Người dân tộc thiểu số kể chuyện bằng ảnh

Người dân tộc thiểu số kể chuyện bằng ảnh
TP - “Văn hóa của mình - đối thoại trong không gian mở” là chủ để cuộc triển lãm đặc biệt trưng bày các bức ảnh do chính người dân tộc thiểu số tự chụp cùng với những câu chuyện tự kể về văn hóa của mình được khai mạc chiều 10-11, tại Công trường Lam Sơn, TP.Hồ Chí Minh.
Đông đảo khách quốc tế tham quan triển lãm. ảnh: Đại Dương
Đông đảo khách quốc tế tham quan triển lãm. ảnh: Đại Dương.

143 bức ảnh trưng bày được chọn lọc từ hơn 70.000 bức ảnh của 64 tác giả là bà con thuộc 9 nhóm dân tộc thiểu số (gồm Mông, Dao, Mường, Thái, Pa Cô, Vân Kiều và Khơ-me) đã chụp trong nửa năm tham gia chương trình PhotoVoice do Viện Nghiên cứu xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) tổ chức.

Ghi lại đời sống của chính mình

Sinh động và giàu cảm xúc là điều mà rất nhiều người xem triển lãm cảm nhận được từ các bức ảnh. Điều cốt lõi và cũng là giá trị đặc biệt của những bức ảnh là được nhìn bằng cái nhìn của chính những người trong cuộc, điều mà các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp khó có được.

Đại sứ Đan Mạch, ông John Nielsen nói: “Đời sống của cộng đồng là nguyên mẫu và được chụp từ cái nhìn bên trong của tác giả trong chính cộng đồng ấy”.

Ông Lê Quang Bình, Viện trưởng iSEE chia sẻ: “Người của mỗi dân tộc thiểu số có cái nhìn và cảm nhận văn hóa của họ rất khác so với người ngoài”- Và, đó cũng là tạo nên sự khác lạ.

“Họ ghi lại đời sống của chính họ với một cái nhìn rất khác biệt”, diễn viên điện ảnh Kim Khánh thốt lên khi xem triển lãm.

 Lúc đầu tui mắc cỡ, vì sợ người ta cười mình lớn tuổi, lại là đàn bà nữa mà ham hố. Nhưng tôi nghĩ vì muốn giới thiệu văn hóa của dân tộc mình nên tui cứ làm. Vì tui phải giữ cháu nên đi đâu chụp hình tui cũng chở cháu đi cùng.

Mỗi bức ảnh đều ẩn chứa thông điệp riêng về cuộc sống cộng đồng dân tộc của chính tác giả. Kèm theo ảnh là những chia sẻ thú vị, đầy tính gợi mở về các thực hành văn hóa, về sinh kế, tín ngưỡng, tâm linh và cả về những biến đổi trong nhiều mặt của đời sống.

“Những bức ảnh cùng nhau nói lên rất nhiều ý nghĩa. Người xem có thể cảm nhận được văn hóa không có cao - thấp, mà đẹp ở sự đa dạng và khác biệt. Người xem cũng thấy văn hóa đang đem lại lợi ích kinh tế cho các cộng đồng. Hơn hết, người xem có thể thấy người dân tộc thiểu số chính là những người đang chủ động khám phá, thể hiện và quyết định văn hóa được bảo tồn và tiếp thu như thế nào”-ông Lê Quang Bình chia sẻ.

Đại đa số bà con đều chưa từng sử dụng máy ảnh trước đó. Chỉ sau khoảng thời gian ngắn, họ đã không chỉ chụp được những bức ảnh độc đáo mà còn biết nhiều hơn về dân tộc mình và biết trân trọng hơn những giá trị văn hóa mình đang nắm giữ.

Chị Lý Thị Hồ Kiều giới thiệu với khách tham quan
Chị Lý Thị Hồ Kiều giới thiệu với khách tham quan.

Chị Lý Thị Hồ Kiều (49 tuổi), người Khơ-me ở ấp Tâm Phước, xã Đại Tâm (Sóc Trăng) cũng chia sẻ: “Có nhiều lễ hội, tập tục của dân tộc mình nhưng chỉ khi tham gia PhotoVoice tôi mới có cơ hội tìm hiểu, khám phá”.

Hồ Thị Bụi, một cô gái trẻ người Pa Cô (Quảng Trị) tâm sự khi tham gia “chụp ảnh: “Em thấy các bà các mẹ đeo khuyên tai nặng, em không hiểu tại sao lại đeo. Em nhìn thấy người dân tộc khác họ đeo vàng bạc, em nghĩ dân tộc mình lạc hậu, em cũng hơi xấu hổ. Bây giờ em biết và thấy tự hào vì các bà còn đeo trang sức truyền thống”.

Người nông dân mê chụp ảnh

Chị Kiều bộc bạch: “Chúng tôi là nông dân không biết chụp hình, nhưng muốn ghi lại những hình ảnh và đem văn hóa của dân tộc mình giới thiệu mới mọi người”. Đó là lý do chị giơ tay xung phong tham gia chương trình PhotoVoice khi có người của iSEE đến đặt vấn đề.

Những người tham gia được cung cấp một số kiến thức căn bản về đa dạng văn hóa, kỹ thuật chụp ảnh và kể chuyện, sau đó được trang bị máy ảnh để miêu tả cuộc sống của cộng đồng mình.

Chị Kiều cũng thú nhận: “Sau một thời gian chụp ảnh, giờ tôi đâm ra mê chụp, máy ảnh không có nhưng thấy ai làm gì hay hay cũng giơ điện thọai lên chụp, nhưng vì ảnh chụp điện thọai ảnh không đẹp nên tôi muốn mua một chiếc máy ảnh cho riêng mình” .

Bị chồng ghen vì chụp ảnh

Chị Kiều còn kể, chị Sơn Thị Vương, 39 tuổi, người cùng tham gia chương trình PhotoVoice bị chồng ghen: “Anh chồng không hiểu vợ làm gì mà cứ thấy vợ mình và mấy người tụ tập rồi đi rủ nhau đi hết chỗ này chỗ nọ. Tưởng vợ lăng nhăng hay có vấn đề gì đó, anh chồng làm ầm lên, còn ra tận nhà văn hóa của ấp chửi búa xua. Nhưng chị vợ giãi bày, rồi mọi người cùng tham gia giải thích, dần dần anh chồng hiểu ra và hứa không ghen nữa. Anh chồng còn cạo đầu để thể hiện cam kết không ghen vợ. Thời gian để anh chồng từ ghen đến không ghen cũng mất cả tháng trời. Trong thời gian đó, chị vợ cũng hết sức khổ sở”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG