nhà hát, số lượng ghế 180 để thành sân khấu nhỏ, phục vụ khán giả như điểm hẹn quen thuộc. “Mọi chuyện phải dần dần từng bước, không thể đại nhảy vọt được đâu”, Anh Tú nói.
Trong lúc chờ kinh phí, NHK VN khôi phục các vở cũ mà theo lãnh đạo nhà hát thì câu chuyện đến thời điểm này vẫn nóng bỏng: Nhân danh công lí, Hàng xóm chung cư. Dựng lại vở diễn gắn với tên tuổi nhà hát: Hồn Trương Ba da hàng thịt, trong LH Kịch Lưu Quang Vũ tháng 9 tới. |