Thành Lộc: Kịch Bắc ngủ quên quá lâu

Thành Lộc: Kịch Bắc ngủ quên quá lâu
TP - Nhà hát Kịch Việt Nam kỷ niệm 60 năm, Thành Lộc, Xuân Hương bay ra chung vui. Té ra cha của Xuân Hương- nghệ sĩ Bích Lâm từng là giám đốc nhà hát.

> Nhìn lại vài “hiện tượng văn nghệ” 2012
> Kịch Bắc mang gì vào hội diễn Huế?

Còn Thành Lộc tự mua vé máy bay để gặp gỡ đồng nghiệp trong không khí thân tình, và lý do có mặt của anh là: không có Nhà hát Kịch VN thì không có Thành Lộc hôm nay. PV hỏi chuyện anh tại sảnh Nhà hát Lớn.

Anh nói không có Nhà hát Kịch VN thì không có anh, là sao?

Đúng là như thế, mặc dù tôi là con nhà nòi, gia đình theo nghệ thuật truyền thống - cải lương và hát bội. Sau năm 1975 đột nhiên xuất hiện hai đơn vị kịch nói miền Bắc là Đoàn Kịch nói Trung ương và Đoàn Kịch nói Hà Nội, đặc biệt Đoàn Kịch nói Trung ương tức Nhà hát Kịch VN bây giờ, đã hớp hồn tôi hoàn toàn.

Dòng kịch này khác hẳn dòng kịch của Sài Gòn, làm tôi choáng ngợp, làm tôi yêu nghệ thuật kịch nói mãnh liệt hơn. Lúc đó tôi vừa hết tuổi con nít, bắt đầu làm người lớn, bắt đầu định hướng tương lai sẽ làm gì thì bây giờ có hướng luôn. Chứ trước đó tôi vẫn mơ ước trở thành thầy giáo dạy văn.

Cụ thể hồi đó anh ấn tượng đặc biệt với vở nào, gương mặt nào?

Một loạt. Nila với sự xuất hiện sừng sững của Nguyệt Ánh, Hà Văn Trọng; rồi Khúc thứ ba bi tráng, Vụ án người đốt đền với Trọng Khôi, Đoàn Dũng; Đôi mắt với Thế Anh, Tú Mai. Vân vân.

Đoàn Kịch nói Hà Nội, thì là Hà My của tôi do anh Doãn Hoàng Giang đạo diễn, rồi Âm mưu và tình yêu...

Ngày đó không hiểu lấy tiền đâu mà tôi mua vé xem kịch hoài, đoàn đi đâu tôi theo đấy. Đoàn diễn 7 đêm tôi coi 7 đêm, thuộc hết lời thoại. Đến khi tốt nghiệp phổ thông, tôi viết một lá thư rất dài gửi anh Hà Văn Trọng khi đó là thành viên Hội đồng Nghệ thuật của đoàn. Trong thư tôi nói tôi sẽ đi theo con đường của các anh chị, sẽ vào học trường sân khấu, và hứa trở thành một nghệ sĩ kịch nói nổi tiếng. Đến bây giờ tôi đã làm được điều mình hứa!

Vì vậy việc nhà hát mời tôi dự kỷ niệm 60 năm có ý nghĩa rất thiêng liêng. Tôi đến đây như sự báo công với một đơn vị nghệ thuật mà mình từng ngưỡng mộ.

Bây giờ sân khấu phía Bắc có mất thiêng đối với anh?

Các nhà hát phía Bắc lâu nay có phần ngủ quên trên chiến thắng. Có lẽ các nghệ sĩ quan niệm rằng khi đã thành danh thì mình cứ diễn mãi như thế. Trong khi đó, nghệ thuật - kể cả nghệ thuật chính thống đều phải mang tính thời trang nghĩa là phải cập nhật, từ diễn xuất trở đi.

 Hồi xem kịch “Đôi mắt” thấy kép chánh đẹp trai Thế Anh năm đó 41 tuổi. Đến khi bước vào tuổi 40 tôi bắt đầu run “vậy là mình sắp hết thời rồi sao”, nhưng tôi đã nỗ lực hết sức và được đền bù xứng đáng”.  

Ngày xưa chúng tôi học trong trường, được dạy về mặt phương pháp: phong cách phải thuần phong cách- từ âm nhạc, trang trí, trang phục… Nhưng thế giới bây giờ khác rồi. Ngày nay người ta có thể sử dụng mọi thứ ngôn ngữ nghệ thuật miễn là ngôn ngữ đó đẩy được thông điệp đến khán giả. Bất chấp luật lệ. Chúng ta sống trong thế giới phẳng, bất cứ thông tin nào đến khán giả nhanh nhất thì đó là thành công.

Tôi không nghĩ nghệ sĩ phía Bắc ngủ quên trên chiến thắng. Họ cũng nhận ra mình đã đuối, đi xuống, họ muốn bứt lên nhưng lực bất như mưu. Và tôi thấy họ đều thừa nhận Thành Lộc, Hồng Vân là nghệ sĩ cỡ lớn đấy chứ.

Nói thế này e hơi thẳng quá, có thể gây mếch lòng nhưng chị đã hỏi đến thế thì tôi xin nói ý nghĩ thật của mình, đó là bệnh của phía Bắc là thấy người ta hay mà không chịu thừa nhận, bằng mặt nhưng không bằng lòng. Trong thâm tâm biết mình hết hay và thấy người ta hay- ngồi với nhau họ sẵn sàng thừa nhận điều đó nhưng danh chính ngôn thuận thì không.

Chỉ dự vài hội diễn là tôi biết. Tất cả những gì có tính cách tân đều không dễ được thừa nhận. Còn những vở đoạt huy chương Vàng cũng hay chứ không phải dở nhưng nó hay theo kiểu thập niên 80, 90 của thế kỷ trước chứ không phải là thế kỷ 21.

Nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo từng nói: Giữ gìn bản sắc dân tộc không đơn giản là khôi phục cái cũ, mà phải làm mới, hiện đại nó lên!

Ban nãy chị nhắc Dạ cổ hoài lang kỷ lục sáng đèn của chúng tôi giữa thập kỷ 90, hồi đó chúng tôi rất hài lòng nhưng bây giờ nó bị xưa rồi.

Khán giả Sài Gòn rất đông, gu thưởng thức phong phú đa dạng, dòng nào cũng có khán giả. Nên mỗi đơn vị sân khấu có phong cách khác nhau. Còn ngoài này phong cách khá giống nhau nên khi bắt đầu lỗi thời thì lỗi thời một loạt.

Trong kia đông đoàn tư nhân, số phận mỗi vở diễn gắn với nồi cơm của từng người nên bằng mọi cách họ phải kéo khán giả đến rạp. Ngoài này dựng những vở hoành tráng nhưng diễn viên không cần biết nó có sống được không, cái đó làm cho sân khấu khó mà phát triển.

Nhiều diễn viên hầu như chỉ đọc lời, mô phỏng chứ không sống trong nhân vật; nội dung thì như đi đâu trên mây chứ không phải vấn đề khán giả quan tâm. Còn trong kia, kịch phải điểm đúng huyệt của khán giả, khiến họ cười ngay. Với bi kịch cũng thế.

Anh vừa xem “Nhà Ôsin” kịch bản Nguyễn Huy Thiệp, đạo diễn Lê Khanh và rất thích nó? Trái lại tôi đã nói với anh Thiệp rằng với tất cả sự tôn trọng anh Thiệp cũng như các nghệ sĩ, tôi thấy nó cũ và không hay. Người duy nhất có nghề là Chí Trung. Anh vừa nói về tính cập nhật, vậy anh thấy “Nhà Ôsin” gãi đúng chỗ ngứa của khán giả hôm nay ở chỗ nào?

Một vở kịch gọi là hay không chỉ vì nó gãi đúng chỗ ngứa của khán giả đương thời. Cái đó chỉ là hiện tượng nghệ thuật, là một trong nhiều thành phần tạo nên thành công của tác phẩm. Nhà Ôsin là một trường hợp khác, với tôi nó là vở kịch hay và lạ! Hay vì tính văn học. Cái này kịch phía Nam thường là điểm yếu. Còn lạ ở chỗ tuy không có nhiều hành động kịch- hay dân trong nghề thường nói là không có kịch tính, nhưng nó vẫn hấp dẫn vì nội dung câu chuyện và cách kể câu chuyện ấy của tập thể làm ra vở diễn.

Tôi rùng mình và cực xúc động khi xem ông bạn Chí Trung của tôi quay trở lại với bi kịch chính thống, diễn kịch tâm lý mà đã khá lâu anh không theo đuổi nữa. Có thể anh ấy chưa hài lòng nhưng tôi thì rất khâm phục. Vẫn là phong cách diễn kịch rất Bắc đó thôi nhưng nó không ồn ào, không khoa trương, không theo các trình thức sáo mòn. Nó rất hiện đại và gần gũi như đời sống thật. Dĩ nhiên tôi không dám nói đây là tác phẩm hay nhất lâu nay, nhưng nói thật lòng: Tôi yêu kịch Bắc, rồi thất vọng với kịch Bắc, rồi sau khi xem vở này, tôi “mừng húm” vì thấy cái tình yêu của tôi với kịch Bắc vẫn còn y nguyên như thế!

Từ hồi Thành Lộc là một thiếu niên còn tôi khi ấy nhi đồng, đã chứng kiến anh nhảy múa vòng tròn nom thuần thục như một vũ công Nga, thần thái cực kỳ nghệ sĩ (trong một chương trình biểu diễn báo cáo ở Cung Văn hóa Thiếu nhi Hà Nội trước khi lên đường dự trại hè thiếu nhi quốc tế). Anh thuộc dạng nghệ sĩ mà tinh hoa phát tiết rất sớm?

Tôi diễn kịch và ca hát từ 8 tuổi trong các ban nhạc kịch thiếu nhi trên làn sóng phát thanh và truyền hình Sài Gòn từ trước 1975. Sau 75 tôi phát hiện mình có khả năng nhảy múa, đặc biệt yêu thích ballet nên sinh hoạt trong đội múa Nhà Văn hoá Thiếu nhi TPHCM và từng ước muốn trở thành vũ công ballet chuyên nghiệp. Nhưng thật ra tôi giỏi múa dân gian hơn.

Sau khi dự Liên hoan Thiếu nhi Thế giới lần 1 tại Moskva (Liên Xô) và giành Huy chương Vàng trong một cuộc thi múa, trường Múa Việt Nam tại Hà Nội có nhã ý muốn đào tạo cho tôi theo chương trình chính qui. Nhưng quả thật động lực trở thành diễn viên kịch trong tôi vẫn mạnh mẽ hơn, nên tôi đã có sự lựa chọn để bây giờ sân khấu kịch nói có một Thành Lộc. Cũng nhờ thế mà khán giả thấy một diễn viên sân khấu đa năng, không chỉ diễn kịch mà ca hát và nhảy múa cũng rất thành thạo. Điều đó làm tôi trở nên nổi bật và dễ “ghi điểm” trong lòng khán giả.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG