'Cát nóng' bỏng rẫy chuyện làng văn nghệ

'Cát nóng' bỏng rẫy chuyện làng văn nghệ
TP - Cuối năm, tự nhiên bộ phim Cát nóng lại được mang ra đào xới dù nó chỉ chiếu mỗi một buổi ở LHP Quốc tế Hà Nội rồi mất hút. Một bộ phim được chọn chiếu khai mạc một LHP quốc tế thiết tưởng không đáng tự hào thì cũng không đến nỗi bị những người liên quan chối bỏ rằng “không liên quan”.

> Lê Hoàng đen cùng 'Cát nóng'
> Lê Hoàng bị 'ném đá' vì thời trang lạ, phim dở

Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân- người đứng tên tác giả kịch bản văn học phim Cát nóng, trước khi phim ra lò không thấy ỏ ê gì, sau đó phim bị dư luận chê tơi tả- nào là thảm họa mới; lựa chọn không thể thất vọng hơn (cho buổi chiếu khai mạc LHP); xem trong nước đã ngượng chết lại còn đãi người ngoài, vân vân, mới lên tiếng rằng mình chỉ đứng tên còn cái ruột- kịch bản thực sự, là của ông Lê Hoàng đạo diễn phim này.

Còn nhớ, Cát nóng khai mạc LHP xong, các đồng nghiệp hỏi tôi: Xem Cát nóng chưa mà đã bầu Đam mê là “phim dở nhất năm nay, hay bất cứ năm nào”?! Tôi bảo xem đến đâu bầu đến đấy, vả lại mỗi phim một kiểu “lẫy lừng”, cứ đưa cả vào đề cử đâu sao.

Cuộc chung lưng mở một ngôi hàng (của hai ông biên kịch) dẫn đến đứa con bị từ chối này có giá bao nhiêu? 6 tỷ đồng! Không phải vỏ hến nhé. Bộ VHTTDL bỏ hầu bao đầu tư sản xuất.

Điều thật đáng tò mò bây giờ là: Hãng phim Giải Phóng và Bộ có dám mang cái thành quả 6 tỷ này ra chiếu đại trà không?! Có người còn độc miệng (với giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh): “Dự Cánh Diều hợp quá còn gì!”.

Minh Trang (Chung cư, Người trong cuộc…, định cư ở Singapore và được mời về dự LHP) kể chị chịu được Cát nóng không quá 10 phút. Thế Anh, Đoàn Dũng khá hơn nhưng cũng phải chuồn lẹ, bởi “sợ tăng xông lắm”.

Một nữ diễn viên nổi tiếng mô tả một lãnh đạo ngành văn hóa xem phim mà “mặt hầm hầm”. Nhà báo Kiều Trinh (VTV1): Không hiểu nổi vì sao dám chọn phim như thế khai mạc!

Có lời giải thích rằng “làm gì còn phim nào khác mà chẳng chiếu nó”(?) Rải chiếu mời thượng khách đến nhà dự đại tiệc mà đem đậu phụ mắm tôm ra đãi, rồi lại thanh minh rằng gia cảnh khó khăn, bảo sao người ta không tỏ thái độ.

Gây ra cảnh nhốn nháo mà phóng viên Hollywood Reporter đã tả: “Rất nhiều khách mời quốc tế than phiền về sự ẩu tả cũng như không khí khô khan của buổi lễ. HANIFF còn cả chặng đường dài hoàn thiện mình để bằng với chuẩn chuyên nghiệp của một liên hoan tầm quốc tế”.

Một blogger nổi tiếng, chỉ xem truyền hình trực tiếp, sau khi bình luận về không khí buổi khai mạc LHP Quốc tế Hà Nội đã phân tích pha biểu diễn kính râm và bài đít-cua của ông Lê Hoàng: “Lê Hoàng giải thích vì sao phải đeo kính râm vào ban đêm- một điều mà trong cái giới dư thừa sự lập dị như nghệ sĩ, chẳng mấy ai để tâm. Ý thứ hai, có vẻ quan trọng vì Lê Hoàng lặp lại tới hai lần: Bộ phim (Cát nóng) được quay bằng camera truyền hình đời cũ cách nay 5-7 năm. Nghe cứ như lời thanh minh ngầm rằng thì là mà vì, nếu phim tôi có dở không phải tại tôi kém”.

Thực ra, ý của ông đạo diễn không có vẻ thanh minh mà như muốn khoe rằng, điều kiện tồi như thế mà tôi làm được phim cơ đấy.

Ông - chiếm cứ diễn đàn một cuộc quan trọng với đủ thành phần nội ngoại ngồi ở dưới, bằng những lập luận đại loại “phim của tôi là phim nhựa quay bằng máy không nhựa.

Nhưng nhựa hay không là ở cái đầu”(!) Rồi “Trong phim của tôi có ba nữ diễn viên xinh đẹp và tôi hy vọng phim của tôi cũng xinh đẹp như thế”. Thế là có biết phim mình dở đâu!

Những lời qua tiếng lại trên báo giữa hai ông đồng biên kịch và cả cuộc đối chất chính thức của các bên liên quan cho mọi người ngờ một điều rằng: Dù biết bộ phim cầm chắc thất bại nhưng người ta vẫn cố tình làm, mục đích chỉ để giải ngân món 6 tỷ! Nhà nước đã duyệt kịch bản, đã cho tiền thì phải cố mà nặn chứ chẳng nhẽ để vuột mất.

Trước đó hai đạo diễn Hồ Quang Minh và Nguyễn Võ Nghiêm Minh được mời nhưng đã (đủ tự trọng?) từ chối. Ông Phạm Thùy Nhân đã ẵm 80 triệu nhuận bút, giờ có kêu cũng khó. Còn khán giả (ít ra là khán giả của buổi xem phim duy nhất đó) lâm vào tình trạng giống như câu chuyện “mất tiền mua xà phòng phải cố mà ăn”.

Chuyện như sau: Có một anh được người ta bán cho “bánh xà phòng”, ngây thơ tưởng cứ “bánh” là ăn được nên thản nhiên xơi dù thấy nó đắng, ăn đến đâu sùi bọt, nuốt không được. Ăn gần hết mới dám kêu, và được giải thích “là bánh nhưng không ăn được”.

Tình cảnh một số khán giả lịch sự hồi tháng 11 vừa qua, cố nán lại dự khai mạc LHPQT mang tên Hà Nội cũng thế. (Trước khi LHP diễn ra, BTC quảng cáo như thể bộ phim chiếu khai mạc xứng đáng được chờ đợi).Tình cảnh bên bỏ vốn và bỏ công làm phim này cũng có thể như thế.

“Cùng là cát với nhau, cùng chiếu ở liên hoan phim quốc tế Việt Nam mà sao Đời cát tử tế còn cát này thì…”- các nhà báo ra về từ buổi khai mạc thi nhau bình luận. Thế rồi một tháng sau, Cát nóng trở thành Cát bỏng, hoàn toàn không vì chất lượng hay ho. Biết thế cứ lấy cái tên quai nôi - Mùa dưa, cho nó vừa tầm. Bởi dù ruột có bị tráo nhiều hay ít thì dưa vẫn chỉ là dưa.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG