Đặc ân của ngày ta đã yêu

TP - Bộ phim We Live in Time (tựa tiếng Việt Ngày ta đã yêu) của đạo diễn John Crowley như từng lớp ký ức đầy thân mật của một cặp tình nhân đang dành những tháng ngày cuối cùng bên nhau. Phim ra mắt tại Việt Nam từ 15/11/2024.
Đặc ân của ngày ta đã yêu ảnh 1
Đạo diễn John Crowley (phải) và cặp đôi diễn viên trên phim trường. Nguồn: A24

Phi tuyến tính của ký ức

Phim là câu chuyện xúc động về cuộc đời, tình yêu, và nhận thức về những giới hạn khắc nghiệt của thời gian. Almut Brühl (diễn viên Florence Pugh) là một người vợ sắp cưới, người mẹ, một đầu bếp nổi tiếng, hiện thân của sức sống, hoài bão, và nghị lực, nhưng giờ đây cô phải đối mặt với sự mong manh của kiếp người khi căn bệnh ung thư tái phát.

Cùng với màn diễn xuất lấy nước mắt của người xem với từng biểu cảm tinh tế đến từ ngôi sao Andrew Garfield trong vai Tobias Durand – người bạn đời hiền lành và ân cần, We Live in Time là những lát cắt dịu dàng nhưng tàn khốc về một tình yêu bị thử thách bởi bệnh tật và cái chết. Thay vì chìm trong tuyệt vọng, bộ phim nhấn mạnh lựa chọn của Almut: cô không muốn duy trì sự tồn tại lay lắt với bệnh tật, mà sống hết mình những ngày cuối cùng để ra đi không luyến tiếc.

Câu chuyện được kể một cách phi tuyến tính, khéo léo đan xen những khoảnh khắc trong hành trình của họ, tạo nên một kết cấu phản ánh ký ức, khắc họa tính chớp nhoáng thoáng qua của từng phút giây và bản chất phù du của đời người.

Trong đó, mốc thời gian xa nhất là thời điểm Tobias đang trải qua một cuộc ly hôn và bị Almut tông trúng khi anh đang trên đường mua bút để kí đơn ly dị. Giữa cú va vào tình yêu theo đúng nghĩa đen này và cái kết của phim, We Live in Time thả người xem xuống những khoảnh khắc lộn xộn trong cuộc sống hôn nhân của cả hai, từ cãi nhau, làm tình, cho đến lúc Almut được chẩn đoán bị mắc ung thư và khi cô sinh con trong buồng vệ sinh của một trạm xăng.

Cấu trúc phi tuyến tính của bộ phim tạo nên một chất mộng mị có thể dễ dàng gợi nhớ đến phim Eternal Sunshine of the Spotless Mind, khiến khán giả cảm nhận thời gian như một chuỗi ký ức đan xen thay vì một tiến trình mạch lạc.

Dù vậy, các sự kiện chồng chéo lẫn nhau không tạo cảm giác rời rạc mà nó được gắn kết lại bởi những cột mốc sinh, lão, bệnh, tử như những phần của một trải nghiệm sống thống nhất.

Kỹ thuật kể chuyện này không chỉ tăng thêm sức nặng cảm xúc mà còn hòa hợp với những tầng ý nghĩa triết lý của bộ phim, nhấn mạnh rằng thời gian, dù ngắn ngủi, được định hình bởi những ký ức và cảm xúc mà nó vương vấn cho người ở lại.

We Live in Time vượt qua các ranh giới thông thường của lãng mạn và bi kịch để mang đến một câu chuyện nhân văn sâu sắc về cuộc sống, mất mát và sức mạnh của ký ức.

Quyết định của đạo diễn Crowley khi sử dụng cấu trúc thời gian đan xen tăng thêm nhiều lớp cho câu chuyện, khi khán giả được cuốn vào nhịp điệu của những thăng trầm cuộc đời, giống như việc hồi tưởng lại ký ức về một người thân yêu. Cách tiếp cận kể chuyện này tạo ra không gian cho sự tự vấn, khuyến khích khán giả suy ngẫm về cuộc sống và các mối quan hệ của mình.

Những tầng ý nghĩa triết học của bộ phim, thể hiện qua cách nhìn về tình yêu và cái chết, mời gọi người xem trân trọng từng khoảnh khắc, nhìn cuộc sống không chỉ là hành trình tuyến tính mà là sự tích lũy của những ký ức đã được sẻ chia.

Đặc ân của ngày ta đã yêu ảnh 2
Cặp đôi Almut Brühl và Tobias Durand trong phim. Nguồn: A24

Mong manh và hy vọng

Tình yêu giữa Almut và Tobias là trái tim của bộ phim, từ hai người xa lạ gặp nhau bởi một vụ tai nạn giao thông đến một cặp đôi được gắn kết bởi tình yêu và máu thịt, thay đổi lẫn nhau để trở nên hoàn thiện hơn.

Qua những mảnh ký ức về hành trình của họ, tình yêu được khắc họa vừa đẹp đẽ vừa mong manh. Tobias chuyển mình từ một người đàn ông bị tổn thương trong quá khứ thành một người bạn đời tận tâm, tìm thấy mục đích sống khi chăm sóc Almut và ủng hộ quyết định theo đuổi giấc mơ của cô. Mối quan hệ tràn đầy những khoảnh khắc hài hước, nóng bỏng, dịu dàng và dễ tổn thương của họ là tấm gương phản chiếu sự thăng trầm không thể đoán trước của đời thực.

Hành trình của Almut được đánh dấu bằng khát vọng để lại một di sản vượt xa căn bệnh của cô. Cô bày tỏ nỗi sợ rằng mình sẽ được nhớ đến như một “người mẹ đã khuất” thay vì cuộc sống rực rỡ và những thành tựu trong sự nghiệp.

Cuộc đấu tranh của cô nhằm cân bằng gia đình, hoài bão và sức khỏe đã làm bật lên những phức tạp mà phụ nữ phải đối mặt trong việc định hình di sản của mình giữa những kỳ vọng xã hội hiện đại.

Đạo diễn Crowley khắc họa những tham vọng và thành tựu của cô một cách đầy tinh tế mà không làm giảm đi vai trò của cô như một người mẹ, tạo nên một nhân vật đa chiều với nỗ lực để được nhớ đến như một con người toàn vẹn. Thay vì cố che chở Ella khỏi nỗi đau mất mẹ, Almut mong muốn để lại cho con những ký ức của tình yêu, sự kiên cường và vẻ đẹp của cuộc sống. Nhờ vậy, cô trao lại cho con di sản vượt ra ngoài sự hiện diện của mình trong tương lai của Ella.

Và ta nhận ra rằng nỗi đau và ký ức sẽ không có hồi kết bởi vì sống là học cách làm quen với sinh tử và chia ly. Khi một người đã đi xa và ta là người lưu giữ duy nhất những ký ức của họ, thì việc lãng quên không khác gì giết chết họ một lần nữa. Thứ ký ức của người ra đi sẽ mắc kẹt vĩnh viễn với người ở lại. Nỗi nhớ nhung một người nào đó khi họ ra đi là một món quà.

Tobias cũng trưởng thành qua quá trình này, anh được truyền sức mạnh từ sự kiên cường của Almut và chấp nhận thực tế về khoảng thời gian hữu hạn của họ trên thế gian. Tập trung vào việc sống trọn vẹn bất chấp kết thúc không thể tránh khỏi, bộ phim vừa đau lòng vừa chứa đầy hy vọng, nhấn mạnh rằng ý nghĩa thật sự của thời gian chính là độ sâu trong các mối quan hệ và trải nghiệm của chúng ta.

Nữ diễn viên Florence Pugh mang trọng trách nặng hơn nếu xét về tuyến truyện, nhưng chính màn diễn xuất đầy nhạy cảm và rơm rớm nước mắt của Andrew Garfield mới là yếu tố chạm sâu đến cảm xúc của người xem. Ngôi sao lừng danh với vai Người nhện này đã trải qua nỗi mất mát tương tự ngoài đời thực.

Cảm xúc của Andrew khi nói về người mẹ đã mất của mình thật sâu thẳm: “Tôi mong rằng nỗi đau này sẽ ở mãi bên tôi bởi vì nó là thứ tình yêu tôi chưa kịp thể hiện với mẹ mình”.

Đây là lần thứ hai diễn viên Andrew Garfield đóng vai chính trong một bộ phim mà nhân vật phải đối diện với tiếng tích tắc đầy ám ảnh của chiếc “đồng hồ” báo hiệu cái chết trẻ đang cận kề một con người còn đầy nhựa sống (trước đó là bộ phim Tick, Tick... Boom!).

Trong We Live in Time, hình ảnh đồng hồ xuất hiện liên tục, từ chiếc đồng hồ bấm giờ, đồng hồ của iPhone, cho đến bảng đếm giờ của cuộc thi nấu ăn danh giá cuối cùng mà Almut tham gia như những lời nhắc nhở liên hồi rằng vốn thời gian của ta trên thế gian này đang cạn dần.

Nỗi mất mát người thân yêu thật đau đớn, nhưng nó cũng là một đặc ân vì đó là minh chứng của thứ tình yêu chân thành bên trong lồng ngực đã nguội lạnh của người đã khuất và nóng hổi của người còn sống. Nỗi đau này có lẽ là hiện thân cuối cùng của tình yêu, là hành động yêu thương sau cùng mà ta có thể dành cho ai đó.