'Gã nông dân' trồng kỳ hoa dị thảo

'Gã nông dân' trồng kỳ hoa dị thảo
TP - Nguyễn Trọng Văn luôn làm người ta bất ngờ bởi anh giống một “gã nông dân” cần cù không bao giờ ngưng “cày cuốc”, nhưng lại toàn gieo trồng những thứ kỳ hoa dị thảo.

> Đưa cổng làng ra phố

Vừa gặp, Nguyễn Trọng Văn đã khoe: “Tôi như đang vào vụ”. Loanh quanh chuyện trò, anh lại hào hứng kể về truyện ngắn kinh dị pha mùi triết lý đang thai nghén và “bật mí” thêm, đang in một cuốn tiểu thuyết có cái tên sặc mùi thơ - "Áo sương".

Sau nhiều năm tích lũy, vốn liếng của “gã nông dân” này cũng khiến nhiều người trong nghề phải nể, đã xuất bản 7 tập thơ, 1 trường ca, 2 tập truyện ngắn và một cuốn tiểu thuyết. “Gã” vẫn đang cần mẫn sáng tác chẳng vì ham danh mà vì nhu cầu tự nhiên thôi thúc. Được cái, Nguyễn Trọng Văn “sinh nở” cũng dễ dàng.

Anh tiết lộ hành trình sáng tác làm người khác nổi cơn ghen: Trường ca Tổ Quốc- Đường chân trời chỉ viết trong nửa tháng. Còn Linh ứng xôn xao văn đàn vì cái sự lạ lẫm của tiểu thuyết ngụ ngôn anh cũng chỉ tập trung trong vòng ba tháng là xong.

Nghe câu chuyện về Margaret Mitchell đầu bù tóc rối, mắt thâm quầng vì mất ngủ để làm nên Cuốn theo chiều gió hấp dẫn thì nhiều người cũng ngại trở thành nhà văn (dẫu có thèm danh tiếng). Nhưng viết văn, làm thơ như Nguyễn Trọng Văn có vẻ nhẹ như không.

Anh kể về thói quen làm việc của mình: “Tôi hay viết vào buổi chiều, tầm 4 giờ chiều, khi công việc cơ quan giảm bớt, cũng có lúc viết từ sáng. Khi đã xác định viết thì tôi không bao giờ thức khuya hay dậy sớm. Như hồi viết trường ca cũng thế, cứ 11 giờ đêm là đóng máy, nghỉ. Lúc sáng tác khá tập trung nên khi tạm nghỉ thường mệt vậy là ngủ ngon”.

Nhưng nhọc nhằn của người “cày” trên cánh đồng câu chữ thường không lộ ra ngoài mà lại lặn vào trong.

Ba năm cho một Trường Sa

 Tôi cũng thấy mình hơi lạ, như người ta, phải u mê và mệt mỏi, hoảng loạn cùng nhân vật, lẩn thẩn với câu thơ, đằng này càng sáng tác lại tỉnh ra và thấy khỏe 

Nhà thơ Nguyễn Trọng Văn

“Trường ca viết trong 15 buổi tối, cứ cơm nước xong tôi ngồi vào máy tính, ngồi chừng một tiếng, hai tiếng. Nhưng để viết được trường ca tôi phải mất ba năm suy ngẫm. Tháng 4 năm 2007 tôi đi Trường Sa. Khi trở về, tôi chỉ viết mấy bài báo, mặc dù đã nung nấu viết một trường ca. Song suốt ba năm không viết được gì. Đề tài về Trường Sa không mới nhưng khó. Ca ngợi một chiều hoặc động viên suông thì không để lại dư vị. Tôi muốn viết một cái gì đó mới, khác đi và rộng dài hơn, từ cảm hứng Trường Sa mở ra cảm hứng về đất nước”, Nguyễn Trọng Văn tâm sự.

Viết trường ca đã là một tham vọng đầy thách thức với người sáng tác. Hơn nữa đi vào “nguồn mạch” đất nước đã quá nhiều người khơi, không phải chuyện dễ dàng. Có người đã vấp ngã, tài năng và tinh tế cỡ Xuân Diệu còn mắc lỗi khi ví von “Dáng em Nam mềm mại chiếc chân giò”.

Nhưng cũng lại có nhiều người viết thành công đã dựng nên những “ngọn núi” sừng sững. Nguyễn Khoa Điềm với “Tóc mẹ thì bới sau đầu - Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn” dễ thuộc, dễ nhớ, dễ chạm vào lòng số đông. Lại thêm một “Sáng mát trong như sáng năm xưa...” của Nguyễn Đình Thi, rồi trường ca Biển của Hữu Thỉnh…

Sau bao trăn trở, tìm tòi trường ca Tổ Quốc - Đường chân trời cũng ra đời, ở đó có chuyện đi mở nước, có tích 50 người con theo cha xuống biển… nhưng tạo nên bản sắc lại nhờ Trường Sa với nhiều câu thơ đẹp: “Biển Trường Sa có một loài chim - Sống trên sóng tối nương nhờ trên sóng- Chim không muốn sống cuộc đời phẳng lặng - Chim tìm về với biển sinh sôi”.

Hỏi: “So với những bài ca về đất nước của những người đi trước, anh có thẹn không?”. Anh đáp: “Nói nghiêm túc là viết xong, được in, tôi đã đọc lại, cho đến bây giờ thì tôi hài lòng và yên tâm.

Bởi nó không có sự vấp vào chân người khác và độ dày dặn của nó cũng được. Hồi đầu năm, trong Liên hoan thơ quốc tế tổ chức ở Hạ Long, ngồi với anh Bằng Việt, Chủ tịch hội đồng thơ của Hội nhà văn Việt Nam, anh nói với tôi: Tiếc cái trường ca của cậu quá. Thiếu một phiếu đâm ra "trượt" giải thưởng. Nhưng tác phẩm này tính cho đến thời điểm hiện nay chưa có tác phẩm nào viết về biển đảo vượt qua được nó”.

Sự đánh giá của tác giả Bếp lửa âu cũng phần nào an ủi sự kém may mắn của Nguyễn Trọng Văn. Anh cho biết, không quan tâm tới chuyện “bỏ phiếu” nhưng vẫn quan tâm tới giải thưởng: “Giải thưởng rất có ý nghĩa. Bất cứ ai cũng khao khát có giải thưởng, bởi thực ra giải thưởng là sự ghi nhận được cụ thể hóa. Tác phẩm ra đời không có tiếng eo xèo cũng đã là một sự ghi nhận. Nhưng đúng là giải thưởng trong quan niệm của ta vẫn giống như chứng chỉ. Chẳng thế mà người ta phải cố gắng đi thi hết các cuộc hát này đến các cuộc hát khác, từ Vietnam Idol, Sao Mai điểm hẹn, Tiếng hát truyền hình, Tiếng hát trên sóng phát thanh…”.

Cũng mong Nguyễn Trọng Văn mau được cấp “chứng chỉ”, dù gì anh cũng đã bước vào cái tuổi hợp với viết tiểu thuyết hơn là làm thơ, viết truyện ngắn.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Văn
Nhà thơ Nguyễn Trọng Văn.

Mất gì mà không thật?

Nhiều người bảo Nguyễn Trọng Văn dại. Ai đời lại sinh ra lắm bút danh: Đoàn Thiện Vi, Từ Đỗ, Tư Hoàng, Đức Cường, Miên Đông… mà chẳng cái bút danh nào ấn tượng kiểu như Lê Thị Liên Hoan để thiên hạ dễ nhớ, thà rằng cứ tập trung vào cái tên cha sinh mẹ đẻ của mình, có phải có tốt hơn không? Nhưng cứ như cái tính ham triết lý của anh, từ cái nọ lại suy cái kia, thì dại với khôn mong manh như sợi chỉ.

Thế nên chẳng tội gì mà không thật thà. Xưa nay, thấy hiếm nhà văn, nhà thơ nào nhận mình chịu ảnh hưởng của người khác (nếu có công nhận thì cũng phải vớt vát: tiếp thu sáng tạo).

Còn Nguyễn Trọng Văn thì khác. Bảo đọc vần thơ này của anh: “Người chết thì chết rồi-Dĩ nhiên như thế-Những người sống đến bên-Và nói những câu văn vẻ- Còn tệ hơn lời nói sau lưng…” tự dưng tôi nhớ đến truyện ngắn Người đã khuất của Guy de Maupassant?

Chẳng cần suy nghĩ, người giàu bút danh đã bảo: “Cũng có thể có ảnh hưởng chứ, vì ngay từ khi học lớp hai, tôi đã xem Guy de Maupassant”. Ngay cả cái tên của tiểu thuyết ngụ ngôn đình đám cũng được anh khai thật: Mới đầu tôi đặt là Một, Hai, Ba nhưng đến phút cuối đã đổi.

Tôi và cô biên tập viên nhà xuất bản thống nhất chọn câu nói trong tác phẩm để làm tên: Sự linh ứng của thiên nhiên. Nhưng khi bàn luận qua điện thoại thì bố cô ấy, vốn là nhà thơ, biên tập viên nhà xuất bản đã nghỉ hưu bảo, sao không lấy tên Linh ứng đi, tên để dài thế, nghe cứ như một công trình khoa học”.

Giữa lúc Linh ứng được tung hô (thậm chí hơi quá khi có người liên tưởng đến mĩ từ “kiệt tác độc đáo”) thì “cha đẻ” của nó lại có phần tiếc: “Để là tiểu thuyết ngụ ngôn cũng là sai lầm của tôi, bỏ đi hai chữ “ngụ ngôn” có khi sách đã bán được. Tôi đã đến vài hiệu sách, liếc chữ tiểu thuyết ngụ ngôn là người ta đã không muốn nhận bán”.

Hỏi về quan niệm sáng tác, anh cũng không cố tỏ ra là nhà văn lớn: “Tôi không đề ra quan niệm sáng tác nhưng sở trường, “gu” của tôi là thiên về triết lí, kiểu gì cũng lôi về đấy, ngay cả trường ca cũng thế, vòng vo rồi lại quay về triết lý”.

Nhưng anh cũng mở ngoặc, đừng tưởng triết lý trong văn chương là khắc nghiệt trong cuộc sống “ngoài đời tôi không chững chạc đâu, thậm chí người ta còn bảo trông ông này còn hơi vớ vẩn”.

Có khi vì “vớ vẩn” mà vợ anh lại được nhờ. Nguyễn Trọng Văn là người cực kỳ chu đáo với gia đình và có khả năng bếp núc. Vợ vắng nhà hàng tháng, cuộc sống bố con vẫn ổn thỏa với “cơm lành canh ngọt”.

Anh cười: “Nhờ 17 năm mặc áo lính nên cái gì tôi cũng làm được, ngay cả chuyện nấu nướng”. Cũng nhờ những năm tháng đẹp đẽ ấy mà Nguyễn Trọng Văn mới viết được câu thơ về Tổ Quốc giản dị đến sững người: “Chúng tôi yêu Tổ quốc này- Bởi Tổ quốc có chúng tôi”.

Phấn đấu thành thi sĩ cho… sang

'Gã nông dân' trồng kỳ hoa dị thảo ảnh 2

Đầu tiên Nguyễn Trọng Văn thử sức ở văn xuôi. Năm 1985, từ biên giới phía Bắc anh chuyển về ổn định cuộc sống ở Hà Nội. Một số bạn bè văn chương khích: Phải phấn đấu thành thi sĩ mới oai. Thế là anh xoay sang làm thơ, phấn đấu làm thi sĩ cho… sang như cách nói của mấy anh bạn.

Giờ ở tuổi ngũ tuần, anh lại dồn tâm cho văn xuôi, bởi tự thấy độ tuổi này đã có độ đằm về trải nghiệm, kinh nghiệm, tích lũy kiến thức... Anh trở về văn xuôi để lý giải cuộc sống.

Dung lượng một cuốn tiểu thuyết theo quan điểm của anh “cứ tầm 300 trang là vừa. Dù rằng, viết dày dặn kể cũng sướng, cũng oai. Nhưng dài quá, độc giả ngại và mình cũng ngại”.

Thỉnh thoảng anh cũng vẫn làm thơ nhưng anh lại đả phá việc làm thơ bằng kỷ niệm: “khai thác kỷ niệm chẳng mấy chốc sẽ cạn”. Ngay từ tập thơ “chào hàng” anh đã quyết không “dựa hơi” kỷ niệm.

Là một nhà báo, một đạo diễn (hiện anh là Trưởng ban văn nghệ của Đài PT - TH Hà Nội) nên diện quan tâm của anh khá rộng. Nguyễn Trọng Văn từng gây chú ý với đề án “Bức tường danh nhân” nhằm ghi danh những nhân tài kiệt xuất từng làm nên lịch sử, rồi ý tưởng xây dựng "Cổng làng ở Thủ đô", tạo ra điểm nhìn tĩnh, gợi nhớ làng quê trong không gian đô thị ồn ào.

Nhìn vào thái độ lao động của anh có người bạn đã đùa: "Trông bác chả giống văn nhân một tí nào. Cứ như bác thợ nề kham khó ấy". Còn tôi, tôi lại thấy anh giống một người thợ cày hơn. Ông thợ cày này đang cày những đường cày cần mẫn trên cánh đồng văn chương đang vào vụ.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG