Lê Hùng về hưu, rồi sao nữa?

Lê Hùng về hưu, rồi sao nữa?
TP - Câu chuyện nhân sự ở Nhà hát Kịch VN tạm sáng tỏ qua cuộc làm việc kéo dài 3 tiếng với Bộ chủ quản. Nhiều vấn đề khác cũng được đề cập trong buổi sáng 4-6 nhằm tháo gỡ khỏi tình trạng “giãy giụa, sống thực vật” như chính người trong cuộc nhận định.

> Bộ thu hồi quyết định sáp nhập hai nhà hát

Sau vụ vừa khai sinh đã khai tử “Nhà hát Kịch quốc gia”, thu hồi quyết định sáp nhập hai nhà hát vừa qua, tình hình Nhà hát Kịch (NHK) VN vẫn phức tạp. Từ những băn khoăn lo lắng của các nghệ sĩ về nhiều vấn đề nhất là nhân sự, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn tiếp tục chủ trì cuộc gặp mặt quan trọng này.

“Tôi sẽ về hưu, mọi người yên tâm”

Vừa vào họp, Giám đốc NSND Lê Hùng thông báo: “Tuần trước tôi đã lên Bộ làm việc. Tôi sẽ về hưu, mọi người yên tâm”.

Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ Bộ VHTTDL- ông Nguyễn Phúc Thảnh xác nhận: “Ban cán sự Đảng đã đồng ý để anh Hùng nghỉ hưu từ 1-10. Anh sẽ vẫn điều hành công việc đến hết tháng 9. Nhưng còn quá sớm để kiện toàn ban giám đốc mới, phải đợi tháng 8 tới. Anh Hùng đã thôi làm giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ nên với Tuổi trẻ chúng tôi sẽ bổ nhiệm giám đốc trong thời gian sớm nhất”.

Trước đó gần nửa tháng tại Bộ Văn hóa, Lê Hùng tuyên bố buông Nhà hát Tuổi trẻ để toàn tâm nâng cấp Nhà hát Kịch (NHK). Nay phó giám đốc Tố Trinh cho biết thậm chí Lê Hùng không còn hứng thú với Hội diễn sân khấu kịch toàn quốc đã cận kề.

Vào tháng 4-2012, trả lời báo chí, anh tỏ ra hy vọng: “Cuối năm 2012, tôi tròn 60 tuổi, đến tuổi về hưu. Nhưng theo quy định tuổi nghỉ hưu đối với những người có hàm vị giáo sư, tiến sĩ, NSND, tôi có thể tiếp tục giữ cương vị này vài năm nữa.

Điếu thuốc trên tay, ngồi bàn chủ tọa cùng đại diện Cục NTBD và lãnh đạo Bộ, Lê Hùng phát biểu: “Anh lo bao việc nhưng có phải cái gì cũng kể ra đâu. Anh cũng đã chạy được giấy phép xây nhà hát 400m2 chỉ chờ có tiền là xây. Tình hình hiện nay tất cả là do không có nhà hát. Không có nhà hát riêng thì không làm được gì. Anh hứa với các em…”.

Về chuyện xây cất trên diện tích của nhà hát ở số 1 Tràng Tiền, ông Nguyễn Phúc Thảnh bác bỏ: “Nhà hát Lớn nay đã là di sản quốc gia, thuộc vùng bảo vệ 2 nên không có chuyện được phép xây dựng xung quanh”.

Cơ sự đến nông nỗi này “chỉ vì không có nhà hát riêng” (hình như không chỉ quan niệm của riêng Lê Hùng), liệu có “múa vụng chê đất lệch”?

“Chất lượng nghệ thuật- sự sống còn của nhà hát”

Đang chết, sống thực vật, giãy giụa là những từ mà các nghệ sĩ dùng nói về nhà hát của mình.

“Bệnh viện Bạch Mai có phòng cấp cứu A9, ai đã vào đến đấy nghĩa là bước một chân vào nhà xác. Nhà hát Kịch đang ở A9”- nghệ sĩ Minh Hiếu nói.

Ngày càng nghiệp dư đi, diễn viên ít học hỏi (NSND Lan Hương); với cung cách luyện tập như bây giờ và chất lượng diễn viên như bây giờ kể cả tôi, chúng ta góp phần làm cho nhà hát ngày càng đi xuống (Vĩnh Xương); cán bộ thiếu và yếu (Việt Thắng); đi diễn nói tên Nhà hát Kịch không ai biết (Quế Hằng); rồi mất đoàn kết, đố kỵ..v..v.

NSƯT Trung Anh sáng 4-6 có phần phát biểu có thể nói đáng chú ý nhất. Anh đề cập vấn đề sống còn của nhà hát hiện nay- không phải cơ sở vật chất, không phải nhân sự lãnh đạo dù rõ ràng đây là vấn đề nổi cộm lâu nay của NHK.

Trung Anh nói: “Nghệ thuật của NHK là nghệ thuật hàn lâm. Chính kịch cũng có thể là hài kịch được, như Bệnh sỹ của Lưu Quang Vũ, náo kịch Đêm giông tố của nước ngoài mà đạo diễn Đình Quang đã dàn dựng, hoặc Ả cave ở nhà hàng Macxim.

Một nhà hát muốn tồn tại trước tiên phải có tiết mục tốt. Mấy năm gần đây bên cạnh những vở tương đối tốt, chúng ta có những vở không tốt một tí nào.

Vừa rồi duyệt hai vở, đến Tình quê 3 tôi thật sự giật mình. Sê-ri mới, thương hiệu của nhà hát đây sao? Nhiều cô chú về hưu nhắn nhủ với tôi rằng còn dựng những vở như vậy thì nên giải tán NHK.

Nhà hát của chúng ta tuy không còn là anh cả đỏ nhưng luôn phải tâm niệm xây dựng lại nó. Không được làm nghệ thuật kiểu như thế, khủng khiếp như Tình quê 3.

Anh Lê Hùng từng là thần tượng của tôi (cùng với chú Đoàn Dũng, Trọng Khôi). Ngoài những vở tương đối tốt, anh có chủ trương phải đi bằng hai chân, một chân làm thương hiệu và một lo đời sống.

Làm lãnh đạo phải nghĩ đến đời sống của anh em nhưng chân trái ấy nếu có đi cũng vừa phải thôi, nếu không đáp ứng hoàn toàn tiêu chí nghệ thuật thì cũng phải đáp ứng một phần.

Còn nếu các bạn diễn viên muốn làm nghề theo hướng đó, các bạn xin sang đoàn khác. Tôi không phản đối phong cách của bất cứ nhà hát nào nhưng mỗi đoàn có phong cách khác nhau”.

Báo hiếu tức Tình quê 3- vở mới nhất của Nhà hát Kịch VN, đạo diễn Lê Hùng- mới đây được báo Sài Gòn tiếp thị đề cập trong bài “Khi nghệ thuật thỏa hiệp với sự dễ dãi”: “Suốt hai tiếng đồng hồ, người xem ngộp thở trong một bản hoà âm hỗn loạn, đinh tai nhức óc. Nhằm khắc hoạ tâm lý của những đứa con tham tiền, họ không làm gì khác ngoài gằn giọng, gào thét, đá bàn đập ghế...”.

Mỹ nhân và anh hùng (kịch bản Chu Thơm, đạo diễn Lê Hùng) được Lê Hùng nhắc đến trong buổi sáng 4-6 như niềm tự hào- “lừng lẫy khắp trong Nam ngoài Bắc” nhưng ai đã xem sẽ thấy nghệ thuật đến đâu.

Nếu ở Hội diễn sân khấu chèo toàn quốc đề tài hiện đại từng có người chất vấn giám khảo về một vở chèo đoạt giải “Phân tích cho tôi cái huy chương vàng ấy nó chèo ở chỗ nào” thì có thể đặt câu hỏi “nó vàng ở chỗ nào” với huy chương vàng cho Mỹ nhân và anh hùng.

NSƯT Thu Hà đồng ý kiến với Trung Anh, cho rằng chất lượng nghệ thuật là vấn đề nặng nhất của NHK: “Nếu cứ diễn những vở như Tình quê , Tình quê 2, Tình quê 3 thì sáp nhập là đúng, thậm chí còn phải giải tán Nhà hát Kịch”.

Chị Hà kể: “Năm ngoái phó giám đốc Tố Trinh dẫn một đoàn nhân danh nghệ sĩ Nhà hát Kịch đi giao lưu ở Pháp. Đến sân bay phía mời hỏi nghệ sĩ của các bạn đâu, không ai trả lời được bởi thành phần của đoàn chỉ gồm nhân viên phòng tài vụ, nhân viên phòng hành chính, phòng nghệ thuật, phòng kỹ mỹ thuật (thợ mộc). Quan niệm về nghệ thuật đơn giản như thế, đối xử với nghệ sĩ thiếu tôn trọng như thế”.

Ai lãnh đạo Nhà hát Kịch VN?

Tháng 9,10 tới Giám đốc Lê Hùng và Phó giám đốc duy nhất Tố Trinh cùng nghỉ hưu. Nhà hát Kịch VN hiện thiếu từ trưởng phòng thiếu đi, toàn phó phòng.

Thu Hà từng nói, lỗi của NHK không phải ở tuổi già mà là ở chỗ khác, ví dụ không có đội ngũ cán bộ kế cận được đào tạo bài bản. Toàn nghệ sĩ làm lãnh đạo một cách hồn nhiên, thành ra cứ đời giám đốc sau lại kém đời trước dù họ đều là những đại danh làng sân khấu.

Nay Thu Hà tiến cử Trung Anh làm phó giám đốc. Cách đây 1 năm với bản tính thẳng thắn chị Hà đã lên Bộ Văn hóa gặp người có chức trách để ngăn cản việc sáp nhập hai nhà hát.

Trong phần kết luận, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn cho biết: Ban cán sự của Bộ đã đồng ý tiến hành bầu bổ sung một phó giám đốc, Trung Anh là một ứng viên. Việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được tiến hành đúng qui trình, lấy ý kiến đông đảo nghệ sĩ.

Ông Tuấn cũng tuyên bố giao Cục NTBD (mà đại diện là ông Cục trưởng ngồi dự họp) từ nay đến 31-7-2012 phải hoàn thành đề án trong đó có đủ lộ trình, kế hoạch, mục tiêu phát triển nhà hát từng năm một- trình Bộ xem xét, phê duyệt.

Nhân sự đã có đường hướng, những lời hứa hẹn cải thiện lương bổng cũng được người có trách nhiệm đưa ra. Vấn đề còn lại, đúng, là sẽ thế nào?

Nghệ thuật của NHK sẽ phát triển theo hướng nào, với tinh thần đoàn kết hay năm bè bảy mối? “Như ngày xưa thì không bao giờ được nữa rồi”, có người nói, nghe có vẻ bi quan?

Ai đối được lập ngôn của NSND Dương Ngọc Đức

Số là ngày xưa, thỉnh thoảng Nhà hát Kịch vẫn mượn được tầng hầm hoặc phòng gương của Nhà hát Lớn để tập. Nghệ sĩ Việt Thắng nhớ lại: “Tuy nhiên cứ đến 10 giờ đêm thì họ lại bắt chúng tôi tắt đèn, nghỉ tập. Giám đốc Dương Ngọc Đức trách móc Tại sao nhà hát lại đuổi nhà hát vì nhà hát không có nhà hát. Quả là một “vế đối” tình cờ, thú vị về nỗi khổ “không có nhà hát riêng” của anh cả đỏ.

Một trong những chi tiết nghe cám cảnh qua lời kể NSƯT Quế Hằng: “Cả đời chúng tôi ngồi xe ca (đi diễn), muốn chiếc ghế có thể ngả lưng đỡ mệt nhưng suốt bao năm, xin bao lần cũng không được, cứ phải ngồi mãi cái ghế cứng đơ. Mà có khó khăn nhiều nhặn gì, chục triệu chứ mấy mà chị Trinh không quyết”.

Trong phần phát biểu của ông Hồ Anh Tuấn có một ý đại loại “nghệ sĩ phải sống sung sướng sang trọng thì nghệ thuật mới hay được. Còn phải lê lết kiếm sống thì khó lắm”.

“Anh Hùng mà về là bọn em chết”

Trước tin Lê Hùng sẽ nghỉ hưu đúng hạn không có sự ưu tiên nào, Xuân Nam một nghệ sĩ trẻ lên diễn đàn thống thiết: “Từ ngày về Nhà hát, anh Hùng làm được bao việc, anh mời được cả nhà sử học Dương Trung Quốc đến nói chuyện. Tôi đã ở Nhà hát 16 năm nhưng chưa bao giờ được nghe một nhà sử học đến nói chuyện.

Lứa chúng em mới là trụ cột của Nhà hát, mà anh Hùng là người thầy của chúng em. Anh Hùng mà về là bọn em chết, bọn em không biết bấu víu vào đâu. Anh hãy ở lại với chúng em, dìu dắt chúng em, đừng bỏ chúng em” (cử tọa cười ồ).

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.