> Văn Miếu - Quốc Tử Giám đón bằng Di sản tư liệu Thế giới
> Lập kỷ lục thư pháp để làm từ thiện
Tọa đàm là một phần của chuỗi hoạt động diễn ra nhân dịp Văn Miếu nhận danh hiệu Di tích Quốc gia đặc biệt và đón bằng công nhận Di sản Tư liệu Thế giới quy mô toàn cầu của UNESCO cho 82 bia tiến sĩ.
Nhiều năm qua, cụm di tích này chủ yếu được dư luận biết tới qua khu Nội tự (chứa hàng loạt cụm kiến trúc như Khuê Văn Các, bia Tiến sĩ, giếng Thiền Quang, Thượng điện...) mà “bỏ quên” hai khu vực khác là vườn Giám và hồ Văn, vốn dĩ nằm ngay cạnh đó.
Cũng cần nói thêm, kể từ khi được Hà Nội trao lại cho Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu (TT VHKH VM) vào năm 1999, hai không gian trên vẫn chưa được đầu tư tôn tạo đúng với vai trò và vị trí lịch sử của mình.
Vườn Giám, nơi diễn ra các sinh hoạt sau giờ học của học trò Quốc Tử Giám khi xưa, chủ yếu được tận dụng mặt bằng làm nơi trông giữ xe cho khách du lịch.
Còn hồ Văn (nơi sĩ tử ngâm vịnh, bình thơ khi xưa), bị cắt rời với cụm Văn Miếu – vườn Giám bằng trục phố Quốc Tử Giám, và bị thu hẹp khá nhiều về không gian quanh hồ do sự phát triển của những hộ dân xung quanh.
Việc 82 bia tiến sĩ được UNESCO vinh danh Di sản Tư liệu Thế giới, là cơ hội rất hợp lý để Hà Nội “đánh thức” toàn bộ cụm di tích này-vốn là địa điểm ngày càng được khai thác nhiều cho các hoạt động văn hóa và giáo dục.
Theo ý tưởng của TS Đặng Kim Ngọc (nguyên giám đốc TT VHKH VM), trong thời gian tới, hồ Văn và vườn Giám sẽ được tôn tạo để tái hiện nhiều hoạt động văn hóa truyền thống trong lịch sử.
Cụ thể, đảo Kim Châu giữa hồ Văn sẽ được nâng cốt và xây nhà bát giác cùng 2 chiếc “văn kiều” (nhịp cầu của nghề văn) bằng đá nối liền bờ.
Để trở thành nơi tổ chức các hoạt động văn học truyền thống, một hệ thống điển cổ Nho học, các bia đá có trích dẫn những bài văn, thơ, phú nổi tiếng sẽ được trang trí trên thành cầu và không gian quanh hồ.
Tương tự, vườn Giám cũng sẽ được cải tạo thành không gian văn hóa để tái hiện những hoạt động truyền thống trong lịch sử Văn Miếu như cảnh học tập, vui chơi, bình văn, bình thơ, lễ vinh qui bái tổ...
Ý tưởng hay, nhưng nhiều nhà nghiên cứu cũng lưu ý trung tâm về việc đi tìm sự hài hòa trong tổng thể không gian cổ kính rộng hơn 5.000m2 của Văn Miếu.
Như lời GS. KTS Hoàng Đạo Kính, bản thân những trang trí hiện tại trong Văn Miếu thời gian qua đã “có vấn đề” khá nhiều. Điển hình, các hàng chữ Hán kết bằng hoa “Hưng-Học- Nhậm-Hiền” và “Học-Chính-Kinh-Truyền” có kích thước quá to, trong khi những chú thích bằng chữ Việt ở dưới lại nhỏ và không nổi bật.
Hình 12 con giáp tạo bằng cây trồng chưa thật tương thích với thiết chế của không gian hàn lâm trong cụm di tích này. Rồi, những thảm đỏ cắt theo hình bệ rùa đặt trước mỗi hàng bia chẳng những không ăn nhập gì với bia mà còn làm người xem thắc mắc: Không cho bước lên thì sao phải trải thảm?
“Cụm Văn Miếu là một di tích có may mắn được bảo vệ tốt, và tôn tạo đúng mực, không phải chịu nạn “trẻ hóa” khi trùng tu di tích trong những năm qua. Bởi vậy, tuyệt đối cần cân nhắc và suy xét kĩ khi tiếp tục tôn tạo không gian này”, KTS Kính nói.
Thực tế, từ cách đây nhiều năm, ông là một trong những người tiên phong trong việc yêu cầu hạn chế kích thước khi xây dựng nhà che bia để không phá vỡ không gian cổ của Văn Miếu.
Trước những tranh luận về việc khôi phục đền Khải Thánh (thờ cha mẹ Khổng Tử) trong Văn Miếu hoặc xây dựng công trình lưu trữ Hán Nôm tại đây, nhiều nhà nghiên cứu như KTS.
Hoàng Đạo Kính cũng kiến quyết thuyết phục các nhà quản lý chấp nhận một ý tưởng khác lạ: Xây dựng lại những thiết chế phục vụ văn hóa và thờ tự các danh nho Đại Việt như nhà Thái học, các dãy Tả vu, Hữu vu... để phù hợp với không gian và cảnh quan chung.
Chỉ là những tranh luận về ý tưởng, nhưng rõ ràng việc tôn tạo và đánh thức không gian Văn Miếu – Quốc Tử Giám không hề đơn giản...