Ông cố vấn trở thành Chính ủy

Ông cố vấn trở thành Chính ủy
TP - Ký ức về chiến sự biên giới 1979 như tái hiện, nhà văn Trường Thanh không mau mắn kể chuyện văn chương như mọi khi. Lần này, ông nói nhiều về cuộc chiến bi tráng, hào hùng của quân và dân xứ Lạng, về vai Chính ủy, trong phim Thị xã trong tầm tay.

> Người 'giải mã' những huyền thoại
> Thăm một nhà văn vừa... mãn hạn tù treo

Nhà văn Trường Thanh nặng lòng với đề tài chiến tranh biên giới. Ảnh: Duy Chiến
Nhà văn Trường Thanh nặng lòng với đề tài chiến tranh biên giới. Ảnh: Duy Chiến.

Từ hiệu trưởng bỗng trở thành ông cố vấn

Mỗi lần nhớ lại quá khứ, nhà văn Trường Thanh thường rít thuốc lá liên tục. Căn nhà nhỏ của ông tại phố Nguyễn Thái Học, phường Chi Lăng, TP Lạng Sơn, thường xuyên có người đến chơi, chúc tết, nói chuyện. Họ là văn nghệ sỹ địa phương, là nhân chứng lịch sử nơi biên cương phía Bắc này.

Ông nhớ lại một thời lửa đạn vùng biên ải và kể câu chuyện “duyên nợ” với Thị xã trong tầm tay. Sau khi xuất bản cuốn sách Kỳ tích Chi Lăng (năm 1980), nhiều người biết đến ông, trong đó có đạo diễn điện ảnh Đặng Nhật Minh.

Ông Minh tìm đến nhà Trường Thanh, khi đó ở cạnh sân bóng thị trấn Đồng Mỏ (huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn). Bằng mối quan hệ khá đặc biệt, ông đạo diễn thuyết phục các cấp có thẩm quyền cho ông Thanh tham gia làm cố vấn văn học cho bộ phim Thị xã trong tầm tay, đi theo đoàn làm phim hàng tháng trời. Thời điểm đó, ông Thanh đang giữ cương vị Hiệu trưởng Trường cấp 1-2 Đồng Mỏ.

 Bộ phim “Thị xã trong tầm tay”, kể câu chuyện tình giữa bối cảnh khốc liệt sau chiến tranh biên giới 1979. Phim được giải thưởng “Bông sen vàng”, tại Liên hoan phim VN lần thứ VI.

Theo ông Thanh, bộ phim Thị xã trong tầm tay là bản anh hùng ca, đầy chất thơ, được quay thực tế tại thị xã Lạng Sơn vừa ngay sau chiến tranh biên giới Việt - Trung.

Khi đó, người vào vai Chính ủy cứ lóng ngóng, diễn không đạt, làm ông cố vấn Trường Thanh phải chỉnh lý nhiều lần. Thấy vậy, đạo diễn Đặng Nhật Minh, vỗ vai nhà văn, bảo: “Ông vào vai Chính ủy luôn đi”.

Trường Thanh diễn một đúp ăn ngay. Dáng ông bệ vệ, bộ quần áo đạo cu không vừa, đoàn làm phim vào Tỉnh đội Lạng Sơn, mượn tạm bộ quân phục của ông Hoàng Đình Cưu - Phó chỉ huy trưởng. Bộ quân phục này rất vừa vặn, “mặc ra dáng “chính ủy” - ông Thanh nhớ lại.

Cuộc chiến bi tráng nơi biên cương (ảnh tư liệu)
Cuộc chiến bi tráng nơi biên cương (ảnh tư liệu).

Ông Trường Thanh lấy ra một tập sách cũ, mang tên Giữ đất, được xuất bản vào mùa hạ năm 1986. Ông xúc động, tâm sự: Cách đây vài tuần, có một người đàn ông quê ở Bắc Ninh tìm gặp ông tự giới thiệu là Ngô Nhung, một cán bộ đồn Công an vũ trang Hữu Nghị (nay là đồn Biên phòng cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn), đã nghỉ hưu.

Ông Nhung đến nhà, chuyển lại cho nhà văn cuốn truyện ký Giữ đất, nói: “Tôi đã đọc cuốn sách này và coi đó là những nhân chứng lịch sử về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới vĩ đại. Là người trong cuộc, tôi luôn mang nó theo người và nó trở thành cuốn sách “gối đầu” của tôi”.

Hai người tâm đầu ý hợp. Một người cầm súng, một người cầm bút, cùng “nặng lòng” với đề tài cuộc chiến tranh năm 1979. Theo ông Trường Thanh, đoạn văn miêu tả về sự chiến đấu ngoan cường của cán bộ, chiến sĩ công an vũ trang đồn Hữu Nghị là “sung” nhất, được viết một mạch.

Xin được chép lại một đoạn: “Đồng hồ chỉ một giờ sáng, ngày 17-2-1979, tức ngày 21 tháng giêng ta. Hôm nay là áp phiên chợ Kỳ Lừa. Đồn trưởng Hữu Nghị, Hoàng Công Mươi được tổ trinh sát mốc 23 (xã Bảo Lâm, huyện Cao Lộc), báo cáo: “Không biết dây dợ điện thoại của đơn vị nào rải nhiều lắm”. Đồn trưởng Mươi chỉ đạo: “Địch đấy, cắt ngay đi. Toàn đơn vị bí mật rút về chốt dự phòng, sẵn sàng chiến đấu. Đúng 4 giờ, địch đánh vào mốc 23, nhưng đã “vồ hụt”. Năm giờ sáng, pháo cối các cỡ của địch bắn tới tấp vào phố phường, làng bản, trận địa dọc biên giới nước ta. Hết đợt pháo thứ nhất, xe tăng “Bát nhất”, hùng hổ vượt km số 0. Trung úy Nguyễn Văn Khang, Trung đoàn trưởng công binh đoàn An Lão ra lệnh cho phá nổ chiếc cầu Ba Cống, chặn đường tiến công của địch. Một chiếc xe tăng vướng mìn, nổ tung; rồi hai, ba chiếc “dính mìn”, số xe tăng còn lại, co cụm, không dám ngang nhiên như trước. Cay cú, chúng dùng quân số áp đảo, “biển người” tràn lên chiếm đồn. Tất cả cán bộ, chiến sĩ của ta đồng lòng, đánh trả quyết liệt, địch chết như ngả rạ. Chúng vẫn thúc quân tấn công hết đợt này đến đợt khác, tổng cộng 6 lần. Cuối giờ chiều ngày 17-2, tiếng súng của ta thưa dần, cơ số đạn đã cạn. Tim đồn trưởng Mươi bỗng đau nhói...”.

Đóng phim được dịp đi thực tế

Ông Thanh bảo, những trang viết thực tế này, đã tạo “chất men” để ông diễn vai Chính ủy khá nhuyễn. Sau đó, trong thời gian đóng phim, Trường Thanh được thị sát nhiều nơi ở thị xã Lạng Sơn và một số địa phương, nơi diễn ra các trận chiến giao tranh ác liệt.

Tỉnh ủy Lạng Sơn vừa chỉ đạo Ban Tuyên giáo Lạng Sơn tái bản hai cuốn sách về đề tài lịch sử: Một thời biên ải Tướng không phong hàm của nhà văn Nguyễn Trường Thanh, coi đó là tài liệu tuyên truyền, giáo dục về tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường của quân và dân xứ Lạng.

Ông cho biết, mặc dù thị xã Lạng Sơn chỉ cách cửa khẩu Hữu Nghị chừng 20 km, nhưng mãi đến ngày 4-3-1979, địch mới vào được bên kia cầu Kỳ Cùng và sau một ngày, buộc phải rút chạy. Từ trên điểm cao, các loại súng lớn, nhỏ, không cần mục tiêu, cự ly, ra sức trút đạn xuống bất cứ nơi nào, yểm trợ cho những toán quân rệu rã...

Mái tóc bạc như ánh lên, ông Trường Thanh cho biết, bộ phim Thị xã trong tầm tay, được thực hiện sau chiến tranh ba năm, nhưng cảnh hoang tàn vẫn còn hiện hữu.

Khi đó, dân chưa được trở về, chỉ có lực lượng vũ trang đóng quân ở một số vị trí trọng yếu. Hang động Tam Thanh (thuộc phường Hoàng Văn Thụ), được chọn làm “đại bản doanh” của quân chủ lực, cũng là nơi đoàn làm phim làm “trường quay”.

Nhà văn Nguyễn Trường Thanh, năm nay 80 tuổi, là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, được đánh giá là “chuyên gia”, viết tiểu thuyết về đề tài lịch sử.

Sau đợt tham gia đóng phim Thị xã trong tầm tay, ông được lực lượng Biên phòng, Công an Lạng Sơn mời đi thực tế viết bài, sáng tác văn học.

Nhờ vậy, ông chứng kiến nhiều nhân vật lịch sử, ghi lại tấm gương anh dũng của quân và dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn.

Một số cuốn sách ra đời, ngay sau đó, như: Một thời biên ải, Giữ đất, Lũng xá bình yên... Cuối thập kỷ tám mươi của thế kỷ trước, ông chuyển công tác, giữ chức vụ Chủ tịch Hội VHNT Lạng Sơn cho đến khi nghỉ hưu. Ông cười bảo, lúc này, mình mới chính thức trở thành “Chính ủy” cuả đội ngũ tư tưởng, văn nghệ.

Ông Trường Thanh trân trọng đưa cho tôi xem một tập kỷ yếu, trong đó tập hợp các bài trong Hội thảo khoa học: “Sáng tạo văn học, nghệ thuật về đề tài lịch sử”, diễn ra tại Hà Nội, tháng 12-2012. Ở đó, có tham luận của ông mang tên Tôn vinh tinh thần tự tôn dân tộc, nhân lên sức mạnh tình yêu đất nước.

Xứ Lạng, tháng giêng 2013

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
TPO - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao 3 xác nhận kỷ lục cho UBND tỉnh Đắk Lắk. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai.