Phạm Thái Bình (1978) Cướp vợ đêm trăng, 120 x 46cm, đồng mạ. |
Hình thể mới – cụm từ như một tuyên ngôn của nhóm 9 tác giả trẻ triển lãm lần này (Khổng Đỗ Tuyền, Nguyễn Huy Tính, Nguyễn Ngọc Lâm, Trần Trọng Tri, Phạm Thái Bình, Phạm Bảo Sơn, Hoàng Mai Thiệp, Nguyễn Hữu Thái, Thái Nhật Minh).
Triển lãm điêu khắc “Hình thể mới - New Form” khai mạc 18h thứ Bảy ngày 6-10-2012 đến 21-10-2012; Tọa đàm 15h ngày 13-10-2012; Tại tầng III - Mai Gallery - Art talk café (12 Quán Sứ, Hà Nội). |
Trong những năm gần đây, theo nhà điêu khắc, nhà phê bình mỹ thuật Đào Châu Hải, khi nhiều thể loại nghệ thuật tạo hình đang chững lại, thì điêu khắc, nhất là nghệ thuật của những người trẻ, lại có xu hướng tiến tới tiệm cận với nghệ thuật khu vực và thế giới.
Điều đó không được phản ánh qua thị trường nghệ thuật, một thị trường chưa có những điều kiện chuyên nghiệp ở nước ta, lúc nổi sóng thì nhanh, nhưng èo uột rồi “hạ sàn” cũng nhanh.
Mà phản ánh trong nội tại ngôn ngữ của điêu khắc, trong tâm tư những người làm điêu khắc trẻ, với truyền thống điêu khắc hàng ngàn năm của nước ta, với những vấn đề thẩm mỹ của xã hội hiện đại đòi hỏi sự kiếm tìm và trỗi dậy.
Chín nghệ sĩ tham gia trong triển lãm này, thuộc thế hệ sinh ra từ đầu thập kỷ 70 đến đầu thập kỷ 80 của thế kỷ 20. Họ đã qua cái ngưỡng “tam thập nhi lập” và đều đang ở độ tuổi đời và tuổi nghề sung sức nhất.
Có những người đã có những thành quả nhất định, có những người đang là các giáo sư trẻ của các trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và Đại học Kiến trúc.
Đồng thời họ cũng là những người sáng tác đều đặn và tiên phong trong lứa nghệ sĩ điêu khắc trẻ của khu vực phía Bắc Việt Nam.
Nguyễn Ngọc Lâm (1977) Sự cứng nhắc, 15 x 25 x 25cm, đất nung. |
Lần này, triển lãm trưng bày hơn 30 tác phẩm điêu khắc nhỏ và vừa, đầy sinh khí, có thể bày biện, đặt để thích hợp trong bất cứ không gian kiến trúc dân dụng hay công sở nào.
Theo các nghệ sĩ, đây là một cuộc kiếm tìm và nỗ lực của các nghệ sĩ điêu khắc trẻ nhằm đưa tác phẩm của mình đến với công chúng đông đảo, rộng rãi; đưa nghệ thuật điêu khắc Việt vào không gian ở của người Việt hiện đại.
Thay cho những đồ đạc tiện dụng đắt tiền nhưng phi bản sắc. Thay cho cả việc thiếu năng lượng nghệ thuật trong môi sinh kiến trúc hiện đại, với tâm lý dùng những đồ trang trí mỹ nghệ, phong thủy tốn kém và vô hồn...