'Hai phía chân trời': Phim Việt, quay ở châu Âu

Lê Vũ Long trong Hai phía chân trời Ảnh: VFC
Lê Vũ Long trong Hai phía chân trời Ảnh: VFC
TP - Chuyển thể từ tiểu thuyết Máu của tuyết, phim Hai phía chân trời là dự án phim truyền hình đầu tiên có bối cảnh chính ở Đông Âu và có nhiều diễn viên nước ngoài.

“Chúng tôi nhìn đây là dự án phim có nhiều cảm xúc, đề tài đau đáu về cuộc sống của những người Việt xa quê hương- nhưng phải chờ hội đủ điều kiện mới dám thực hiện”, đạo diễn NSƯT Đỗ Thanh Hải, giám đốc VFC chia sẻ tại lễ công bố dự án phim Hai phía chân trời.

Khởi động với nhiều chuyến khảo sát 4 năm trước, đến tháng 4 năm ngoái biên kịch-tác giả tiểu thuyết chuyển thể Trần Hoài Văn và nhà văn Phạm Ngọc Tiến mới đến Czech trải nghiệm thêm khi thai nghén kịch bản.

Tác giả kịch bản Trần Hoài Văn 18 năm gắn bó với cộng đồng viễn xứ. Tháng 2 vừa rồi, các nhà làm phim chọn được một số bối cảnh chính như rừng, tuyết và khu chợ người Việt lớn ở Prague, gần gũi với không gian sống của người Việt ở nước ngoài.

Tất nhiên phim cũng có một phần nhỏ bối cảnh Việt Nam, về số phận những gia đình có người thân tha hương.

Quay phim ở nước ngoài nên kinh phí “đội” đáng kể. VTV nay bỏ hình thức khoán trắng cho mỗi tập phim, mà chịu đầu tư hơn cho những kịch bản chất lượng.

Đoàn phim được bù chi phí vé máy bay, lưu trú nước ngoài, rơi vào khoảng hơn 300 triệu/tập.

Khối lượng công việc đúng ra phải quay ít nhất 4 tháng, cuối cùng rút được một nửa nhờ chia thành hai ê kíp do hai đạo diễn Trần Quốc Trọng và Vũ Trường Khoa chia nhau sang Đức và Czech thực hiện.

Dàn diễn viên khá chọn: NSƯT Mạnh Cường, NSƯT Lê Vi, Xuân Bắc, Lê Vũ Long, Kiều Thanh, Kiều Anh. Diễn viên Việt kiều Đức Lâm Vissay từng đóng khá nhiều phim điện ảnh, truyền hình Đức. Đoàn làm phim phải casting cả diễn viên đến từ Mỹ, Đức, Nga, Czech. Diễn viên Czech không nói tiếng Anh, mọi trao đổi đều qua phiên dịch.

Lâm Vissay chia sẻ: “Lần đầu làm với đoàn làm phim Việt rất vui, và đáng nhớ là quay từ 6h tới 22h không nghỉ. Ở Đức không có chuyện như thế”.

Đạo diễn Quốc Trọng kể, có hôm đoàn đầm mình trong cái lạnh -250C, tuyết trắng cả ngày trời. Lần quay trở lại phim truyền hình sau thời gian dài, Xuân Bắc vứt bỏ mác hài để vào vai nghiêm chỉnh-luật sư Minh bên cạnh cô vợ do Vi Cầm thủ diễn.

Xuân Bắc nhận lời tham gia một phần vì anh có hai người thân là Việt kiều, từng trải qua quãng đời cơ hàn, chật vật.

Hai phía chân trời hội khá nhiều số phận, doanh nhân, trí thức, người lao động, rồi từ các tổ chức, hội đồng hương cho đến băng nhóm xã hội đen tạo thành bức tranh thu nhỏ của người Việt xa quê: Tình (Lê Vi) tuột tay để con rơi trên dòng sông khi vượt biên, không dám quay về và phải sống trong day dứt.

Vinh (Lê Vũ Long) tham gia đưa người vượt biên. Lê (Mạnh Cường) chủ chợ người Việt ở Prague vừa đáng trân trọng, nhưng cũng đầy toan tính và chấp nhận đổ máu để kiếm tiền, cuối đời mong mỏi hồi hương sống nốt quãng đời còn lại.

Hai phía chân trời, dài 33 tập, trực tiếp và lần đầu tiên xoáy sâu cuộc sống của người Việt ở nước ngoài, cũng đầy sóng gió khi bươn bả kiếm sống ở xứ người. Phim tiếp tục quay một số bối cảnh còn lại ở Việt Nam, chờ phát tháng 11 tới.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.