Làng trầm xứ trầm hương

Làng trầm xứ trầm hương
TP - Ở xứ trầm hương Khánh Hòa, có một làng nghề chế tác cây trầm cảnh xuất khẩu, chủ nhân là những người từng ngậm ngải tìm trầm, "ăn của rừng, rưng rưng nước mắt".

Trầm Quảng Nam xuất ngoại

Một thời đi địu

"Con đi bảy chuyến điếng bugi - Bà, Cậu trên cao thấy những gì - Dưới suối con đang hì hục lội - Trên đồi con giậm toát mồ hôi...". Ông Trần Ngọc An ở Xóm Đồn (thôn Phú Hội 1, Vạn Thắng) bắt đầu câu chuyện về thời lên rừng tìm trầm bằng mấy câu thơ.

Trầm hương và kỳ nam là phần gỗ cây gió bầu chứa nhựa thơm, từ hàng ngàn năm nay đã là hương, dược liệu quý. Trước đây, gió bầu có nhiều ở rừng tây bắc huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, cho loại trầm có hương thơm ngọt: "Cây quế thiên thai mọc ngoài khe đá, trầm nơi Vạn Giã hương tỏa sơn lâm". Như nhiều nơi ở Vạn Ninh, nghề khai thác trầm hương ở xã Vạn Thắng đã có từ lâu đời, được gọi là đi địu.

Nối bước ông ngoại, ông An và anh ruột đi địu từ khoảng năm 1979 - 1980. Mỗi bầu (nhóm) đi địu có 4 người, 6 người trở lên, không đi 3 hoặc 5 người, vì kiêng số 5 là ngũ quỷ, số 3 là tam tai. Phải chọn ngày tốt để xuất hành, trong ba ngày trước phải ăn chay, kiêng chuyện nam nữ. Suốt chuyến đi, không được nói chuyện xui xẻo, phải gọi trại tên nhiều thứ, như muối là diêm, gạo là mễ, cọp là thầy, cái võng là cái đưa, rắn là râu dài, té ngã là nhễu.?

Băng rừng mấy ngày mới tới chỗ tìm trầm, bầu dựng trại rồi lập bàn cúng. Phải đủ 15 bàn, trong đó có 5 bàn chính cúng Cửu tiên huyền nữ (bà Thiên Y A Na), Cậu Hai, Sơn lâm chúa tướng (ông Cọp), Tam cõi hội đồng, Sơn thần thổ địa. Sáng dậy mọi người nấu cơm ăn, rồi tỏa đi tìm trầm, nhưng không dỡ cơm mang theo. "Phải có lòng tin là không bị lạc, tối về trại, không phải ngủ lại rừng". Ông An kể. Mỗi người mỗi hướng, ai thấy trầm thì hú lên báo cho nhau.

Trầm thường được kết thành ở những chỗ cây gió bầu bị kiến, sâu đục, gãy cành, hoặc do người đi địu chém vào rễ hoặc gốc vài nhát, gọi là mở miệng. Nếu thấy cây gió có mặt bì, là mảng vỏ to cỡ bàn tay bị khô nứt, xạm màu, chắc chắn gặp kỳ nam. Bầu làm lễ tạ, xin sơn thần cho lấy kỳ. Cạy mặt bì, dùng dủm (loại đục bén, lưỡi cong) xoi vào trong cây theo mấy đường vân nhỏ như sợi chỉ, được cục kỳ nam vài ký, có khi tới vài chục ký. Lấy được khối kỳ đó là mãn chiến, bầu hạ sơn. Họ phải gói bọc kỳ nam rất kỹ để giấu mùi thơm, đi cắt rừng tránh kiểm lâm. Hạ sơn trót lọt, bán được kỳ, họ lại lên chỗ thấy kỳ nam để cúng tạ?

Từ Bác Ái (Ninh Thuận) đến Đak Glei (Kon Tum), từ An Lão (Bình Định) đến Trà Bồng (Quảng Nam), anh em ông An đã đi địu khắp các cánh rừng Tây Nguyên, Trường Sơn. Hầu như không lần nào họ phải về tay trắng, có lần trúng kỳ, mỗi người được cả chục cây vàng. Đổi lại, ai cũng bị sốt rét sau những ngày dài lặn lội nơi rừng già nước độc. "Bệnh viện Vạn Ninh chữa sốt rét giỏi, có lẽ do người Vạn Ninh đi địu bị sốt rét nhiều quá, họ chữa nhiều nên có kinh nghiệm". Ông An nói.

Trước kia, dân đi địu không hạ cây gió bầu, chỉ lấy trầm ở thân và rễ cây. Sau này trầm kiệt, người ta chặt hạ gió bầu bừa bãi. Gió bầu hết, họ lại tìm gió niệt (gió gạch), loại cây cũng cho trầm nhưng mùi nồng, giá trị thấp. Nay, gió niệt cũng gần như tuyệt chủng.

Tích lũy được vốn kha khá, lại ngán những chuyến "điếng bugi", những lần vật vã vì sốt rét, anh em ông An chuyển qua buôn bán trầm. Nhưng ông An bị một nhóm người ở Đồng Tháp lừa, giật mất gần 200 cây vàng. Còn chút vốn, anh em ông mang trầm sang Lào bán cho người Thái. Năm 1990, họ mang 3 tạ trầm sang Viêng Chăn, đi theo một đoàn xe của tỉnh Tiền Giang chở toàn người đi buôn dưới mác du lịch. Trừ mọi chi phí ăn ở, làm luật dọc đường, chuyến đó mỗi người lời 2 chục cây vàng. Chuyến sau họ mang 3 tấn trầm, nhưng bị ghìm giá, lời không nhiều. Chuyến thứ 3, đoàn xe bị đánh mìn khi về gần đến cửa khẩu Lao Bảo, nhiều người chết, may anh em ông An không sao. Nghe nói, do tranh mối làm ăn, có người xúi phỉ đánh mìn. Sau chuyến đó, họ không đi nữa.?

Làng trầm mỹ nghệ

Từng có mấy trăm cây vàng, vào TP Hồ Chí Minh hay sang Viêng Chăn đều ở khách sạn sang nhất, nay ông An chỉ mong ra thăm được Hà Nội. Tiền bạc không còn bao nhiêu, nhưng ông hài lòng khi 5 người con đều có cuộc sống đàng hoàng. Họ vẫn gắn bó với trầm hương, không phải bằng nghề đi địu, mà làm chủ cơ sở trầm mỹ nghệ.

Mươi năm lại đây, khi trầm hương trên rừng cạn kiệt, đi địu thường về tay không, người Vạn Thắng chuyển qua chế tác trầm mỹ nghệ. Đông nhất là ở Xóm Đồn và Xóm Than (thôn Quảng Hội 1), hầu như nhà nào cũng có người làm trầm mỹ nghệ.

Nhẹ nhàng cẩn thận ngón tay, nếu như không khéo, sẽ bay áo trầm
Nhẹ nhàng cẩn thận ngón tay, nếu như không khéo, sẽ bay áo trầm.

Ngoài 30 tuổi, vợ chồng chị Lê Thị Hồng và anh Bùi Xuân Nghệ ở Xóm Than làm chủ một cơ sở trầm mỹ nghệ, thường xuyên có khoảng 30 thợ. Anh Nghệ quê Quảng Xương, Thanh Hóa, từng đi địu trước khi cưới chị Hồng rồi theo nghề do cha mẹ chị truyền lại. Phần lớn nguyên liệu để chế tác là gió trồng, được anh Nghệ ra vùng Hương Khê, Hà Tĩnh mua về, rất hiếm khi có được gió bầu tự nhiên.

Khúc gió bầu được đẽo lớp vỏ ngoài, rồi thợ dùng dủm xoi, xỉa những phần gỗ trắng, để lộ ra những mạch trầm muôn hình vạn trạng. Càng vào sát mạch trầm, cỡ dủm được dùng càng nhỏ, càng phải nhẹ tay, để không phạm vào trầm. Với những mạch trầm uốn lượn như trôn ốc, phải tỉ mẩn dùng cây móc nhỏ nạo từng chút gỗ, như lấy ráy tai. Gặp những khúc gió bầu lớn, mạch trầm phức tạp, phải mất ba bốn chục công để có cây trầm cảnh. "Về sự kiên nhẫn, điềm tĩnh của thợ xoi trầm, mấy ông thầy chùa cũng nể". Anh Trần Minh Giảng, ở Xóm Đồn nói vui, khi đang cặm cụi xoi một miếng trầm nhỏ hơn bàn tay.

Hầu hết trầm cảnh được mang vào TP Hồ Chí Minh, bán cho khách Đài Loan, Hồng Kông. Theo họ, có cây trầm cảnh trong nhà sẽ xua đuổi tà khí, mang lại sức khỏe, may mắn, tài lộc cho gia đình. Chị Hồng cho biết, đầu ra của trầm mỹ nghệ rất ổn định, miễn là có cây nguyên liệu để chế tác. Giá trầm cảnh từ vài triệu, vài trăm triệu đến cả tỷ đồng, tùy thuộc loại trầm, dáng cây, nhưng cũng còn tùy thời điểm, tùy người mua. Người bán, người mua đều đánh giá trầm bằng mắt, bằng trực giác là chính. Đi mua gỗ trầm nguyên liệu phải có kinh nghiệm, đoán giá trị trầm trong khúc gỗ khi nó còn nguyên cả vỏ. "Cũng có khi mua hớ, nhưng nói chung mua mười cây trúng bảy cây". Anh Trần Văn Thái (Xóm Đồn), có gần 30 năm đi địu rồi làm trầm cảnh nói. Anh cho biết, khúc trầm nguyên liệu hầu như không bỏ đi phần nào. Các loại dăm (xác xỉa) đều được tận dụng để chế tinh dầu, làm nhang, giá từ vài ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng mỗi ký.

Nam phụ lão ấu đều có thể xoi trầm, không phải dầm mưa dãi nắng nhưng mỗi ngày cũng có thể kiếm được trăm ngàn đồng. Với hàng ngàn ha gió bầu đang được trồng ở nhiều nơi trong nước, làng trầm mỹ nghệ không lo thiếu nguyên liệu. "Không nghề gì sướng bằng nghề xoi trầm". Ngồi làm nghề ở cơ sở trầm mỹ nghệ của cô con gái Mỹ Hạnh, ông An nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG