Tô Nhuận Vỹ viết gì trong 'Vùng sâu'?

Trao giải thưởng Phùng Quán tại mộ nhà văn. Từ trái qua: Nhà văn Nguyễn Quang Hà, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, họa sĩ Đặng Mậu Tựu, nhà thơ Ngô Minh, Tô Nhuận Vỹ, Nhất Lâm, Nguyễn Khắc Phê
Trao giải thưởng Phùng Quán tại mộ nhà văn. Từ trái qua: Nhà văn Nguyễn Quang Hà, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, họa sĩ Đặng Mậu Tựu, nhà thơ Ngô Minh, Tô Nhuận Vỹ, Nhất Lâm, Nguyễn Khắc Phê
TP - Tô Nhuận Vỹ vừa được tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT cho bộ tiểu thuyết Dòng sông phẳng lặng và Ngoại ô.

> “Việt Nam, nơi hành hương của các nhà văn Mỹ”

Ông nói ông cực kỳ hạnh phúc với giải thưởng của Quỹ Phùng Quán trao cho cuốn Vùng sâu mới nhất của mình với ghi nhận “Hấp dẫn và sâu sắc, phản ánh trung thực nỗi đau nhân tâm thời hậu chiến ở Huế”.

Trao giải thưởng Phùng Quán tại mộ nhà văn. Từ trái qua: Nhà văn Nguyễn Quang Hà, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, họa sĩ Đặng Mậu Tựu, nhà thơ Ngô Minh, Tô Nhuận Vỹ, Nhất Lâm, Nguyễn Khắc Phê
Trao giải thưởng Phùng Quán tại mộ nhà văn. Từ trái qua: Nhà văn Nguyễn Quang Hà, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, họa sĩ Đặng Mậu Tựu, nhà thơ Ngô Minh, Tô Nhuận Vỹ, Nhất Lâm, Nguyễn Khắc Phê.

Cuốn sách có chủ đề, luận đề rất quan trọng, trong đó đề cập sự vô ơn đối với những người có công? Dù chiến tranh đã lùi gần 40 năm nhưng đây vẫn là câu chuyện nhức nhối với ông?

Không hẳn. Có kẻ vô ơn thì nhiều người vẫn nhớ ơn. Phong trào Đền ơn đáp nghĩa là một trong những hoạt động rộng và mạnh mẽ nhiều năm qua, đạt hiệu quả đáng ghi nhận.

Vấn đề của Vùng sâu nặng hơn thế: Âm mưu của Mỹ bôi nhọ chiến sĩ cách mạng, phá nát nội bộ cách mạng hồi chiến tranh là có thực, nhưng “cái gì” trong Đảng, “chất gì” trong đầu óc của một số cán bộ quan trọng của cách mạng đã như sự tiếp tay cho âm mưu thâm độc của kẻ thù thành công trong không ít trường hợp? Và nhân cách người chiến sĩ một khi bị chính tổ chức cách mạng làm tổn thương?

Nghe nói nhiều nhân vật trong sách là những nguyên mẫu chức sắc ngoài đời, hiện đều còn sống ở Huế?

Không có một nguyên mẫu nào cho tôi xây dựng bốn nhân vật người Việt và một nhân vật người Mỹ cả. Nhưng khi cuốn sách ra đời thì không ít người khẳng định nhân vật chính- Phước là ai, nhân vật hắn là ai…Thậm chí họ cãi cả với tôi là anh viết về người ấy, thằng ấy.

Tôi không viết về ai cả nhưng hình dáng đã có, thậm chí đang có, ở quanh ta. Gần ba mươi năm trời tôi cùng sống, cùng chia sẻ, cùng ngẫm nghĩ với không ít người từng là anh hùng trong đấu tranh đô thị nhưng ngay sau giải phóng đã âm thầm chịu đựng, đau đớn chịu đựng những oan ức do địch, do ta gây ra. Họ luôn sống có danh dự, có tư cách của một người dân Huế, của một chiến sĩ cách mạng kiêu hãnh của Huế.

Có một ông già đã khóc, viết cho tôi bức thư cảm ơn, rằng trên đời vẫn có nhà văn thông cảm cho những thân phận như ông. Ông đã tròn trăm tuổi, nhờ con gái chở lên nhà tôi nói những lời tâm huyết. Ông bị tù 7 năm, và đã được xóa án, bây giờ vẫn cần mẫn dạy Anh văn cho con nít trong phường, không một lời oán thán cách mạng. Tôi chảy nước mắt nhìn ông, thấy đời nhà văn của mình có những giây phút có ích, ít ra là ngọn gió thoảng mát lòng một con người thế kỷ.

Một nhóm trí thức Huế bạn bè tôi, bất ngờ tổ chức một cuộc cụng ly rất cảm động khi được tin Quỹ Phùng Quán tặng thưởng cho Vùng sâu cũng với nỗi lòng như thế.

Vừa rồi đi Huế nhân Festival, tôi gặp một số nhân sĩ trí thức Huế có công trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam. Họ nói tuy bị đối xử bất công, bị quên lãng nhưng không hề oán thán ai. Các nhân vật trong Vùng sâu cũng vậy. Có nhà văn viết rằng Tô Nhuận Vỹ xây dựng những nhân vật quá hoàn hảo và đó là điều không có thật?

Câu hỏi của chị đã có phần trả lời rồi đấy. Một số người tuy bị đối xử bất công, bị quên lãng nhưng không hề oán thán ai. Họ “hoàn hảo” đấy chứ? Ở Huế rất nhiều những người như thế.

Tôi tự hào là người em, người con, người bạn của những con người đó. Tôi nghĩ, đây cũng là phẩm chất đặc biệt của những chiến sĩ cách mạng ở Huế chăng.

Bởi tôi và những người bạn đó có một quan niệm sống đừng bao giờ lấy sai lầm của kẻ khác, thậm chí của cả tổ chức cách mạng, làm nguyên nhân cho sai lầm mới của mình (lời Phước nói với đồng đội).

Nói về tính cách Huế thâm trầm, có một người Huế đã dẫn chứng cho tôi rằng: Ngay cả làm thơ trách Mỹ mắng Mỹ ném bom Hà Nội hồi 1972, thì giọng điệu của họ cũng rất nhẹ nhàng, “sâu lắng lạ”: “Mỗi trái bom rụng sầu hoa ớt mọi/Ném chi nhiều cho dân tộc tôi cay”. (Ớt mọi: một loại ớt nhỏ rất cay, phổ biến ở miền Trung- DPV). Ông có thể nói thêm về tính cách này?

Chị dùng chữ “thâm trầm”, đó là một trong những phẩm chất người ta hay nhắc khi nói về người Huế. Tôi nghĩ, chữ này nghĩa rộng lắm, nó rộng… ngoài cả chữ đó nữa.

Là sự thủy chung của nhiều người phụ nữ Huế khi chồng hoặc người yêu đi tập kết nói chỉ 2 năm mà thành hơn 20 năm- tôi đã viết trong Dòng sông phẳng lặng. Là sự thủy chung với Tổ quốc của bao anh chị em phong trào đô thị Huế cho dù bị oan trái đau đớn.

Hàng loạt đảng viên trong số họ bị xóa Đảng tịch sau năm 1975, nhưng họ còn Tổ quốc thiêng liêng. Tình yêu Tổ quốc thì không thể bôi nhọ. Và sự thủy chung với Tổ quốc là sức mạnh âm thầm nhưng mãnh liệt giúp họ có thêm nghị lực chịu đựng, kiêu hãnh sống có ích. Những con người chân chính còn khắp nơi chị à, có điều họ âm thầm, ít khi “ra mặt tiền”. Tôi vững tin là những người như Phước đông đảo hơn những kẻ như hắn.

Tuy nhiên, người Huế không phải lúc nào cũng âm thầm đâu. Khi miền Bắc bị lũ lụt đầu những năm 70, anh em phong trào ở đây đi quyên góp khắp thành phố hết sức sôi động dù không biết quyên góp rồi làm sao gửi ra Hà Nội! Hoặc khi B52 rải bom Hà Nội thì Huế dậy lên cả đợt sóng phản đối, những đêm không ngủ hướng về Hà Nội thân yêu, tự vệ hoạt động trả thù cho Hà Nội…

Trong Vùng sâu ông cũng nói đến tình cảm nồng hậu này. Dòng sông phẳng lặng ngày xưa cũng có nhân vật rất đẹp người Hà Nội. Đó là sự minh họa bài ca kết nghĩa Huế - Sài Gòn - Hà Nội hay vì ông từng có thời gian dài sống ở thủ đô?

Sao lại minh họa? Đó là tình cảm máu thịt CÓ THỰC, cả ở Huế và ở Hà Nội, thời chống Mỹ.

Tôi học cấp 2, cấp 3 và đại học ở Hà Nội, trở lại quê hương là thành phố Huế, bị thương trở ra Bắc, trực tiếp làm phóng viên cho báo Hà Nội Mới lúc B52 rải bom mùa Giáng Sinh 1972, rồi trở lại chiến trường.

Tình cảm người Hà Nội dành cho Huế những ngày tháng đó là cực kỳ sâu đậm. Có cả tiểu đoàn Hà Nội chi viện cho Huế mà hàng năm, vào ngày 27-7, tôi và anh em các đoàn thể vẫn lên nghĩa trang liệt sĩ thắp hương cho Trung đội trưởng Tô Hùng (em trai nhà văn Tô Hoàng) và các chiến sĩ tiểu đoàn Hà Nội hy sinh tại mặt trận Huế .

Ở Huế mỗi lần Hà Nội bị bom Mỹ tàn phá thì anh em phong trào, chị em chợ Đông Ba, nghiệp đoàn xích lô, các chùa… xuống đường quyết liệt phản đối, hoạt động ủng hộ, như chính Mỹ ném bom phá nát thành phố của mình.Tình cảm đó xúc động tôi ghê gớm bao năm trời.

Vì vậy Vùng sâu có hai nhân vật người Hà Nội (Hoài, đại úy an ninh và Trinh, cán bô ngoại giao) tuyệt đẹp, cùng với gia đình Trinh là hình ảnh những gì đẹp và thân thương của Hà Nội đối với thế hệ tôi, đối với Huế.

Vùng sâu có đề tài rất đích đáng- như đã nói. Giá nó được trau chuốt thêm về nghệ thuật- có cảm giác phần sau của cuốn sách được viết hơi vội. Nhất là khi ông muốn nhanh nhanh chóng chóng đi đến kết thúc có hậu?

Có bạn đọc nói với tôi rằng giá anh “đánh” nhân vật hắn mạnh hơn, tanh bành hơn thì tác phẩm “tới” hơn. Nói tôi hiền quá. Có lẽ cảm giác của chị cũng giống bạn đọc này chăng. Và vì tác phẩm kết có hậu quá?

Nói thật với chị, cái kết (cháu Nhân, giọt máu bị chối bỏ của hắn, như một quan tòa vô tư và nhẹ nhàng tuyên án xử hắn) tôi đã chuẩn bị ngay từ khi viết chương đầu tiên của tiểu thuyết.

Nhẹ nhàng cho hắn chết, một khi gần như tất cả các nhân vật, qua một quá trình khó khăn, kể cả vượt qua chính mình, đã cùng công khai lên án hắn, con đường vào Trung ương như đã bị chặn đứng.

Và lời tuyên án của “chánh án” Nhân là dấu chấm hết cuộc sống tinh thần của hắn. Nhưng, như anh Q. một anh bạn rất tiêu biểu của phong trào đô thị Huế nói với tôi: Tôi đã đọc Vùng sâu ba lần. Hắn vẫn sống! Tôi nói với Q. rằng, chính vì hắn vẫn còn ở nhiều nơi nên tôi mới viết Vùng sâu.

Cảm ơn nhà văn Tô Nhuận Vỹ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG