> GS Vũ Khiêu kể chuyện Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Tôi, 5.000 người bạn trải dài đất nước
“Hôm nay, bè bạn tôi ngồi chật hội trường đại diện cho 5.000 người bạn của tôi ở khắp đất nước Việt Nam”, GS Vũ Khiêu mở đầu lời tâm sự trong buổi lễ mừng ông bước sang tuổi 98 tại hội trường Bộ VHTT&DL sáng 19-9.
Ông kể: “Trước đây khi tôi còn ở căn nhà tập thể chật hẹp phố Vạn Bảo, GS Đào Nguyên Cát cán bộ cao cấp của Đảng và Ban Tuyên giáo T.Ư, có đến đề nghị cấp cho tôi một ngôi nhà rộng rãi hơn. Tôi từ chối. Anh Cát trách: Ngôi nhà trị giá 5.000 cây vàng đấy. Tôi trả lời anh: 5.000 cây vàng đâu có quý bằng 5.000 người bạn mà tôi có trong đời”.
Kế hoạch 5 năm cho năm 103 tuổi
Cuốn sách mới nhất của ông là Hồ Chí Minh - Ngôi sao sáng mãi trên bầu trời Việt Nam” ra mắt đúng vào tháng 9 nhân dịp mừng thọ. Sách cỡ lớn, dày hơn 400 trang.
Và tác giả của nó thì vẫn năng động, không có cái vẻ lụ khụ của người già. Ông có 6 thư ký, không lúc nào nhàn nhã, ngơi nghỉ.
Suốt buổi lễ, GS Vũ Khiêu đứng lên ngồi xuống liên tục vì mười mấy người bạn, con, cháu lần lượt phát biểu, mỗi lần phát biểu là một lần tặng hoa. Đến cuối chương trình, được “phân công” phát biểu, ông nói to, rõ ràng.
Ông bảo: “Trước mặt mọi người, tôi tự hứa sẽ thực hiện tiếp một kế hoạch 5 năm nữa, hoàn thành năm tôi 103 tuổi. Đó là mong ước của tôi, còn sống chết là việc của trời”.
Lời “anh thư” tặng “anh hùng”
“Anh thư” - chỉ người nữ tài giỏi - là từ GS Vũ Khiêu gọi nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, người bạn thân thiết kém ông mười mấy tuổi.
Trong buổi mừng thọ, bà Bình chúc: “98 tuổi mà đồng chí (ông Khiêu) vẫn rất minh mẫn sáng suốt, tôi nghĩ đồng chí có thể vượt qua mức 100. Ít nhất đồng chí phải phấn đấu vượt mức đó”.
“Tôi nghĩ đất nước ta cần nhiều nhân tài về kinh tế chính trị quốc phòng, nhưng tôi cho rằng nhân tài về văn hóa quan trọng hơn tất cả. Tôi mong đồng chí Vũ Khiêu tiếp tục đóng góp cho văn hóa, hơn thế, dìu dắt cho những nhân tài về văn hóa”.
Trong lời tâm sự cuối chương trình, GS Vũ Khiêu có một câu như thể lời đáp lại những kỳ vọng.
Ông khiêm tốn: “Cao Bá Quát ngày xưa có câu: Thái bình vô nhất lược/ Lộc lộc sĩ vi nho, nghĩa là: Muốn đem lại thái bình cho đất nước mà không đóng góp được ý kiến gì, thật hổ thẹn cho nhà nho.
Nay tôi cũng mang cái thẹn của Cao Bá Quát- mang danh trí thức mà chẳng có đóng góp nào trước những khó khăn đặt ra cho dân tộc và nhân loại”.