Hoàng Ngọc Hiến Tầm nhìn văn hóa rộng lớn

Hoàng Ngọc Hiến Tầm nhìn văn hóa rộng lớn
TP - “Hoàng Ngọc Hiến - bậc trí giả lương thiện” là tên của hội thảo lớn do Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội tổ chức vào ngày 4 - 7 tới đây.

> Bảo Ninh: Thời tiết của ký ức

Cuộc hội thảo nhận được sự quan tâm rộng rãi của giới trí thức - không chỉ trong nước. Từ Paris về dự hội thảo lần này, có TS Trần Thu Dung. Bà gửi riêng cho Tiền Phong bài viết tỏ lòng tri ân của mình với cố GS Hoàng Ngọc Hiến.

GS Hoàng Ngọc Hiến
GS Hoàng Ngọc Hiến.

Hoàng Ngọc Hiến (HNH) không phải là thầy của tôi. Nhưng tôi luôn coi anh như một người thầy, người anh đáng kính.

HNH một con người đàng hoàng, luôn tôn trọng mọi người. Sự tôn trọng người khác dù ít tuổi là một nhân cách đáng kính và ít có ở người Việt. Anh rất tôn trọng mọi người, dù trẻ hơn anh nhiều tuổi. Anh bao giờ cũng đến rất đúng giờ, nếu đến muộn anh đều nhắn tin lại.

Năm 2010 tôi về Hà Nội, giữa nóng gắt gay, ai cũng sợ ra đường. Lần đó cũng tình cờ là dịp kỷ niệm anh HNH tròn 80 tuổi do trường ĐH Văn hóa tổ chức. Sau buổi lễ anh gọi điện hẹn gặp nhau ở quán cà phê 12 Lý Quốc Sư để bàn một dự án nghiên cứu chung.

“Trong dịp này, NXB Lao động giới thiệu cuốn sách “Hoàng Ngọc Hiến... viết” sách do Đa Huyên (Nhà văn Nguyễn Đức Hùng) biên soạn, GS-TS Phạm Vĩnh Cư viết lời giới thiệu.
“Trong dịp này, NXB Lao động giới thiệu cuốn sách “Hoàng Ngọc Hiến... viết” sách do Đa Huyên (Nhà văn Nguyễn Đức Hùng) biên soạn, GS-TS Phạm Vĩnh Cư viết lời giới thiệu..

Thông thường người trẻ phải tìm đến những người nổi tiếng như anh, phải đến chỗ anh vì anh nhiều tuổi, nhưng anh là một con người bình dị và biết thông cảm, và biết tôn trọng dù người chỉ đáng đàn em, con cháu.

Tôi từng lớn lên ở HN, nhưng sống xa lâu HN, anh biết tôi không thạo phố xá HN thời đổi mới, anh đã đi xe ôm đến rất đúng giờ ngay nơi tôi đang ở tạm.

HNH được nhiều người biết đến, nhưng anh là một con người giản dị, khiêm tốn. Đúng 6h chiều anh đến, tôi ngồi quán cà phê, thấy anh đi xe ôm đến, giản dị và nhanh nhẹn ở tuổi 80.

Anh giản dị từ cách ăn mặc. Dường như ăn mặc chỉ là phương tiện để tồn tại, anh ít quan tâm. Đối với anh “mặc áo thầy tu chưa chắc phải thầy tu”. Anh sống rất giản dị, ăn uống đơn giản không cầu kỳ.

Thấy anh đi xe ôm đến, tôi hỏi anh sao anh không như thiên hạ đi taxi, VN bây giờ thiên hạ có tiền chút toàn đi taxi để chứng minh đẳng cấp và đỡ nguy hiểm, có điều hòa nhiệt độ… Nghe tôi nói anh bảo “thứ nhất là vấn đề kinh tế, thứ hai đi xe ôm không bị tắc đường, dễ chủ đông thời gian hơn đi taxi”.

Hóa ra giáo sư nghiên cứu văn chương, văn hóa đầu óc cũng trở lại thực tiễn với cuộc sống hàng ngày, kinh tế là then chốt để giải thích mọi vấn đề.

Lần qua Pháp cuối cùng, anh đến thăm tôi. Biết anh tuổi cao, tôi nói để “em đi ô tô đến đón anh nhé”, anh nói “nhà em rất gần nhà anh, để anh lấy metro đi bộ tập thể dục luôn”.

Anh khác hẳn với nhiều giáo sư qua Pháp còn trẻ hơn anh đến chục tuổi, nhưng đi đâu cũng chỉ quen có người mang xe đến rước đón, nếu không từ chối không đến vì ngại đi bộ hoặc đòi hỏi.

Anh Hoàng Ngọc Hiến giản dị, và dung dị đến mức bất ngờ, anh tự đi từ nhà anh ở tạm bằng tàu điện ngầm, và đến được nhà tôi. Tôi rất phục.

Anh từng học ở Nga, từng đi nhiều nước, nhưng chẳng bao giờ thấy anh khoe tôi đã từng đi nước này nước khác. Chỉ khi nói chuyện tình cờ có liên quan đến nước nào, anh mới cho một vài nhận xét nơi anh đến, lúc đó mới hay anh từng đến đó.

Anh ít cười, thường trầm lắng nghe thiên hạ “nổ”, anh chỉ gật đầu tán thưởng những ý đúng, hoặc thỉnh thoảng đưa ra vài câu nhận định theo quan điểm riêng của anh.

Tôi chợt nhớ tôi gặp anh lần đầu ở buồng nhỏ trên phố Triệu Việt Vương, khi tôi được mời dạy ở trường viết văn Nguyễn Du lúc đó anh đang làm hiệu trưởng, gọi là buồng cho oai, chứ thực chất là chỗ để kê cái giường ngủ thì đúng, nhưng thời buổi đó có cái chỗ bé tí riêng để làm việc là một ước mơ xa xỉ.

Công việc nghiên cứu cần có không gian riêng. Một hiệu trưởng một trường danh tiếng, anh sở hữu cái buồng nhỏ xíu chừng 6- 7 m², chỉ có cái giường đơn nhỏ xung quanh chất đầy sách, trong buồng chẳng có gì ngoài sách chất lên tận tường.

Dường như sách đang lấn chiếm không gian và có xu hướng tràn cả vào giường đơn. Buồng của HNH là vậy, tôi có cảm giác sách đang đẩy anh ra khỏi vũ trụ của chính anh đã một phần tạo dựng cho thế giới của nó. Anh yêu sách, ôm sách, sách vây quanh anh, rồi chính nó đẩy anh ra, sách hút anh, đẩy anh, rồi lại hút anh… Sách đã nâng anh lên cao, hay anh nâng sách lên cao một tầm.

Sự tương tác giữa sách và HNH đã tạo ra một HNH, một nhà nghiên cứu ở tầm cao. Nhưng đôi khi tôi bỗng lo ngại đống sách kia, chỉ cần thêm một dòng chữ có khi cũng đủ nặng quá làm tụt xuống bất ngờ, đè vào thân hình gày nhỏ của anh, có thể làm anh bị tổn thương, hình như anh có một lần bị một vài lần tưởng như bị sách đè xuống, nhưng anh dường như tin ở khả năng của mình, tin vào sự chân thật trung thành của sách, và sách sụp xuống, anh lại cố gắng gượng dậy xếp lại…

Sách lại nâng anh lên, mỗi một cuốn sách anh đọc và anh cho ra đời như hòn đá chắc chắn đã đưa anh lên cao mãi mãi ở tầm cao mà không mấy người Việt Nam vươn tới được.

Bẵng đi gần 25 năm, anh qua Pháp, tôi mới tình cờ gặp lại anh. Anh qua Pháp không phải để du ngoạn mà anh tiếp tục làm việc, để nghe, để nhìn, để thu thập thông tin tài liệu hiếm mà ở Việt Nam còn thiếu.

Tuổi như anh người ta hay lấy cớ ra nước ngoài để chơi, lợi dụng những chuyến đi để đưa gia đình đi chơi, anh đi ra nước ngoài vẫn là người công việc, chẳng bao giờ anh mang gia đình đi theo, vẫn loay hoay với tài liệu và nghiên cứu.

Anh chịu khó tiếp cận, cập nhật những kỹ thuật hiện đại để sử dụng vào công việc. Ở tuổi anh mấy ai dùng được vi tính, kết mạng, vậy mà anh đã nắm được ngay công nghệ hiện đại để liên lạc và làm việc. Tôi rất bất ngờ chát được với anh. Anh dường như không có thời gian, chát với anh chỉ để bàn về công việc.

Tôi nhớ một lần anh than với tôi rằng đối chiếu văn bản khó, vì anh không thạo vi tính. Tôi liền bày cho anh cách đưa hai hoặc ba văn bản cùng lúc trên màn hình, cách sử dụng máy tính sao cho nhanh khi đối chiếu văn bản, tôi bày cho anh qua mạng chat, vậy mà anh hỏi đi hỏi lại vài lần rồi cũng làm được ngay.

…Qua Pháp anh đến cùng nhà văn Đà Linh chơi ăn cơm, qua vài câu chuyện anh đã xin phép mượn máy tính để liên lạc và làm việc… Lúc chỉ có hai anh em tầng trên, anh hỏi thăm công việc nghiên cứu của tôi.

Tôi cảm giác anh như một người anh, tôi thú thật tôi bận con, nên gác lại chút, nhưng tôi vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, có hai tập bản thảo sắp hoàn tất, trong đó một về thư mục sách văn học Pháp nói về Đông Dương, về tôn giáo.

Anh khuyến khích ngay và nhận định đó là những đề tài có ích cho giới nghiên cứu ở Việt Nam, và anh đã tìm cách giúp tôi để cho ra đời cuốn thư mục.

HNH là nhà nghiên cứu rất nhân cách, đàng hoàng, một đức tính hiếm người nào có được, anh bảo “Xã hội Việt Nam họ vẫn cần thương hiệu, anh chỉ giúp em dán thương hiệu lần đầu sau đó em tự làm… Biết tôi chưa có kinh nghiệm, anh giúp tôi cách viết đề cương xin xuất bản, và anh nhận tham gia hiệu đính bản thảo.

Anh cũng chân tình nói với tôi, anh biết em thừa sức độc lập để tiếp tục làm đề tài rộng này, vậy em cố gắng làm. Sự động viên khuyến khích của anh là động lực giúp tôi tiếp tục con đường nghiên cứu sau thời gian ngừng vì lo đời sống.

Trong khi tôi biết nhiều giáo sư toàn lợi dụng công trình của sinh viên để xào thành đề tài riêng của mình thì HNH một giáo sư có nhân cách, luôn chân tình giúp đỡ lớp trẻ hơn mình.

Anh nói với tôi: Em cũng nên đề rõ đó là công trình của em, anh tham gia hiệu đính và bày cho em lần đầu thôi. Lần sau em biết cách rồi, em tự làm.

Say mê khám phá tò mò là đức tính cần có của người nghiên cứu. HNH lúc nào cũng chỉ bàn về công việc. Anh bảo “đề tài của em rộng, tha hồ đất bơi, để anh dàn xếp anh em mình cùng qua Mỹ một chuyến” - nghiên cứu cái mảng nhỏ liên quan đến đề tài chung mà tôi và anh đang bàn nhau làm nhưng anh dặn tôi hết sức kín, vì một số lý do riêng.

Anh bảo qua Mỹ, anh và em mình chỉ cố qua châu Mỹ La tinh như Mexique, Colombie, Peru xem văn hóa Aztec, Inca vì tôi có kiến thức văn học cổ Hy Lạp, và ham thích phần này, qua đó mình sẽ làm nghiên cứu so sánh, với cái văn hóa Chàm của VN mình.

Chúng tôi đã chuẩn bị hẹn nhau tháng 8, hoặc tháng 9 qua Mỹ rồi cùng nhau đi, nhưng chưa kịp làm thủ tục, giấy mời bên Mỹ anh gửi cho tôi điền vào, mới gửi đi, anh nói “anh rất bận và anh đi cùng 2 tuần thôi, em làm là chính, nhưng để anh đứng đơn đăng ký dự án nghiên cứu… em soạn thảo đi… Tôi bảo anh, anh cần visa, chứ em không cần, anh cứ xin đi, em bay qua lúc nào cũng được.

Nhưng anh bảo: anh biết em không cần visa, nhưng phải đăng ký, em phải có tên cùng dự án này với anh, vì em là chính, anh cũng chỉ là thương hiệu để giúp em thực hiện nốt được phần đang nghiên cứu, và khi em qua em sẽ được phép vào thư viện bên đó tìm tài liệu. Vậy mà sau đó vài tuần, anh vào bệnh viện rồi ra đi vĩnh viễn.

Tôi ở xa không đến tiễn anh đến nơi an nghỉ được, nhưng những kỷ niệm với anh và sự chân tình ân cần, giản dị, sự quan tâm của anh đối với tôi mãi mãi tôi không quên và là bài học giúp cho tôi hiểu thêm về con người và cuộc sống…

Tính khách quan chân thật cùng tác phong chăm chỉ, chính xác của người làm nghiên cứu, những đức tính cần có của nhà nghiên cứu của anh - giờ đây tôi thấy đang mất dần ở Việt Nam là tấm gương mà tôi mãi mãi học. HNH - một nhà nghiên cứu có nhân cách mà tôi mãi luôn luôn kính trọng.

 TS Trần Thu Dung
Paris, Pháp

Gs Hoàng Ngọc Hiến (21/7/1930- 24/1/2011) là một trí thức lớn của Việt Nam đương đại, khi qua đời, ông để lại khoảng 30 tác phẩm, công trình, khá tập trung trên 3 lĩnh vực: Lý luận phê bình, Nghiên cứu Văn hóa, Dịch thuật. Trên lĩnh vực nào, ông cũng để lại những dấu ấn sâu đậm với kiến thức quảng bác của mình. Những năm tháng cuối đời, ông là Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Minh Triết Việt.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.