Nhớ Hoàng Hiệp - tác giả nhiều bài hát để đời

Nhớ Hoàng Hiệp - tác giả nhiều bài hát để đời
TP - Nhạc sĩ Hoàng Hiệp tên thật là Lưu Trần Nghiệp, còn có bút danh là Lưu Nguyễn. Ông sinh ngày 1-10-1931 ở xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, qua đời ngày 9-1 tại TPHCM.

> Nhạc sĩ Hoàng Hiệp qua đời
> Một thời đạn bom Một thời hòa bình - Kỳ cuối: Những câu chuyện tháng 12

Cái tên Hoàng Hiệp sẽ còn được nhớ dài lâu vì gia tài âm nhạc phong phú và nổi bật ông để lại. Nhiều bài hát của ông ra chất vùng miền, song vẫn phổ biến rộng rãi trong khoảng thời gian dài tính bằng thập kỷ.

Hầu như trong giai đoạn lịch sử nào mà nhạc sĩ sống, ông đều có những bài hit không chỉ phù hợp tinh thần giai đoạn đó mà còn có sức sống lâu bền về sau.

Câu hò bên bến Hiền Lương (1957)- những giai điệu thẫm đẫm chất dân ca miền Trung được thai nghén sau nhiều lần qua lại bờ sông lịch sử, nghe câu chuyện của những chứng nhân bình dị trở thành tác phẩm để đời đầu tiên của Hoàng Hiệp.

Nghe Nhớ về Hà Nội lại tưởng tác giả là người con của thủ đô nhớ về quê hương. 20 năm tập kết ở Hà Nội và mối tình với người con gái Hà Nội đã cho ông những câu nhạc da diết: Nhớ phố Quang Trung, đường Nguyễn Du những đêm hoa sữa thơm nồng…

Người con gái đó, diễn viên Diễn Lan, về sau trở thành người vợ chung thủy của ông. “Nhạc sĩ Hoàng Hiệp có đời sống tình cảm ổn định hơn bất cứ nghệ sĩ nào mà tôi biết”, GS.NS Ca Lê Thuần nói.

Nhiều tác phẩm quan trọng của Hoàng Hiệp đều xuất phát từ những câu chuyện người thực việc thực và được các vần thơ gợi hứng. Nhà nghiên cứu Nguyễn Thụy Kha gọi Hoàng Hiệp là ông hoàng xe duyên thơ nhạc và nhớ lại: “Giữa không khí chiến tranh bảo vệ biên giới, Hoàng Hiệp vẫn không ngại ngùng đẩy sau những suy tư của mình về chiến tranh bằng việc phổ bài thơ Đợi anh về của Lê Giang. Tôi nhớ khi ấy, ở các sàn diễn, Thanh Hoa rồi Lệ Quyên… đều được bis rất nồng nhiệt khi cất lên: Năm tháng gội mưa rừng - ngày đêm vùi sương núi - em vẫn chờ vẫn đợi - vẫn đợi anh về…

Cứ thế, dòng chảy âm nhạc của Hoàng Hiệp lai láng qua ca khúc, nhạc sân khấu, nhạc phim… Một ấn tượng cao sang và riêng biệt”.

Mỗi bản tình ca của ông đều có một tứ nào đó rất thơ, chứ không bao giờ là những chuyện tình anh em đơn thuần. Cá tính âm nhạc của Hoàng Hiệp xóa nhòa ranh giới giữa nhạc đỏ và tình ca. Chính vì thế mà thời những năm 1980, ông bị chỉ trích là đã chuyển từ nhạc đỏ sang nhạc vàng.

Một số bài như Mùa chim én bay, Nơi em gặp anh, Con đường có lá me bay… vì thế không được duyệt hoặc bị cắt sửa. Cũng có bài như Trở về dòng sông tuổi thơ phải 7-8 năm sau khi ra đời mới được công chúng biết đến, chỉ do tác giả muốn giữ riêng cho mình.

Hoàng Hiệp là lứa sinh viên đầu tiên của khoa Sáng tác, trường Âm nhạc Việt Nam. Ông từng làm Tổng thư ký Hội Âm nhạc TPHCM. Năm 2000, ông nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT cho các tác phẩm: Câu hò bên Bến Hiền Lương, Cô gái vót chông, Ngọn đèn đứng gác, Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây, Viếng Lăng Bác, Nhớ về Hà Nội. Lễ viếng nhạc sĩ bắt đầu từ 19h ngày 9-1 tại Nhà tang lễ TPHCM. Ngày 12-1, ông sẽ được an táng tại nghĩa trang thành phố.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
TPO - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao 3 xác nhận kỷ lục cho UBND tỉnh Đắk Lắk. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai.