Phần đầu chương trình, khán phòng Cung Hữu Nghị không một chỗ trống. Nhiều khán giả chẳng biết bằng cách nào vào được và ngồi bệt khắp những chỗ còn lại trên sàn tầng 2.
Cặp vé giá gốc 5 triệu, phe vé bán được 7 triệu. Vì thế mà đội ngũ phe vé xếp hàng cảm ơn BTC và chúc chương trình thành công- giám đốc Mỹ Thanh- đơn vị tổ chức kể. Đây là số thứ 4 của chuỗi chương trình In the Spotlight (Tâm điểm Âm nhạc).
Giọng hát của Hồng Nhung như dòng suối chảy đều, không có những thác ghềnh. Một bài “hầm hố” như Hương xưa, Hồng Nhung cũng trình bày ở mức điều độ.
Thể hiện những cao trào bùng nổ không phải sở trường của chị. Trong phong cách âm nhạc, chị cũng chỉ mạnh về pop.
Có vẻ như Mỹ Linh đã bù vào chỗ khuyết đó bằng cách chọn 2 bài khác chất Hồng Nhung: Mẹ yêu con mang màu sắc bán cổ điển và Lời mẹ hát- có phần kết cao trào đúng kiểu Anh Quân viết cho Mỹ Linh.
Hết phần của khách mời, Hồng Nhung trở lại với Giọt sương trên mí mắt, Cho em một ngày, Họa mi hót trong mưa, Này em có nhớ… Khán giả cổ vũ nói chung tích cực, nhưng chắc một phần vì bài hát.
Những bài đã qua giọng Mỹ Linh, Thanh Lam, Lê Dung… và khó có thể coi là bài tủ của Hồng Nhung.
Thế nhưng vào lúc mà “dòng suối” cảm xúc có vẻ bắt đầu cạn- tức gần hết chương trình- Hồng Nhung vẫn làm được khán phòng sống dậy bằng bài hát quen thuộc gắn với tên tuổi chị: Lời của gió. Có tới 2 nam khán giả cao to nguyện lên song ca cùng ca sĩ.
Kế đó, Hồng Nhung khoe cả hàng xóm, bạn cùng lớp và thầy giáo cấp 3 cũng đi xem chị.
Nhạc nổi lên bài tiếp, chị ra hiệu ngừng lại. Hồng Nhung kể về những kỷ niệm “đã qua nhưng không bao giờ mất đi” như những lần xin thầy nghỉ tiết học để đi hát.
Thầy giáo cũ tặng chị bó hoa hồng giản dị (đúng phong cách thời bao cấp) rồi khen học trò cũ “học giỏi, tình nghĩa”, “chúc hai cháu của ông hay ăn chóng lớn”.
Học trò cũ chốc chốc lại quay mặt đi, lấy tay chấm chấm đuôi mắt. Nhưng chị vẫn nhớ khoát tay về phía sau cho dàn nhạc chơi. Chị tiếp tục quay ra trả lời thầy, lúc đấy thầy đã ngồi xuống.
Không biết ông nhắc nhở gì mà Hồng Nhung liên tục gật đầu: “Dạ, con nhớ, con nhớ…” Thế rồi chỉ mấy giây sau chị bắt nhạc vào bài Nhớ về Hà Nội. Dòng suối Hồng Nhung vẫn chảy thật trơn tru.
Một số khán giả sống qua thời bao cấp, bị ám ảnh bởi Nhớ về Hà Nội qua giọng Hồng Nhung cho rằng chị nên khép đêm nhạc luôn ở bài đó để đọng lại những cảm xúc đẹp.
Có nhiều bài được hát trong đêm của Hồng Nhung nhất, là Trịnh Công Sơn và Dương Thụ- mỗi ông 4. Tất nhiên không thể thiếu 2 trong bộ 3 sáng tác Trịnh Công Sơn tặng riêng cô Bống.
Và Thuở Bống là người được dùng để kết chương trình. Có vẻ như Hồng Nhung luôn muốn nhấn mạnh quan hệ đặc biệt, không ca sĩ (trong nước) nào có được của chị với họ Trịnh.
Điều hạnh phúc cho Hồng Nhung là đại đa số khán giả vẫn ngồi tại chỗ đòi ca sĩ hát tiếp. Ca sĩ và ê-kip có vẻ ngớ ra vì chắc không ngờ tới. Đây là lần đầu tiên nhân vật của Tâm điểm Âm nhạc được khán giả bắt hát thêm.
Hồng Nhung cười tươi: “Liveshow xong rồi, bây giờ chúng ta sẽ liên hoan với nhau, không bánh kẹo, mà bằng âm nhạc…” Hồng Nhung hát thêm Vẫn hát lời tình yêu và Như một lời chia tay (song ca với Mỹ Linh). Tóm lại, chương trình dứt khoát phải kết bằng nhạc Trịnh.
Suốt chương trình, Hồng Nhung có vẻ tự tin không nhìn màn hình nhắc vở- được “ngụy trang” như loa kiểm tra sát bục đứng của ca sĩ. Chị cũng chỉ hát sai lời Hương xưa.
Chị chữa thẹn: “Ngày trước Hồng Nhung hay được nghe bố và các bạn của bố đàn hát bài này. Họ hát có đôi chỗ không được chuẩn như bản nhạc nhưng chính những chỗ đó lại làm Hồng Nhung bị ấn tượng nhất”.
Với Có phải em mùa thu Hà Nội, Hồng Nhung cho hay, chỉ muốn mang lại một hình ảnh gần nhất với những gì mà người hâm mộ hình dung về chị. Vì thế mà chương trình mang tính chất tổng hợp chủ yếu gồm những bài hát đã cũ.
Một đêm duy nhất sau 13 năm không làm chương trình riêng ở Hà Nội, chưa kể khán giả đang tò mò muốn xem diva sau sinh nở, nên chương trình thành công về mặt khán giả cũng là điều dễ hiểu. Đây có thể xem là đêm nhạc củng cố địa vị của diva hơn là mở ra một hướng phát triển mới.