> Những mảnh đời Xóm Dạt
> Mùi Tiên
Đây là đâu vậy? Chiếc xe dừng bên cây cầu cũ kỹ xây từ thời chiến cạnh cái ga xe lửa bỏ hoang. Hạt xuống xe, chiếc cặp bạc màu và một tấm áo khoác nhàu nhĩ kẹp nách. Anh cúi xuống lấy bọc kẹo lạc mua ở dọc đường làm quà cho lũ trẻ con của Ngọc, em gái người bạn cũ.
Minh họa: đỗ hiệp. |
Chiếc xe lại đi, khách sẽ lên đến xứ miền núi phía Tây vào lúc nửa đêm cơ đấy. Con đường vắng hoe. Khe Kiền Kiền ngoằn ngoèo mùa này nước có chỗ chỉ ngang thắt lưng thôi.
Cái bản nhỏ nằm đâu đó dưới chân núi Đình. Chàng cứ men theo khe Kiền Kiền mà đi. Hạt cảm thấy như lạc vào một cơn say núi. Một vùng ký ức chôn vùi không bao giờ lên tiếng nữa. Cái bản nhỏ dưới chân núi lở còn không?
Những năm tháng thời chiến gia đình chàng từ thành phố đã về vùng sơn cước tản cư. Chàng đã lớn lên giữa những đêm đầy sao. Chàng bao lần hái củi và ghé vào cái bản người Thổ nghỉ chân. Người mẹ đón chàng bằng bát nước vối chát. Khuôn mặt người mẹ Thổ tròn trịa mà đầy nếp nhăn. Những vệt trầu chưa khô trên môi bà và điếu thuốc lá vấn hút dở.
Các bản người Thái nổi bật với các nếp nhà sàn kiên cố, nhưng chúng nằm khá sâu trong núi. Bản người Thổ nhà đất, ở sát khe nước êm đềm. Tiếng nói của họ thật cổ xưa, nhưng chàng vẫn hiểu quá nửa mà không cần phiên dịch như khi vào bản Thái.
Ai đó nói rằng người Thổ hẳn gốc gác xa xưa, cội nguồn của người Kinh. Cũng ý kiến, nhưng khác đi, người Kinh lên núi ở lâu mà hóa thành người Thổ. Bởi “họ giữ nhiều nét xa xưa quá, nên giờ không thể trở về ngôi nhà người Kinh nữa”. “Họ hóa thành một dân tộc khác rồi”. Hạt không quan tâm lắm. Giữa chàng và cái bản nhỏ không có khoảng cách gì cả.
Anh thường thoải mái nằm dài trên nền đất, bên cạnh bếp lửa, nghe tiếng bọn trẻ đùa vui. Anh nhìn những chiếc vòng đeo tay lấp lánh. Chiếc áo chẽn của Bích phơi trên cái sào nứa phất phơ giữa làn gió mùa xuân.
Nàng cũng nằm dài cạnh anh. Tròn trịa, trắng ngần. Cái cổ ba ngấn và đôi mắt đen thẳm. Nàng hát cho anh nghe một bài ca cổ xưa. Lời bài hát nói về cây lúa biết nói. Cây lúa bảo rằng cuộc đời người ta thật nực cười. Người đẻ con dưới chân còn lúa thì vẫn đẻ con trên vai. Đến mùa thu con chim sẻ ăn hạt thóc vào bụng, nó bay đi mang theo hạt lúa đang nảy mầm. Em vẫn chờ anh như chờ con chim sẻ ấy.
Hát xong, nàng hỏi: “Anh có lấy em không?”. Nàng nói câu ấy một lần thôi. Chàng im lặng. Phía trước chàng có thành phố, kinh thành. Phía trước rực sáng những đại lộ, phố xá cao ngất, những chân trời của nghệ thuật phù hoa, những trường đại học đầy chữ nghĩa, những quán xá thơm mùi cà phê.
Chàng là người kinh thành, về nơi đó như cá về với nước thật vừa vặn thảnh thơi. Dạo phố, đọc sách, viết những câu chuyện thú vị, làm công chức hưởng lương, đôi khi chàng chợt nghĩ làm sao mình có thể rời bỏ được thành phố dù chỉ dăm ba ngày. Ôi rừng núi hiền hậu và buồn bã. Ngay cả các chuyến du lịch chàng cũng chọn nơi ồn ào và náo nhiệt.
Chàng biết cho đến lúc nằm xuống trong nghĩa trang đầy đá và bê tông trong kinh thành sẽ chẳng ai hỏi chàng câu ấy. Đời chàng chỉ nghe một lần thôi. “Anh có lấy em không?”.
Bích biết chàng chẳng bao giờ trả lời “không”. Chàng im lặng như con nhím. Chàng đủ mọi lý do trở về kinh thành với cộng đồng của mình cùng những vinh dự trách nhiệm bùng nhùng. Trở thành người cha của đàn con trong cái gia phả họ tộc mấy chục đời.
Những dòng họ sơn son thếp vàng. Ngôi nhà thờ lộng lẫy chạm khắc bằng đá quý mỗi năm hội làng cả trăm người cúng bái. Chàng sẽ cùng mọi người xây dựng nên cái văn hóa đẹp đẽ của khu phố, cùng vô số bài ca, truyện cổ, ngụ ngôn, thơ và cả lịch sử nữa chứ. Không hiểu sao, tự đâu mà nàng vẫn hỏi chàng câu ấy.
Nàng muốn chàng phũ phàng mà càng phũ phàng càng tốt. Để sớm mai nàng sẽ theo một người làng đi miền ngược. Nơi ấy, nàng sẽ lấy anh ấy, sinh một đàn nhóc ngoan ngoãn đấy. Nhà nàng nuôi nhiều ngựa tới mức cho đám giáo viên trẻ thuê để đi vào bản dạy học.
Nàng trồng nhiều ngô. Mỗi mùa nàng giấu một ít vào túi áo, bước nhanh ra bờ suối, thả xuống dòng nước cho đàn cá dại đớp mồi. Đàn cá bơi về xuôi. Chúng sẽ gặp chàng kể chuyện về một người đàn bà cổ ba ngấn giờ đây da tóc sạm màu.
Bếp lửa nhen lên lúc nào không hay. Một con gà luộc thơm phức bày ra bên đĩa muối trắng. Ngọc bảo pha trà, thở than: “Chị Bích nhà em hầu như không về bản. Chị ấy đã có hai đứa con, chồng làm hiệu phó trường tiểu học. Chị ấy có hiệu tạp hóa to nhất xã”.
Chàng ngồi duỗi chân bên bếp lửa, chưa kịp nghĩ về người bạn học cũ. Hạt đang vui bởi chàng vẫn tìm lại được cái bản cổ dù đám người trên chiếc xe khách nói rằng “vùng đất này đã giao cho nhà máy mía đường từ năm ngoái”.
Chị Bích bảo lúc nào anh về nhà, làm gà mời anh. Lúc mẹ mất nhà hẵng còn 20 con gà trống. “Giờ em chỉ nuôi có 5 con thôi cũng đủ mệt”.
Ngôi nhà tường đất lợp lá mía. Trên vách treo chiếc chiêng vỡ toác do bị con trâu điên húc vào. Bố nàng từng đánh chiếc chiêng này. Tiếng của nó âm trầm, như dòng thác xa xa vọng lại, ngân nga.
Hồi trước Ngọc còn là cô bé tết tóc đến lưng, giờ đã làm cô giáo tiểu học được chục năm. Anh và Bích nói chuyện bên đồi, cô bé chạy đi lượm hạt dẻ cho hai người ăn.
“Em dạy trên miền núi cao mấy năm mới được về nhà”. Hạt biết chuyện đó. Nhà nghèo ra trường dạy miền xa. Anh gọi cho một người quen ở Phòng giáo dục bảo cho Ngọc về dạy tại quê vì chị lấy chồng xa mà nhà còn người mẹ già. Chẳng biết chuyện cú điện thoại năm ấy liên quan gì tới việc Ngọc về bản hay không. Anh nghĩ không. Họ giúp hẳn họ báo với anh rồi.
Mẹ không trách anh. Cả nhà đều quý anh. Mẹ bảo chắc chắn anh sẽ tìm về nhà mình, nhưng mẹ không thể đợi được, “chỉ đàn gà đợi được anh thôi” - Ngọc cười gắp cho anh cái đùi gà.
Em vẫn còn trinh tiết anh ạ. Đột nhiên Ngọc nói. Sao vậy? Anh tò mò. Ngọc bảo: “Em không giống chị em. Em sẽ không bao giờ lấy người chồng mà em không yêu”. “Khi nào tìm được người em yêu em mới lấy”. Anh gật đầu đồng ý. Ừ, em đúng là khác chị của mình.
Khuôn mặt đứa em gái sớm dạy học chiều trồng sắn, nhổ cỏ quanh vườn, chăm sóc ngôi mộ mẹ, giữ đàn gà có tổ tiên là gà rừng kêu líu ríu ngày đêm khỏi đám rắn và chuột. Chàng ngạc nhiên thấy có những con gà rừng lẫn trong đám ấy.
Khuôn mặt sạm nâu. Bàn tay thô ráp. Cô giáo sơn cước như vậy đấy. “Em đã cùng trường đi du lịch tham quan mười mấy tỉnh”. Cô giáo tiểu học lấy cho anh xem một đống ảnh chụp thành phố. Cuộc đời thật rộng lớn và nhiều cảnh đẹp. Anh thì già đi, xấu đi so với ngày xưa đấy. Không sao, chúng em vẫn nhớ hình ảnh anh hồi anh ở đây: “vui vẻ, hơi gầy, luôn chỉ bảo chị em chúng em đủ điều”.
Hạt lấy máy tính ra, mở bản đồ trên mạng để tìm cái địa chỉ trên lá thư Bích gửi Ngọc. Lại sông sâu, thác đổ. Cái bản cheo leo, dốc núi thẳng đứng. Dăm ba chiếc thuyền gỗ độc mộc cũ đậu dưới bến, chẳng biết chúng chìm lúc nào.
“Máy móc hiện đại anh nhỉ. Anh có nhìn thấy chị em không? Nhà có nhiều ngựa ấy anh ạ”. Bích ở trong bản của người Thái, làm dâu và nói tiếng Thái xứ đó. Cô biết dệt những chiếc váy sặc sỡ không giống với những chiếc váy Thổ đơn giản ít màu mè.
“Con của chị vào đại học rồi. Nó dẫn cô bạn người thành phố về thăm mẹ, mang theo một mớ quần áo làm quà nhưng mẹ không bao giờ mặc quần, chỉ mặc váy thôi”.
Anh sẽ làm mối cho Ngọc một anh chàng giáo viên nhé. “Anh ơi, thời nào rồi mà còn mối lái”. Hạt nghĩ Ngọc sẽ ở lại cái bản này mãi mãi, với đàn gà, nếp nhà đất. Cô sẽ nói thứ tiếng cổ xưa khiến chàng vừa nghe vừa đoán.
“Bọn trẻ giờ thông minh hơn tụi em nhưng lại lười học hơn trước. Chúng không phải đi bộ xa mấy cây số học như hồi tụi em, lớp đã mở ngay trong bản” - vừa rửa bát Ngọc vừa kể.
Cả bản vẫn nhớ vẫn kể chuyện về anh. Người già chết đi, người trẻ lại kể. Câu chuyện không bao giờ chết. Rằng anh đã yêu chị Bích, chị ấy cũng yêu anh rất nhiều. Mỗi người ở một nơi rất xa. Chị đã có người khác chăm sóc còn anh cũng vậy. Riêng cây dẻ mà hai người trồng thì vẫn còn trên đồi kia, chờ đợi một ngày nào đó cả hai sẽ trở về nơi này. Họ sẽ xẻ cây gỗ ra, dựng một căn nhà cao ngất.
Cây dẻ ấy không ai được đụng dao rìu vào. Nó xanh tốt và nở hoa thơm ngát mỗi năm.
Hạt đứng trên đồi bát ngát ánh trăng. Chàng ngắm cây dẻ cùng Bích trồng trong đêm chia tay. Ơi cây dẻ có nhớ ta chăng? Nhớ ánh đuốc nứa. Chàng vỗ vỗ thân cây. Mỗi lần nở hoa, hẳn cây mệt lắm phải không. Mùi thơm ngây ngất tỏa khắp bản nhỏ.
Bích dáng cao cao, khuôn mặt như hạt dẻ. Ngồi bên bếp lửa, luộc nồi măng chấm muối ăn cơm. Bích bảo chàng rằng “mỗi mùa hoa rừng nở, những con chim ở nơi xa cũng biết đường trở về quê hương của mình. Con người có khôn ngoan vậy không? Hay con người đắm chìm trong những giấc mộng xa vời?”.
Từ trên đồi cao chàng nhìn thấy Ngọc đang tắm bên cái giếng năm nào, ngay cạnh giàn mướp. Cô không mặc gì cả. Ngọc thấp hơn Bích, da cô cũng trắng hơn. Những gàu nước trắng xóa đổ lên mái tóc dài đến gót chân. Bích không để tóc dài như vậy bao giờ. Ngực của Bích cũng nhỏ hơn, như quả cam trái mùa.
Ngọc đi vào ngôi nhà đất vắng lạnh cầm theo cái thau màu xanh. Chàng ước gì trong ngôi nhà ấy có một chàng trai đang đợi Ngọc. Vài đứa nhỏ líu lo đánh vần bên cuốn sách giáo khoa nhàu nhĩ. Ngôi nhà sẽ tươm tất, mấy bụi cây được phát đi và vài cây dẻ sẽ được trồng
đầu ngõ.
Khi anh vào nhà, Ngọc đang ngồi soạn giáo án. Mái tóc cô đã khô và chúng đổ xuống bàn như dòng nước khe Kiền Kiền từ xa xưa. “Chị vừa gọi điện cho em. Em không nói anh về chơi đâu”.
Ừ. Anh về hay không về điều đó có quan trọng lắm không. Câu chuyện về cây dẻ đã kết thúc bằng một ngôi nhà thơm mùi gỗ nằm trong tưởng tượng. Người ta chẳng bao giờ kể thêm được điều gì nữa đâu. Câu chuyện đã kết thúc rồi.
Sáng sớm Hạt ra chiếc cầu cũ để đón xe về thành phố. Anh mang theo một ba lô sắn và ngô. Ngọc cài lên ba lô một chùm hoa dẻ. Ngọc không tiễn anh. Bọn trẻ đợi cô giáo từ lúc tinh sương, chúng mang bẫy đi để bắt gà rừng. Bọn trẻ giăng bẫy ngày này qua ngày khác sau cái lán học. Đám gà chẳng bao giờ mắc bẫy. Chúng khôn hơn bọn nhỏ và cất gáy ti toe sau lùm cây.
Cuộc đời không phải câu chuyện mà cây dẻ sẽ còn mãi đó. Một ngày, cây dẻ cổ thụ ngã xuống trong cơn bão lớn. Nó nằm thảnh thơi theo triền đồi sau biết bao mùa hoa trắng.
Ngọc gọi người đến bán bởi cô không nỡ xẻ cây dẻ.
“Ai trồng cây dẻ này vậy?” người tiều phu hỏi mà Ngọc không trả lời. Cô đang nghĩ đến một rừng dẻ. Những hạt dẻ giống tốt nhất được gieo ngay sau cơn khi bão tạnh.
Bước chân Ngọc in trên mặt đất vừa trải qua trận cuồng phong. Chạy theo vết chân gầy guộc là những dấu chân đàn gà rừng chạy táo tác tìm mẹ khản cả tiếng.
3/2013
Truyện ngắn của
Trần Nguyễn Anh
Truyện ngắn của Trần Nguyễn Anh có cái hoang hoải, hoài vọng ám ảnh. Một đàn gà, một giếng nước, một không gian u tịch núi rừng, một câu hỏi như rơi vào hư không “Anh có lấy em không?”? Hai chị em như hai thế giới. Và một người đàn ông trở về như về với quãng thời gian trong trẻo nhất của cuộc đời. Có thể nói, những hình ảnh được buông ra nhẹ nhàng trong “Chuyện kể cây dẻ” tạo nên một thế giới thơ, dù trong toàn bộ truyện ngắn này, không có một câu thơ, thậm chí một câu văn vần cũng không. Trần Nguyễn Anh đa đoan, anh viết ký, phóng sự, tạp văn, nhiếp ảnh...?sáng tác thơ thị giác, thơ hậu hiện đại (bút danh Tam Lệ). |