> 'Cuộc đời của Pi' chạy đua Oscar
> Lý An công chiếu Cuộc đời của Pi
Suất chiếu buổi trưa ở Megastar đầy khoảng 2/3 rạp. Phim chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Yann Martel. Không ôm đồm, ấy là thành công trước hết của đạo diễn.
Những suy ngẫm, đức tin, day dứt của chàng thanh niên 17 tuổi Pi, trong hành trình trôi dạt trên Thái Bình Dương được tiết chế có chủ đích: Nhờ phần lớn vào kịch bản chuyển thể của David Magee.
Phần đầu phim gọn gàng, vừa đủ để người xem hình dung một cậu bé lớn lên ở Pondicherry (Ấn Độ) trong gia đình sở hữu vườn thú lớn.
Một cậu bé thú vị, tin vào Chúa ở cả đạo Hindu, Thiên chúa giáo và đạo Hồi. Khi cậu 17 tuổi, cha mẹ quyết định bán vườn thú dời đến Canada- nguồn cơn của cuộc phiêu lưu, sống sót giữa đại dương sau 227 ngày.
Đúng như Lý An tự nhận, đây là phim khó khăn nhất cho ông. Thai nghén gần chục năm, sau khi rất nhiều đạo diễn từ chối, Lý An kể được câu chuyện ngụ ngôn về đức tin, một cách vừa vặn, dễ dàng tiếp nhận hơn cuốn sách nhiều triết lí.
Khá nhiều điểm nhấn hài hước trong bộ phim, ví như khi Pi cố giải thích cái tên rất kỳ cục Piscine Molitor Patel (tên bể bơi trong tiếng Pháp). Nếu không nhẹ nhõm, Cuộc đời của Pi được liệt vào danh sách những phim không thể chuyển thể thành phim.
Lênh đênh giữa Thái Bình Dương nhiều ngày trời trên chiếc xuồng cứu hộ bé nhỏ, sống cạnh con hổ Bengal nặng gần 200kg và thường trực mối nguy mất mạng, thật dễ khiến người ta tin vào sự tồn tại của Chúa trời: “Không phải khi nào Người cũng xuất hiện, nhưng Người luôn dõi theo tôi”, Pi tự nhủ. Hành trình này diễn ra hợp lý, dẫn dụ người xem vào niềm tin mãnh liệt ấy. Như nhân vật chính luôn nhắc nhở trong những ngày giữa biển khơi-điều quan trọng nhất là không được mất niềm tin.
Phim dài 125 phút. Nhiều người tự hỏi đạo diễn làm gì khi quá 2/3 phim diễn ra trên đại dương, cụ thể trên chiếc xuồng cứu hộ cùng con hổ kia. Vậy mới thấy hết tài của đạo diễn.
Mình Pi với con hổ đánh vật với đại dương, thế mà cũng đủ quá trình diễn biến từ nỗi sợ hãi, đau khổ, đói khát cho đến khi bấu víu niềm tin, lí do sống sót của Pi lại chính là con hổ tên Richard Parker kia.
Đại dương hiện lên trên màn ảnh không hề nhàm chán hay lặp lại. Bắt đầu từ cảnh bão biển nhấn chìm con tàu Tsunami, hất văng Pi và mấy con thú lên xuồng, những con sóng dữ dội và sống động. Rồi biển lặng, nắng chói rực trên nền biển xanh thẳm.
Lúc khác, Pi được ở giữa đại dương đêm huyền ảo, thắp sáng bởi hàng chục ngàn con sứa, cá phát sáng dưới nước, trên trời bao phủ triệu ngôi sao. Cảnh phim Pi và con hổ Parker dạt vào hòn đảo ăn thịt người đầy huyền bí, hầu như chẳng ai tin nó có thực cũng đưa người xem lạc vào thế giới cổ tích nào đó.
Thi thoảng sự cô độc bị khuấy đảo, nhờ hình ảnh đàn cá chuồn, hay con cá voi khổng lồ thình lình xuất hiện.
Nếu Lý An làm phim này sớm hơn, e rằng không được thành công như bây giờ - bối cảnh chủ yếu diễn ra trong bể chứa 7 triệu lít nước, cùng máy tạo sóng nhân tạo hiện đại. Sau khi Avatar nổ phát súng đầu cho công nghệ 3D trên phim ảnh, Cuộc đời của Pi có thể xem là phim thành công nhờ hiệu ứng hình ảnh đẹp sững sờ.
Đến mức cha đẻ Avatar, đạo diễn James Cameron phải nức nở khen phim Lý An. Đạo diễn tận dụng 3D dựng lên những cảnh giông tố, cuồng phong y như thật, khiếp sợ nhưng ấn tượng. Vả lại, không thể diễn tả nổi sự cô đơn, tuyệt vọng của Pi trong nhiều thời điểm, mà không nhờ đến kỹ xảo này: Hình ảnh con thuyền nhỏ bé, đứng yên trên đại dương đen thẫm và gần như chết lặng.
Trong ba đề cử Quả cầu vàng dành cho Cuộc đời của Pi, có đề cử nhạc phim xuất sắc. Nhà soạn nhạc người Canada Mychael Dannas, từng làm nhạc cho rất nhiều phim nổi tiếng, đóng góp những bản nhạc giàu cảm xúc, sâu lắng. Nhưng phần cuối phim đôi chỗ không cần để nhạc nhiều đến vậy.
Cuộc đời của Pi ngân sách 120 triệu USD, từ ngày ra mắt 21-11 thu về 169 triệu USD doanh thu toàn thế giới. Viện phim Mỹ cũng chọn Cuộc đời của Pi trong top 10 phim hay nhất năm 2012. |