Nhạc sĩ Doãn Nho: Sự chân thật luôn đi thẳng đến lòng người

Hai thế hệ gặp nhau qua “Chiếc khăn rơi” Ảnh internet
Hai thế hệ gặp nhau qua “Chiếc khăn rơi” Ảnh internet
TP - Gặp Doãn Nho nhiều năm trước qua vụ “Bốn đại tá chống lại một thừa tướng” (xung quanh giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT), nay đã 80 tuổi chẵn, ông vẫn khỏe, giọng nói sang sảng và hát rất... ngọt ngào.

> “Bài hát tiền tỷ” và văn hóa chấp nhận
> BTC Bài Hát Yêu Thích phúc đáp Uyên Linh

Ông vừa có niềm vui: Chiếc khăn piêu sáng tác 56 năm trước vừa được giải Bài hát yêu thích nhất của năm, với 300 triệu đồng cho nhạc sĩ và 1 tỉ đồng thuộc về người thể hiện- ca sĩ Tùng Dương.

Chúc mừng nhạc sĩ về sự sống lại của “Chiếc khăn piêu”, tức "Chiếc khăn rơi". Ông thấy bản phối mới của nhạc sĩ Nguyên Lê thế nào?

Rõ ràng là tốt, pha chất Jazz với ngôn ngữ của nhạc điện tử. Đặc biệt hiệu quả là lối hát phiêu, nồng nàn chân thật của Tùng Dương.

Vừa qua, tôi có xem chương trình kỷ niệm Hà Nội Điện Biên Phủ trên không, trong chương trình chỉ có một bài hát nước ngoài là ca khúc phản chiến của John Lennon được Tùng Dương hát bằng tiếng Anh cũng rất tốt. Những câu cần phiêu, cần bốc lửa, Dương rất phiêu mà cần chính trị cũng rất chính trị.

Trên một số diễn đàn âm nhạc, khán giả đang so sánh Tùng Dương với những người thể hiện “Chiếc khăn piêu” từ thế kỷ trước, ví dụ Kiều Hưng…

Không thể so sánh bởi mỗi người một vẻ. Kiều Hưng có cái hay của Kiều Hưng. Ví dụ, bài hát này là của đàn ông, nhưng Anh Thơ hát cũng rất đạt, cô ấy khai thác cái mạnh của mình là chất trữ tình lãng mạn, bắt chước tiếng chim rồi mới vào bài. Có người lại nghiêng về chất trẻ, hát nhanh, sôi nổi.

Lúc đầu nghe Tùng Dương hát, tôi cũng không thích đâu, vì nó mới quá. Sau thì thấy Dương đã đưa được chất nhạc nhẹ vào bài một cách chín muồi, kết nối được hai thế hệ cách nhau hơn nửa thế kỷ.

Người đầu tiên hát bài này vào năm 1956 là anh Trần Chất, rồi đến Quý Dương, Trung Đức, Hoàng Chè, đều được khán giả đón nhận, mỗi khi mang ra nước ngoài thì gần như đều được yêu cầu hát lại.

Nhiều người tưởng đây là bài dân ca. Ông đã phát triển, khai thác bao nhiêu phần trăm chất dân ca của dân tộc Xá trong bài này?

Năm mươi phần trăm. Tôi sử dụng phần âm nhạc, còn lời là do mình đặt vào với tâm trạng của tuổi 23, vừa từ cuộc chiến ra, trở về quê hương Hà Nội. Lần đầu tiên được bộc lộ tình yêu lứa đôi, đòi hỏi của tuổi trẻ về tình yêu. Trước đó, trong chiến tranh, tình cảm của người chiến sĩ, của bản thân là có, nhưng nó hòa vào tình yêu đồng đội, tình quân dân.

Ngay bác Văn Cao lớn tuổi như thế, một trong những người sáng lập ra tân nhạc, nhưng đưa tình yêu vào bài của mình rất khéo. (Hát): Ngày mùa vui thôn trang lúa reo như hát mừng… Ngày mùa vui thôn xóm đầy đồng giáo với gươm/ Súng tì tay anh đứng, em ngừng liềm trông sang. Đấy không phải tình yêu thì là gì? Lồng một cách mượt mà trong tình yêu đất nước, tình quân dân.

Nội dung bài Chiếc khăn piêu nói rất chân thật tấm lòng của mình, ngỏ lời với tất cả bởi dù được dịp bộc lộ tình yêu của tuổi trẻ nhưng lúc đó chưa có đối tượng: (Hát) Á ơi có phải thắm thiết duyên nhau - Chiếc khăn đây là mối nối duyên nhau thời tôi chờ! Mình tạo ra cớ là nhặt được chiếc khăn, hỏi vang lên nhưng chẳng có ai trả lời. Nhưng mình vẫn giữ chiếc khăn đó, vẫn đợi, biết đâu lại có người đến. (Hát) Nhắn tin theo cùng gió- Khăn còn đây đợi người. A si ơi! A si ơi có nghĩa là cô em ơi!

Sự chân thật của bản thân hoàn toàn đồng điệu với làn điệu dân ca chân thật, tôi nghĩ bài hát thành công là vì thế. Dân ca bao giờ cũng chân thật, nên nó đi vào lòng người ghê lắm.

Theo ông, những nhạc sĩ nào phát triển dân ca thành công nhất?

Trước kia là Đỗ Nhuận, Hoàng Hiệp. Sau này Phó Đức Phương quá giỏi, có cả An Thuyên. Phương thức sáng tác dựa vào dân ca của tôi là do được các nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận truyền lại khi tôi đang là quản ca của đại đội ở Trường Sĩ quan Lục quân khóa 6 (1950-1951). Hồi ấy Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận cũng tham gia quân đội. Các ông dặn tôi rằng, muốn sáng tác hay phải đi vào dân ca, nên tôi viết Người con gái sông La, Ca ngợi anh hùng La Thị Tám đều với âm hưởng dân ca.

Ông vừa nhắc Hoàng Hiệp người đã ra đi hôm nay. Ông biết gì về nhạc sĩ tài danh này?

Biết quá đi chứ. Hồi anh ấy tập kết ra đây, chúng tôi có bao dịp trò chuyện, sau đó anh ấy trở về, thỉnh thoảng tôi có dịp vào Nam vẫn đến chơi. Điều tôi thích nhất ở Hoàng Hiệp, đó là tôi cảm thấy anh ấy giống mình ở chỗ rất chân thật. Trong sáng tác thì biết dựa vào dân ca. Câu hò bên bến Hiền Lương đã qua bao năm rồi, nhưng vẫn có sức cảm hóa bởi tài năng và sự chân thật.

Hoàng Hiệp chỉ có ca khúc mà không có khí nhạc, nhưng cực kỳ phong phú, đa dạng, không bài nào giống bài nào. Sống ở Hà Nội viết về Hà Nội thì ra Hà Nội. Về quê cũng thế.

Nhiều khán giả trẻ tỏ ra thích thú khi lần đầu nghe “Chiếc khăn piêu”, nhưng cũng có người cho rằng việc bài hát được vinh danh chẳng qua là một cách lăng xê nhạc truyền thống của ê-kíp làm chương trình ?

Lăng xê mà thành công thì phải biểu dương chứ.

Nói về thành tựu nhạc đỏ, nhạc truyền thống, nhà văn Phạm Thị Hoài có lần viết rằng "Hồn tử sĩ" là bản nhạc đáng kể nhất trong nền âm nhạc của chúng ta, còn Trịnh Công Sơn chỉ nêu có một cái tên ca khúc nhạc đỏ khiến ông tâm phục đó là "Chào em cô gái Lam Hồng" của Ánh Dương. Ông có nhận xét gì?

Hồn tử sĩ có cái hay của nó, nhưng chỉ dùng trong lễ tưởng niệm. Nói về chiến tranh mà chả lẽ chỉ có tử sĩ thôi à?

Dân số chúng ta gần 90 triệu. Và chúng ta có cả một nền ca khúc cách mạng, là vũ khí một thời, đi cùng với người chiến sĩ ra mặt trận. Nền âm nhạc đó sừng sững như núi, chả cần cãi làm gì.

Cảm ơn nhạc sĩ Doãn Nho.

Dương Phương Vinh
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG