Chuyện chưa kể quanh bài hát 'Nơi đảo xa'

Chuyện chưa kể quanh bài hát 'Nơi đảo xa'
TP - Nhạc sỹ Thế Song, cha đẻ Nơi đảo xa - một trong những nhạc phẩm hay nhất viết về Trường Sa, vừa bước sang tuổi 80, nhưng tình yêu âm nhạc trong ông chưa bao giờ nguội lạnh.

> Biển đảo quê hương 'hội tụ' về Hà Nội
> Ngày hội sinh viên với biển đảo quê hương 2012

Tôi tới thăm nhạc sỹ Thế Song vào một buổi chiều. Bây giờ muốn trò chuyện riêng với ông chẳng dễ. Con trai lớn của ông luôn theo sát cha mình, lắng nghe ông nói chuyện, khi cần thiết, “đính chính” lời ông nói. Anh bảo: “Bố tôi không nhớ chính xác những cột mốc thời gian nữa”.

Nơi đảo xa - Một trong mười “con cưng”

Đón quà từ đất liền
Đón quà từ đất liền.
 

Theo con trai nhạc sỹ, gia tài âm nhạc của Thế Song khá giàu có với khoảng 500 ca khúc. Trong đó có nhiều ca khúc đến nay vẫn chưa phổ biến. Nhạc phẩm nổi tiếng nhất phải kể đến Nơi đảo xa.

Nhạc sỹ kể, 16 năm sau ngày Nơi đảo xa ra đời, ông mới có cơ hội đặt chân đến Trường Sa. Tác phẩm này được viết trong tưởng tượng, vào năm 1979 (nhưng đề tài đã được tác giả ấp ủ từ rất lâu). Đây có thể coi là một “đứa con rơi” của nhạc sỹ.

Thế Song đã viết xong lời một của bài hát ngay trên đường công tác từ Quảng Ninh trở về Hà Nội. Lời hai cũng được nhanh chóng hoàn thành sau đó.

Ông không hề chỉnh sửa Nơi đảo xa một lần nào từ ngày nhạc phẩm ra đời nên có thể khẳng định không có “dị bản” từ phía tác giả. Hỏi vị nhạc sỹ già: “Ông tâm đắc với phần ca từ nào nhất trong bài hát?”.

Ông cười: “Tất cả ca từ tôi đều thích: Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa, từng mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà. Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa ngàn bão tố phong ba đã vượt qua, vượt qua...

Không câu nào thừa. Câu nào cũng thấm đượm tình yêu”. Nói đến tình yêu, Thế Song hào hứng: “500 ca khúc của tôi, bài nào cũng có tình yêu. Chẳng ca khúc nào thiếu màu sắc tình yêu cả”.

Nhưng cũng chỉ là những tình yêu được viết bằng tưởng tượng: “Đào hoa ngoài đời thì khó. Mà biết thế nào là đào hoa? Đào hoa được hiểu theo nhiều nghĩa, nếu đào hoa là được nhiều người quý mến thì tôi cũng đào hoa”.

Nhạc sĩ Thế Song
Nhạc sĩ Thế Song.

Vị nhạc sỹ hiền lành yêu tất cả những đứa con mình đã sinh ra: “Tôi không phân định bài này hay nhất, bài kia hay nhì. Hay nhất hay nhì là do người ta tạo ra thôi.

Bài hát nào tôi viết tôi đều thấy hay. Khỏi bàn chuyện bài này thấy hay, bài kia không hay”. Tuy nhiên nếu kể tên mười “đứa con” được nhạc sỹ “cưng” nhất, đương nhiên có Nơi đảo xa, Hoa hồng biển đảo, Ngôi nhà lính đảo, Mênh mang Trường Sa…

Người đầu tiên thể hiện thành công nhạc phẩm Nơi đảo xa chính là NSUT Tiến Thành. Sau này, rất nhiều giọng ca đã thăng hoa cùng Nơi đảo xa, tác giả công nhận: “Bây giờ ca khúc này nhiều người hát hay lắm”.

Nhưng khi hỏi: “Các ca sỹ trước khi muốn thể hiện Nơi đảo xa có xin phép nhạc sỹ không?” thì ông cười: “Nhiều người hát “ăn gian” lắm...”. Chẳng biết phong trào “Nghe có ý thức” có giúp nhạc sỹ già có thêm chút thu nhập: “Bây giờ cứ bật đài, bật ti vi, lại thấy Nơi đảo xa.

Thuyền từ đất liền vào đảo Đá Tây. Ảnh: L.A
Thuyền từ đất liền vào đảo Đá Tây. Ảnh: L.A.

Diện phủ sóng rộng rãi và liên tục như vậy, chắc nhạc sỹ bội thu?”. Con trai của nhạc sỹ trả lời thay: “Tôi có đưa bố tôi đến một đơn vị bảo vệ bản quyền tác giả rồi. Nhưng không thấy gì... Tôi thắc mắc: Lúc nào cũng thấy phát bài của bố tôi, vậy bố tôi chẳng lẽ không được tiền? Họ hứa sẽ truy thu từ 2008 nhưng đã thấy gì đâu”.

Một ngày của nhạc sỹ Thế Song bây giờ khá đơn giản: Đạp xe để rèn luyện sức khoẻ, xem ti vi, ngồi chơi...? Ông cũng theo dõi The Voice, Vietnam Idol và phàn nàn: “Bọn trẻ giờ toàn hát bài tây cả, chúng ta thiếu gì tác giả hay thiếu gì bài hát hay. Cứ thế này người ta sẽ coi thường mình. Mình đang đánh mất bản sắc của mình”.

Hỏi ông có tiếp tục sáng tác nữa không, ông tâm sự: “Tôi đã ngừng sáng tác vài năm nay vì tai biến. Bây giờ tôi không thích viết nữa vì viết mình phải bỏ tiền ra dựng bài, tốn lắm, lấy đâu?”.

Nhạc sỹ hứa: “Nếu dư dả về tài chính, tôi sẽ viết”. Tôi hỏi thêm: “Tác giả của một ca khúc nổi tiếng như Nơi đảo xa mỗi dịp Tết đến chắc có nhiều người tới thăm?”. Ông khẽ lắc đầu.

Nhạc sỹ Thế Song sinh năm 1933, trong một gia đình đông anh em. Ông suýt là con út (tên ông thể hiện quyết tâm của cha mẹ “thế là xong”) nhưng sau đó, gia đình ông lại đón thêm thành viên mới. Đó chính là nhạc sỹ Văn Dung tác giả của “Những bông hoa trong vườn Bác”, “Đường Trường Sơn xe anh qua”... Nhạc sỹ Thế Song có bốn người con, con út của ông cũng nối nghiệp cha.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG