Những võ sư lấn sân phim ảnh

Những võ sư lấn sân phim ảnh
TP - Khi những pha hành động trong phim ngày càng được triệt để khai thác, khi phim lịch sử cổ trang tìm được chỗ đứng thì không ít võ sư của ta lại có thêm nghề tay trái: làm diễn viên. Dù họ chỉ coi phim ảnh là cuộc dạo chơi vui vẻ nhưng sự vui vẻ ấy đã phải trả giá bằng những giọt mồ hôi và đôi khi cả máu.

> Võ sư Nguyễn Chánh Tứ đi Algerie
> Tranh tài võ Việt tại các 'tổ đường'

Trương Văn Hoà, Lê Ngọc Quang, Nguyễn Văn Thắng (Thắng “cua”) đều là ba võ sư có tiếng của đất Bắc. Cơ duyên đến với điện ảnh của họ hoàn toàn tự nhiên. Không kiếm tìm danh lợi phù hoa từ địa hạt phim ảnh, họ chỉ mong thông qua những thước phim để đưa võ thuật gần hơn tới khán giả.

Họ cũng muốn xoá đi phần nào quan niệm bấy lâu vẫn ám ảnh: Phim hành động của ta dở hơn phim Tây, phim Tàu.

Đánh võ như phim Tàu thì diễn viên sướng quá!

Võ sư Trương Văn Hòa trong phim Huyền sử thiên đô
Võ sư Trương Văn Hòa trong phim Huyền sử thiên đô.
 

Học võ từ năm 9 tuổi đến nay, Trương Văn Hoà đã có trên 30 năm miệt mài theo võ. Ban đầu anh học võ Thiếu Lâm do một người Trung Quốc truyền dạy.

 Chưa bao giờ tôi lấy tiền của ai khi dạy võ. Có thể dạy ở một quán cà phê cho các em tỉnh xa nghèo khổ. Cũng có thể dạy trên đường phố vài ba người, dạy ở sân sau một ngôi nhà người quen giúp anh em công chức giảm mệt mỏi, stress. 

Sau này Trương Văn Hoà theo vài dòng võ khác, tiêu biểu là Bình Định gia và Vĩnh Xuân quyền. Anh là một trong những võ sư nổi tiếng với việc chơi được nhiều binh khí và dùng võ thuật để chữa bệnh.

Trương Văn Hoà có thể làm những “chuyện lạ Việt Nam” kiểu như úp bụng trên bàn đầy mảnh vỡ thuỷ tinh, bên trên chồng thêm gạch đá rồi cho người đập búa. Nhưng anh không dùng võ để kiếm sống: “Tôi yêu võ nên chỉ truyền bá không lấy tiền”.

Không mở lớp, ai yêu mến võ thuật, thích thú võ thuật thì tìm đến, Trương Văn Hoà sẵn sàng giúp đỡ: “Chưa bao giờ tôi lấy tiền của ai khi dạy võ. Có thể dạy ở một quán cà phê cho các em tỉnh xa nghèo khổ. Cũng có thể dạy trên đường phố vài ba người, dạy ở sân sau một ngôi nhà người quen giúp anh em công chức giảm mệt mỏi, stress”.

Ba năm trước, Trương Văn Hoà được mời đóng phim. Bộ phim đầu tiên anh tham gia là Đinh Tiên Hoàng Đế của đạo diễn Nguyễn Hiệp. Ở bộ phim này, anh có cơ hội đóng chung với NSƯT Thu Hà “lá ngọc cành vàng” một thuở, anh vào vai võ tướng bảo vệ hoàng hậu.

Sau Đinh Tiên Hoàng Đế anh lại tham gia Huyền sử thiên đô, vai một nhà sư. Sau đó anh tiếp tục đến với Trái tim kiêu hãnh, Giọt nước rơi… Với Huyền sử thiên đô, anh có dịp hội ngộ với bốn võ sư Trung Quốc.

Võ sư “ta” đưa ra nhận định: “Đóng phim võ thuật kiểu Tàu sướng vô cùng, nhàn, không đổ mồ hôi, không đau đớn. Mình muốn thể hiện, muốn đánh thật thì đạo diễn chỉ đạo võ thuật bảo không được, phải từ từ, để quay, ghép”.

Có lẽ bộ phim võ thuật nhàn hạ nhất Trương Văn Hòa tham gia chính là Huyền sử thiên đô: “Đóng kỹ xảo, thấy chẳng phải làm gì. Chỉ vừa giơ kiếm rồi đưa vào vài thế là xong, người ta quay, chụp hình rồi ghép, chèn kỹ xảo.

Đóng phim Việt Nam võ sư vất vả vô cùng, cảnh đánh nhau là đánh thật. Mệt mỏi, sưng tay, sưng chân, sưng mặt mày, chảy máu là thường, vì không có lồng ghép, không có bảo vệ an toàn, không đóng thế”.

Nhưng rồi anh cay đắng thừa nhận: “Đúng là phim hành động của mình võ sư đổ mồ hôi nhiều hơn nhưng chưa chắc đã hiệu quả như phim hành động của người ta”. Tuy nhiên, Trương Văn Hoà khoái đánh nhau thật giữa trời nắng chang chang, trong rừng rú, dưới sông nước… hơn là diễn trong phim trường, trước phông xanh (rồi ghép bối cảnh sau) vì điều đó đòi hỏi diễn viên phải có võ tinh luyện. Mục đích anh tham gia phim ảnh cũng chỉ vì muốn trình diễn tinh hoa võ thuật.

Chủ võ đường Bắc Long Biên: Ba trong một

Võ sư Nguyễn Văn Thắng trình diễn Võ thuật
Võ sư Nguyễn Văn Thắng trình diễn Võ thuật.
 

Anh là công chức “xịn” vẫn “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, đồng thời cũng là chủ nhiệm võ đường Bắc Long Biên có tiếng. Nhưng nếu khán giả yêu thích những pha hành động trong phim Việt hẳn sẽ nhớ đến anh như một diễn viên thực thụ.

Có lẽ anh là một trong những võ sư miền Bắc lấn sân sâu nhất vào phim ảnh. Đến nay võ sư Nguyễn Văn Thắng (có biệt danh “Thắng cua”) đã tham gia trên 20 bộ phim. Anh chạm ngõ điện ảnh cách đây 10 năm.

Khi đó võ sư đang biểu diễn võ thuật ở Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam. Chứng kiến cảnh anh đánh bục đít chai Henessy cùng vài đòn hóc hiểm, đạo diễn Nguyễn Thế Vĩnh ngay lập tức mời anh tham gia bộ phim Thức tỉnh (đóng cùng Xuân Bắc).

Ở phim này anh vào vai Kiểm Dê, trùm xã hội đen, sử dụng rất nhiều võ thuật. Rồi đạo diễn nọ mách đạo diễn kia, anh đi từ phim này qua phim khác: khi thì vai giám đốc lừa trong Những ông bố bất đắc dĩ, khi lại vào vai sát thủ trong Lãnh địa đen, rồi trung tá ngụy trong Một thời đã sống, cán bộ công an trong phim Đèn vàng…

Cũng có một số đạo diễn nghi ngờ khả năng diễn xuất của Thắng “cua” bởi biết anh là công chức, có võ thuật nhưng không được đào tạo bài bản về diễn xuất. Nhưng hễ gặp mặt anh là họ hết lăn tăn, trao ngay vai diễn.

Khán giả có thể gặp võ sư Nguyễn Văn Thắng qua nhiều bộ phim khác: Sa- mi em ở đâu, Vũ điệu tử thần, Đột kích, Long thành cầm giả ca… Hiện tại, Thắng “cua” đang rong ruổi cùng đoàn phim Những đứa con biệt động (phần 2), anh vào vai Tùng Sạn, một nhân vật khét tiếng trong giới giang hồ.

Dù khán giả Việt vẫn bị phim võ thuật nước ngoài “hớp hồn” nhưng võ sư, diễn viên Nguyễn Văn Thắng hoàn toàn tự tin khi đứng trước các võ sư nước bạn.

Anh kể kỷ niệm vui: “Khi đóng Huyền sử thiên đô, có ông đạo diễn người Hồng Kông sang Việt Nam, tham quan lớp võ của tôi. Ông đề nghị học trò của tôi biểu diễn cho ông ấy xem. Học trò nhìn thấy đạo diễn cao trên 1,8 m đã ngại. Sau phần biểu diễn của trò, tôi đeo vòng sắt múa, vận khí đánh chậu cây cảnh vỡ tan. Tôi bảo đạo diễn, nếu ông thích kiểm tra năng lực, tôi có thể mời ông”.

Thắng “cua” còn tham gia chỉ đạo võ thuật trong nhiều bộ phim. Khi làm phim, anh cũng thể hiện tinh thần của một võ sư, nghiêm túc, hết mình và lăn xả. Anh chỉ cho chúng tôi những vết bầm dập trên người: “Tàn tích của vai Tùng Sạn đấy.

Tôi phải lăn từ trên núi xuống. Vì mình là võ sư, nếu mình không đóng được cảnh này thì diễn viên nào đóng được?”.

Vai Rô anh, trùm xã hội đen trong Chuyện tình đảo cát là một vai diễn Thắng “cua” có nhiều kỷ niệm: “Ở phim này tôi tham gia chỉ đạo võ thuật nữa. Tôi đeo nanh hổ, bảo diễn viên chính cách đá, anh ta không làm được, lại đá vào nanh hổ, làm nó cứa vào người tôi, có khi lại đá tụt xuống dưới làm tôi đau ê ẩm”.

Khi quay phim Đột kích ở Mai Châu (Hoà Bình), anh nhận được điện báo con trai đi xe máy bị ngã vỡ xương mặt nhưng vẫn âm thầm làm tròn vai diễn. Đóng máy, đạo diễn Vũ Minh Trí mời anh ra liên hoan, lúc ấy Thắng “cua” mới xin phép về, vì con nằm viện.

Cũng như việc anh đeo khuyên tai: “Công chức không ai bấm khuyên tai nhưng vì tôi tâm đắc với nhân vật mới làm thế. Cứ đi làm tôi lại phải tháo khuyên tai ra”.

Võ sư Nguyễn Văn Thắng không ngại cảnh nóng trên phim. Có lần đang ngồi cùng “bà xã” xem lại thành quả lao động, bất ngờ anh thấy bát bay vèo qua đầu. Hoá ra “bà xã” nổi cơn ghen. Mạnh mẽ, vạm vỡ là thế nhưng trước phụ nữ, Thắng “cua” luôn “lấy nhu thắng cương”.

Nói về mình, Thắng “cua” đùa: Tôi không cao nhưng khiến người khác phải ngước nhìn. Cùng một lúc hoá thân vào ba “vai”: công chức, võ sư, diễn viên.

Không dám nhận xuất sắc nhưng sự nỗ lực của anh là đáng ghi nhận: “Nếu cảnh quay dài, tôi xin nghỉ việc ở cơ quan, cảnh quay ngắn tôi tranh thủ cuối tuần. Quay xong kể cả nửa đêm cũng trở về Hà Nội để sáng hôm sau đi làm”. Một tuần ba tối anh đến lớp dạy võ.

Lên phim thật như đời

Võ sư Lê Ngọc Quang ngoài đời
Võ sư Lê Ngọc Quang ngoài đời.
 

Võ sư Lê Ngọc Quang hiện nay đang giữ chức Tổng thư ký, Phó chủ tịch thường trực Hội võ thuật Hà Nội. So với Thắng “cua” và Trương Văn Hòa, Lê Ngọc Quang có ưu thế được đào tạo về nghề diễn.

Anh từng theo học ngành điện ảnh nhưng bỏ giữa chừng để chuyên tâm làm sinh viên Đại học Bách khoa. Gương mặt điển trai lại có nghề, nên vị võ sư này mau chóng lọt mắt xanh của các nhà làm phim từ thời trẻ.

Lê Ngọc Quang đã đóng phim từ những năm 73, 74 khi mới gần 20 tuổi. Đến nay anh không thể nhớ hết những phim đã đóng: Ban mai, Ngày lễ thánh, Lãnh địa đen… Gần nhất Lê Ngọc Quang tham gia Mặt nạ da người và Bản di chúc bí ẩn.

Điều khác lạ là các võ sư - diễn viên như Thắng “cua”, Lê Ngọc Quang đều không cho phép nhân viên hoá trang đụng vào mặt mình: “Tôi không cho hoá trang, muốn sống trên phim như thật luôn”.

Ngay cả phục trang cũng được các võ sư bê từ đời thường lên phim, bởi họ thường đóng vai phản diện, hiếm khi nhận được những vai có tạo hình đẹp đẽ, diễn cảnh ăn sung mặc sướng. Dao kiếm đạo cụ để thể hiện những cảnh đánh, đấm trong phim cũng là của họ. Cả ba võ sư đều không dùng nghệ danh khi đóng phim, chỉ dùng tên cha sinh mẹ đẻ.

Theo Lê Ngọc Quang, một trong những đạo diễn “đanh đá, khó chịu” nhất chính là Mai Hồng Phong. Vốn là “dân” quay phim nên Mai Hồng Phong đặc biệt để ý tới mặt hình ảnh.

Như trong phim Mặt nạ da người, diễn viên (toàn võ sư và cảnh sát đặc nhiệm) phải diễn cảnh bay từ tầng 2 xuống, vất vả nhưng hình ảnh chưa được như ý do hạn chế về phương tiện kỹ thuật. Trong phim Đột kích, có cảnh Thắng “cua” và Lê Ngọc Quang đánh nhau.

Cứ khi Thắng “cua” đá trúng gáy Lê Ngọc Quang thì máy không bắt được, phải diễn đi diễn lại 10 lần ở sườn dốc thoai thoải đá dăm lởm chởm đằng sau.

Quay suốt vài tiếng đồng hồ, đến nỗi các võ sư nổi cáu. Võ sư Lê Ngọc Quang tổng kết: “Phim các nước xử lí bằng vi tính, dụng cụ hỗ trợ, mình hoàn toàn quay thủ công. Nên đóng phim võ thuật ở mình trông vậy mà nhọc hơn phim… Mỹ”.

Hỏi Lê Ngọc Quang: “Mời tổng thư ký hội võ thuật đóng phim cát xê có được ưu ái không?”. Cũng giống như Trương Văn Hoà, Thắng “cua”, Lê Ngọc Quang không quan tâm cát-xê. Anh chỉ coi phim ảnh là cuộc dạo chơi.

Niềm đam mê vẫn là võ. 24 năm dạy đội tuyển quốc gia, ở tuổi không còn trẻ, võ sư Lê Ngọc Quang lại đang dồn tâm sức vào việc làm một con tàu hoả cổ chở rượu, tốn kém khoảng 1 tỷ đồng, bằng đồng, nặng khoảng hai tạ: “Con tàu cổ luôn trần trụi, tàu hiện đại máy móc để trong hộp, người ta chỉ nhìn thấy sự bóng bẩy mà thôi. Tàu cổ điển giống như người chơi võ, không giấu giếm cái gì. Dân võ chúng tôi, muốn con cháu mình đời sau không chỉ thấy cha ông mình biết chơi võ, biết đóng phim mà còn biết cần mẫn làm một con tàu thủ công một cách tuyệt vời”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG