> Hoàng Ngọc Hiến Tầm nhìn văn hóa rộng lớn
Hoàng Ngọc Hiến (ảnh) có học vị Phó tiến sĩ (bảo vệ tại Liên Xô), nhưng từ lâu, vừa do nhầm lẫn vừa do trân trọng, người ta quen gọi ông là “giáo sư”. Nói đến ông, nên nhắc lại nhận định của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cách đây nhiều năm: “Những người ở đẳng cấp elite (ưu tú) như ông, ở ta không có nhiều, trong 80 triệu dân có chừng 30 người”.
Lương thiện - phẩm chất…ít ai có?
Cái tên hội thảo Hoàng Ngọc Hiến - bậc trí giả lương thiện để lại cho người tham dự những suy tưởng thú vị. Một khán giả tự nhận “vô danh” nói: “Nếu lấy mấy chữ trí giả lương thiện gắn cho Hoàng Ngọc Hiến, có nghĩa đó là một nét độc đáo, chưa kể có khi ông là duy nhất, nghĩa là trí giả ở ta ngoài Hoàng Ngọc Hiến ra thì…
Theo tôi, nên thêm hai chữ vào thì sẽ còn chính xác hơn, đó là Hoàng Ngọc Hiến - bậc trí giả lương thiện cuối cùng”. Phát biểu này đáng suy ngẫm, nhưng cũng hơi… bi quan cho nền học thuật nước nhà.
Bởi Hoàng Ngọc Hiến qua lời kể của bạn bè, là một người lạc quan. Sự lương thiện, theo ông, không hề hiếm hoi đến thế. Trao đổi sau hội thảo, một khán giả khác chia sẻ, ông chưa đồng ý với hai chữ “lương thiện”, không phải vì ông Hiến không… lương thiện.
Lý do là trong cuốn Luận cương đạo đức học (tài liệu lưu hành nội bộ của trường Nghiệp vụ và lý luận từ năm 1976), Hoàng Ngọc Hiến từng trích dẫn lời nhà thơ- nhà soạn kịch Bertolt Brecht (Đức): “Chỉ tốt không thôi chưa đủ. Phải sáng tạo hoàn cảnh trong đó lòng tốt trở nên thừa”.
Qua đó, Hoàng Ngọc Hiến chỉ ra rằng, “lương thiện” là một thứ bắt- buộc-phải- có của con người trong xã hội. Điều ông hướng đến là một xã hội trong đó tử tế là một lẽ đương nhiên, không cần bàn đến, cũng không cần phải kêu gọi. Lúc đó luật pháp sẽ là cơ sở để con người sống với nhau.
Ý tưởng vừa vĩ đại vừa có phần không tưởng đó, Brecht đã nghĩ đến từ đầu thế kỷ 20.
Sang đến thế kỷ 21 rồi, chúng ta vẫn còn luẩn quẩn kêu gọi lòng tốt ở nhau, chứ chưa ý thức được rằng, kêu gọi không thôi chưa đủ, chúng ta phải loại bỏ những thứ sinh ra cái xấu, chỉ khi đó lòng tốt mới trở nên thừa, không ai là không có. Nếu thế, ở Việt Nam, chắc cũng không chỉ mình Hoàng Ngọc Hiến được tôn vinh là “bậc trí giả lương thiện” nữa?
“Cái nước mình nó thế” - bó tay hay là không?
“Cái nước mình nó thế” là câu cửa miệng của không ít người Việt nhưng trong giới học thuật thì được gắn với tên Hoàng Ngọc Hiến. Tại hội thảo, nhà phê bình Đỗ Lai Thúy nêu ra một nghịch lý: đây là câu nói đầy minh triết, nhưng vấn đề nằm ở cách người ta vận dụng câu nói này vào đời sống. Giữa đường gặp chuyện bất bình, tặc lưỡi: Cái nước mình nó thế. Đứng trước một chuyện phi lý, thay vì tìm cách lý giải và thay đổi, lại chép miệng: Cái nước mình nó thế va… buông xuôi. Lương tâm lại ngủ yên. Những cái đó rất tai hại. Tâm thức dân gian, cái gì cũng trở thành huyền thoại, giai thoại, không có tính khoa học”.
Có lẽ lại phải trích Nguyễn Huy Thiệp để thanh minh cho Hoàng Ngọc Hiến một chút- trong bài phú nhớ tiếc Hoàng Ngọc Hiến mà ông đọc trong hội thảo: “ Cái nước mình nó thế!/ Phảng phất nụ cười xòa…/ Cười xong thì rơi lệ /Lòng người đau xót xa!”.
Ông “hiện thực phải đạo” và điều đáng tiếc
Bà Tố Nga, vợ nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến cùng nhà thơ Hữu Thỉnh tại hội thảo. Ảnh: Mi Ly. |
Tên Hoàng Ngọc Hiến gắn liền với bốn chữ “hiện thực phải đạo”, vừa làm nên tên tuổi ông, vừa khiến cuộc đời ông lao đao. Đó là bốn chữ được ông gọi thẳng ra trong bài viết Về một đặc điểm của văn học và nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua, thường được giới văn nghệ gọi tắt là bài “văn học phải đạo”, in trên báo Văn nghệ ra ngày 9-6-1979.
(Tiếc một điều, không rõ lý do gì, bài viết giá trị này lại không được đưa vào cuốn Hoàng Ngọc Hiến… Viết ra mắt cùng lúc với hội thảo về ông tối 4-7 tại Hà Nội).
Trong bài này, ông viết: “Nhìn chung, trong sáng tác hiện nay, sự miêu tả cái phải tồn tại lấn át sự miêu tả cái đang tồn tại… Tác giả dường như quan tâm đến sự phải đạo nhiều hơn tính chân thật.
Có thể gọi loại tác phẩm này là “chủ nghĩa hiện thực phải đạo”. Bài viết đã khiến Hoàng Ngọc Hiến mất vị trí hiệu trưởng Trường Viết văn Nguyễn Du, lận đận gần 10 năm trời.
Nhắc đến điều này trong hội thảo, PGS Phạm Vĩnh Cư tiếc nuối: “Nếu anh Hiến không viết cái bài đó mà cứ lẳng lặng làm công việc được giao ở Trường Nguyễn Du, thì đường công danh của anh suôn sẻ hơn nhiều. Anh sẽ làm được nhiều việc lớn hơn, xứng đáng với tầm cỡ của anh hơn. Bởi anh Hiến là người biết tập hợp xung quanh mình những trí thức lớn trong văn học nghệ thuật, khoa học xã hội và nhân văn”.
Bài viết bị công kích tơi bời, theo PGS Phạm Vĩnh Cư. Ông kể: “Anh Hiến biết sẽ không có báo nào đăng bài phản bác của anh, nhưng với mỗi bài phê phán mình, anh cặm cụi viết bài trả lời gửi riêng cho người đó. Tôi cảm phục và rất thương anh vì điều đó”.
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo lại cho rằng “hiện thực phải đạo” không hẳn khiến con đường công danh của ông Hiến đi xuống. Theo nhà thơ, đây là đóng góp quan trọng của người thầy Hoàng Ngọc Hiến, thay đổi tư duy sáng tác của giới văn nghệ thời đó, nhờ đó mà có những Tản mạn thời tôi sống, Tướng về hưu, Bước qua lời nguyền, rồi Nỗi buồn chiến tranh… trung thực hơn với cuộc đời.
Hoàng Ngọc Hiến (1930 - 2011) là một bậc trí giả quan trọng. Nói như nhà văn Văn Chinh: “Là thầy của nhiều nhà văn nhà thơ lớn, ông Hiến cũng là một học trò chuyên nghiệp, học suốt 80 năm không nghỉ”. Lý luận phê bình văn học là lĩnh vực khiến Hoàng Ngọc Hiến được biết đến, ông có công dìu dắt và giới thiệu Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Tạ Duy Anh, Nguyễn Trọng Tạo… Ngoài ra, ông còn là nghiên cứu triết học, minh triết, dịch thuật… Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy gọi ông là “nhà bách khoa”. |