Nhạc sĩ Thanh Sơn - “Người xưa biết đâu mà tìm”

Nhạc sĩ Thanh Sơn - “Người xưa biết đâu mà tìm”
TP - Tin nhạc sĩ Thanh Sơn qua đời đến với tôi thật đột ngột. Bởi như mới đây thôi, khi tôi gọi điện thăm hỏi ông, ông vẫn luôn vui và không bao giờ nói gì về bệnh của mình. Trái lại, ông luôn hỏi thăm tôi: cháu có khỏe không? Tôi tự trách mình sao vô tư quá…

>Tác giả 'Nỗi buồn hoa phượng' với mùa thu Hà Nội
>Không có nhạc vàng, nhạc sến

Nhạc sĩ Thanh Sơn ra đi vào chiều 4 - 4 vừa qua, hưởng thọ 74 tuổi. Sinh thời ông được công chúng yêu mến âm nhạc biết đến từ thập niên 60 của thế kỷ trước với những ca khúc trữ tình như “Nỗi buồn hoa phượng”, “Lưu bút ngày xanh”, “Hình bóng quê nhà”, “Đoản xuân ca”… cho đến khi vĩnh viễn lìa xa dương thế người “nhạc sĩ của miền Tây” ấy đã có hơn 200 ca khúc với đề tài chủ yếu là những cảm xúc của tuổi học trò, tình yêu quê hương đất nước mang âm hưởng của dân ca Nam bộ.

Âm nhạc của Thanh Sơn gần gũi với đời sống của người dân Việt Nam bởi những ca từ, giai điệu giản đơn nhưng rất đỗi thân quen mà bất cứ ai khi chợt cất lên tiếng hát đều có thế thấy được một phần nào đó những cảm xúc của mình ở trong đó. Có những câu hát của ông như “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn…” hay “Nghe xuân sang thấy trong lòng chứa chan…” đã trở thành những thành ngữ trong cuộc sống.

Trong những sáng tác của nhạc sĩ Thanh Sơn hình ảnh “người xưa” một tà áo trắng lấp lánh trinh nguyên giữa dáng chiều, hay hồn nhiên tươi tắn với nụ cười bên cánh hoa phượng, đôi lúc lại e ấp dịu ngọt ở một miền ký ức sâu thẳm luôn xuất hiện, trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần nhất cố nhạc sĩ Thanh Sơn cho biết đó là hình ảnh ông luôn mang theo suốt cả cuộc đời và sẽ mang đi về bên kia thế giới, tà áo trắng ấy ban đầu là một cá nhân cụ thể nhưng sau đó đã trở thành một hình tượng tạo dựng cảm hứng cho biết bao sáng tác của ông.

Tôi có cơ hội gặp gỡ nhạc sĩ Thanh Sơn khi ông ra Hà Nội vào năm 2010 để tham dự chương trình ca nhạc vinh danh mình tại Nhà hát Lớn thành phố do Đài truyền hình kỹ thuật số VTC thực hiện. Ấn tượng về ông đầu tiên trong tôi đó là một ông già cao lớn, rắn rỏi nhưng có một nụ cười thật hiền hậu phóng khoáng y như tính cách của người dân Nam bộ vậy. Xuống sân bay chưa nhận phòng và chưa kịp cả ăn uống ông đã nhất quyết muốn đi nhìn tận mắt cây hoa sữa, rồi khi đã ở bên một cây hoa sữa lớn ở góc phố Hà Nội ông cứ gật gù tâm đắc mãi như một sự “thoả chí bình sinh” vậy, hỏi ra mới biết nhạc sĩ Thanh Sơn yêu quê hương đất nước của mình bằng một tình cảm hết sức đặc biệt, đến bất cứ đâu ông cũng tìm kiếm bằng được một hình ảnh riêng biệt, một phong vị đặc trưng của miền đất ấy để làm hạt nhân của xúc cảm ban đầu, sau đó sẽ thăng hoa thành giai điệu, đó cũng chính là lý do tại sao chúng ta nghe “Non nước hữu tình”, “Bài ngợi ca quê huơng”, “Áo mới Cà Mau”, “Hình bóng quê nhà”... lại thấy gần gũi và thân thương tới nhường vậy.

Đi cùng nhạc sĩ Thanh Sơn ra Hà Nội năm ấy có phu nhân của ông, hình bóng của tác phẩm “Mùa hoa anh đào” thuở nào, ông cười cười nhìn vợ rồi khoe “Sở dĩ tôi sáng tác được nhiều là do bà xã hết, tới vùng miền nào bả cũng chỉ cảnh đẹp chỗ nọ chỗ kia rồi bảo phải viết gì đó vì đẹp quá...” hơn nửa thế kỷ gắn bó, họ đã cùng nhau trải qua bao biến động cửa đời sống thế nhưng như chính nhạc sĩ Thanh Sơn chia sẻ “không hiểu sao càng về già tâm hồn tôi càng như trẻ lại, bà ấy vẫn luôn là chỗ dựa vững chắc nhất về mọi mặt để mình có thể sáng tác và sống giữa cuộc đời này”.

Cũng trong đêm nhạc vinh danh mình tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội năm 2010 nhạc sĩ Thanh Sơn đã không giấu được niềm xúc động với những tình cảm của khán giả miền Bắc dành cho ông cũng như các tác phẩm của mình. Ông đã từng rất vui khi đôi lúc dạo bước trên hè phố người ta không biết ông là ai nhưng họ lại đang cất cao tiếng hát những giai điệu của ông.

Hai năm đã trôi qua và nhạc sĩ Thanh Sơn đã phải dành phần lớn thời gian của mình trên giường bệnh sau ngày tai biến, mỗi lần gọi điện thoại cho ông, ông đều bật cười và lại kể cho tôi nghe một câu chuyện nho nhỏ thú vị nào đó, khi là việc những bạn bè cũ đến thăm ôn lại kỷ niệm xưa, lúc lại việc dạo này vợ ông “cấm” không cho nghe điện thoại vì sợ ảnh hưởng tới sức khoẻ, khi thì tình cờ đọc được một bài báo viết về mình nên rất vui... Và tin ông mất đến thật đột ngột.

Thanh Sơn - người nhạc sĩ mà cả gia tài âm nhạc của ông luôn vang vọng thanh sắc tuổi học trò cũng như chan chứa tình tự dân tộc những tình cảm tri ân chân thành nhất.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.