> Đưa hậu phương tới Trường Sa
Với Lệ Hằng, được trở về, được đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho đất nước là hạnh phúc, chị không ngại những lời nhục mạ hay sự tẩy chay của một số người trong cộng đồng người Việt tại hải ngoại.
Vương vấn Trường Sa
Tranh của Nguyễn Xuân Hoàng. |
Nhắc đến chuyến đi thăm quần đảo Trường Sa cùng đoàn kiều bào diễn ra tháng 4 vừa qua, do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức, Lệ Hằng vẫn còn bồi hồi.
Cho đến giờ, chị vẫn còn luyến tiếc những ngày được sống trên đảo, được đem lời ca tiếng hát của mình đến với anh em chiến sỹ. Chị nói: "Bây giờ tôi luôn sống trong kỷ niệm về đảo, chắc chắn về Mỹ sẽ vẫn như người mất hồn mất một thời gian".
Ngày đầu tiên, tàu đến đảo Song Tử Tây, mọi người ăn tối xong là kéo nhau lên boong tàu chơi và trong chốc lát nơi đây trở thành đêm giao lưu văn nghệ. Chỉ với cây keyboard đệm nhạc, Lệ Hằng và các ca sỹ của đoàn văn công đã tạo không khí sôi động.
Chị bất ngờ khi được đề nghị: “Về đây nghe em đi Lệ Hằng ơi". Người nghệ sỹ trong trang phục thường ngày đã hát ngay không chút ngại ngần và được tán thưởng nồng nhiệt. Có người còn khen, Lệ Hằng hát chay hay hơn khi có nhạc đệm.
Bài hát này, Lệ Hằng đã từng hát nhiều ở hải ngoại, nhưng khi trở về, nó mang một ý nghĩa đặc biệt, rất đúng với tâm trạng của người xa xứ 32 năm như chị. Chị hát với xúc cảm trào dâng. Về đây nghe em, về đây nghe em /Về đây mặc áo the, đi guốc mộc /Kể chuyện tình bằng lời ca dao /Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai /Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới /Và về đây nghe lại tiếng nói thơ ấu khúc hát ban đầu... Và xúc động hơn nữa khi đến đảo nào chị cũng được các chiến sỹ yêu cầu hát Về đây nghe em.
Suốt 10 ngày trên tàu và trên đảo, đi đến đâu chị cũng được các chiến sỹ ưu ái và mời hát. Ngay cả khi chị đi xuống nhà bếp, các anh chiến sỹ bảo thích một bài hát nào đó, thế là chị hát luôn tặng các anh. Có những hôm giao lưu, chị hát ba bài liền, các anh vẫn còn yêu cầu hát tiếp. Chiến sỹ hải quân rất thích đến phòng của Lệ Hằng nghe hát. Chính vì thế, phòng của chị trên tàu luôn ngập tràn tiếng hát và những tiếng cười. Chị thật thà thú nhận: "Chuyến đi này rất đặc biệt với đầy ắp kỷ niệm. Thời gian trên tàu, tôi dường như quên hết con cháu ở nhà vì vui quá".
Người nghệ sỹ truân chuyên
Ca sĩ Lệ Hằng và chồng, nhà báo Nguyễn Phương Hùng. Ảnh: Lan Anh. |
Ca sỹ Lệ Hằng, sinh năm 1952, tại Thái Bình. Lệ Hằng may mắn khi mới xuất hiện đã được ủng hộ nhiệt tình, chị đã từng tham gia các sân khấu đại nhạc hội lớn với sức chứa 30.000 người. Những bài "tủ" của Lệ Hằng là các bài hát trữ tình, các bài hát về lính. Tới đảo Song Tử Tây, Lệ Hằng hát bài Một cõi đi về và Mưa hồng được các chiến sỹ hoan nghênh nhất. |
Cho đến giờ, Lệ Hằng vẫn nhớ như in ngày chị lên một chiếc ghe giữa chợ Long Xuyên để đi vượt biên cùng cậu con trai mới hơn 3 tuổi. Đó là năm 1980. Chị là người con cuối cùng sang Mỹ đoàn tụ với gia đình. Trước đó, hai người anh chị lớn đã định cư ở Mỹ.
Hôn nhân của Lệ Hằng với người chồng đầu quá ngắn ngủi. Thời gian kết hôn dài, nhưng thực tế thời gian sống với nhau rất ngắn. Chị lập gia đình năm 1974 thì tới năm 1975, khi đất nước thống nhất, chồng chị đi tập trung cải tạo.
Khi anh đi, đứa con đầu mới được ba tháng tuổi. Chị đã vượt hàng ngàn km ra Hà Nội, rồi lên Vĩnh Phú thăm nom chồng. Họ cũng chỉ gặp nhau được vài tiếng đồng hồ rồi chia ly...
Khi chị sang Mỹ được 5 năm cũng là thời gian chồng chị được trở về. Gia đình đoàn tụ ở Mỹ được vài năm thì chồng chị được phát hiện mắc ung thư phổi giai đoạn cuối.
Mặc dù trước đó anh hoàn toàn khỏe mạnh và vẫn đi làm bình thường. Bác sỹ trả về và cho biết anh chỉ sống được 6 tháng nữa. Ngay lúc bắt đầu nghe hung tin đó, chị bị mất tinh thần hoàn toàn, không làm gì được và đã xin nghỉ không lương ở nhà chăm chồng dù biết rằng xin nghỉ như vậy sẽ mất hết mọi quyền lợi.
Đúng 6 tháng sau phẫu thuật, anh qua đời, lúc đó con út của anh chị mới được 1 tháng tuổi, đứa thứ hai cũng mới ba tuổi.
Chồng chết, ba mẹ con chị bơ vơ. Chị về nhà người chị gái sống nhờ cho khuây khỏa. Đúng lúc đó, chị gặp anh Nguyễn Phương Hùng, bạn thân của người chị gái hay qua nhà chị chơi vì anh Hùng lúc đó cũng cô đơn, mới ly dị vợ.
Anh Hùng lúc đó đang sinh hoạt tích cực trong cộng đồng người Việt ở Mỹ, thấy chị có giọng hát tốt, anh đã giới thiệu chị tham gia các buổi văn nghệ từ thiện.
Kể từ đó, tiếng hát của chị đã được chắp đôi cánh để bước vào con đường ca hát chuyên nghiệp tại Mỹ.
Chị bảo gọi là chuyên nghiệp cho nó sang chứ thực sự đa phần các ca sỹ ở hải ngoại, kể cả những người nổi tiếng cũng đều phải làm thêm để nuôi gia đình. Từ khi mới sang Mỹ, Lệ Hằng đã học thêm nghề kế toán và sống bằng nghề đó từ bấy đến giờ.
Vốn đam mê ca hát từ nhỏ, khi còn ở Việt Nam, Lệ Hằng thường hay tham gia ca hát cho ca đoàn ở nhà thờ. Lớn lên, được theo bố sang làm việc tại tòa đại sứ ở Lào và Thái Lan, chị cũng thường xuyên góp tiếng hát trong các hoạt động lễ tân hay các dịp lễ tết.
Kể từ khi gặp anh Hùng, Lệ Hằng chính thức bước lên sân khấu chuyên nghiệp và hai người sau này trở thành vợ chồng.
Tính đến nay, Lệ Hằng cho biết, chị đã đi hát ở hầu hết các tiểu bang ở miền đông nước Mỹ, còn ở các tiểu bang ở nam Cali nơi chị ở thì tên tuổi chị rất nổi. Xa nhất là bốn tiểu bang ở Canada, chị cũng đã được mời sang hát. Tết là dịp chị đi diễn nhiều nhất.
Về với quê hương làm sao có tội!
Hơn nửa năm qua, tiếng hát của Lệ Hằng bị "tẩy chay" bởi chuyến trở về Việt Nam lần đầu tiên của chồng chị, nhà báo Nguyễn Phương Hùng, chủ trang web kbchn.com, người được mời về tham dự hội thảo "Bảo tồn bản sắc văn hóa, giữ gìn tiếng Việt" do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức. Sau khi lăng mạ, vu khống nhà báo Nguyễn Phương Hùng không thành, họ lại chuyển hướng sang "đánh" Lệ Hằng, khủng bố tinh thần chị. Mỗi ngày, chị nhận được hàng trăm email lăng mạ, vu khống khiến chị bị tổn thương. Nhưng trước sự vững vàng của người chồng, chị đã vững tin vào những công việc mình đang làm. Với chị, về với quê hương cội nguồn chẳng có tội gì hết. Sau chuyến đi, ca sĩ Lệ Hằng bồi hồi: "Các kiều bào trên tàu đều đánh giá chuyến đi thăm quân và dân ở đảo Trường Sa là chuyến đi lịch sử. Đi đến nơi và tận mắt chứng kiến các chiến sỹ hải quân quyết tâm bảo vệ biển đảo, Lệ Hằng rất kính phục các anh. Sự tiếp đón của các anh trên tàu và trên đảo rất chu đáo. Cảm tình các anh dành cho kiều bào rất đặc biệt. Cầu xin cho các anh có sức khỏe để bảo vệ từng tấc đất ở Trường Sa. Được trở về quê hương, lại được hát cho các chiến sỹ ở Trường Sa, đối với người nghệ sỹ như Lệ Hằng, đó là cơ hội quí giá, mấy ai được vinh dự như thế. Tâm nguyện của Lệ Hằng và anh Phương Hùng là mình làm được gì cho quê hương đất nước thì mình làm” . |