> Dòng sông lạc
> Những khoảnh khắc trong “101 truyện 100 chữ”
Nhà báo Lưu Trọng Văn, từng làm việc nhiều năm với họa sỹ Choé kể: “Tôi biết Chóe trong những ngày hoạ sỹ có cuộc sống rất khó khăn. Là người vẽ biếm họa, Chóe như đi giữa hai làn đạn bởi việc đả kích rất dễ gây thù ghét. Việc vẽ tranh đả kích như một sự phê phán, chỉ nhằm góp phần làm cho xã hội tốt lên. Tôi nhớ bức biếm họa Choé vẽ năm 1972, khi Tổng thống Mỹ bắt tay với Chủ tịch Trung Quốc, bên dưới là người Việt Nam đội nón lá. Những âm mưu bá chủ, đè nén dân tộc Việt vẫn rất thời sự cho tới tận hôm nay”.
Nhà báo Tống Văn Công, làm báo chung với Chóe từ những năm đầu giải phóng nhớ lại: “Tháng 6-1975, tôi được lệnh làm một tờ báo dành cho công nhân tại TPHCM. Tôi quy tụ được 25 ký giả nổi tiếng Sài Gòn để làm tờ Lao Động Mới, trong đó có họa sỹ Choé. Tôi còn nhớ tờ báo ra kỷ niệm ngày 2-9, có ý kiến từ cấp trên chê màu vàng của măng- sét tờ Lao Động Mới là vàng vọt, yếu đuối.
Chóe bảo đó là màu của sao vàng trên lá cờ tổ quốc và cương quyết không thay đổi. Năm ấy, ông Trần Bạch Đằng khen Lao Động Mới số 2/9 là tờ báo đẹp nhất làng báo Sài Gòn. Dù sau đó Choé gặp tai nạn từ chính cây cọ của mình nhưng sau 10 năm tôi gặp lại, Choé vẫn nhận lời vẽ biếm họa cho tôi. Chóe rất cao thượng khi không hề oán trách ai, không quan tâm đến những trắc trở của thời cuộc và vẫn đam mê biếm họa”.
Nhà báo Lê Minh Quốc: “Tôi ấn tượng nhất Choé ở bức hí họa vẽ một người phụ nữ gánh trên vai cả trái đất mang tên Phụ nữ nước tôi. Đó là bức tranh đầy ý nghĩa về vai trò của người phụ nữ Việt Nam. Việc bức tranh ấy được chọn triển lãm hội hoạ quốc tế chứng tỏ tài năng của họa sỹ. Rất lâu nữa Việt Nam mới có được một họa sỹ biếm tài năng như Choé”.
Họa sỹ Khều, thuộc lớp đàn em của Chóe kể lại: “Hồi mới vào nghề vẽ biếm, tôi xin được làm đệ tử họa sỹ Choé. Nhưng Choé không nhận và cho rằng mỗi người vẽ cần có một cách tiếp cận nhân vật khác nhau, không thể ai chỉ cho ai được. Tranh của Choé luôn tỉa tót, chỉn chu và đậm chất hài hước. Làm quen với Choé, tôi học được cách làm việc nghiêm túc, thấu đáo. Tuy nhiên để vẽ được những bức biếm hoạ sắc nét, góc cạnh như ông thì tôi nghĩ mình còn phải cố gắng nhiều”.
Ngồi nghe kể về chồng mình, bà Kim Loan chỉ lặng im. Được mời lên phát biểu, bà xúc động, mãi mới nói được vài câu. Bà kể hai vợ chồng gần như không bao giờ xung khắc bởi sự hài hước của Choé. Có lần một nhà báo hỏi Chóe “Người phụ nữ ngày xưa ông đã làm thơ để tán tỉnh bây giờ ra sao?”, hoạ sỹ cười: “Cô ấy đã đi lấy chồng rồi”.
Nhà báo kia định hỏi thêm về mối tình đầu của ông thì ông nói tiếp: “Cô ấy đã có chồng, bốn đứa con, một trai ba gái. Những trẻ ấy gọi tôi là… bố”. Bà kể 10 năm nay không dám nghe ca khúc Bài thánh ca buồn vì mỗi lần nghe, bà lại khóc. Đó là bài hát gắn với nhiều kỷ niệm của hai vợ chồng.