Bob Dylan thời trẻ Ảnh: Solcomhouse.. |
Buổi diễn của huyền thoại âm nhạc Mỹ Bob Dylan tác giả những ca khúc phản chiến bất hủ không chỉ làm thỏa mãn fan của ông- dù nghệ sĩ đã ở vào lúc xế bóng cuộc đời- mà còn đã để lại ấn tượng mạnh đối với những người hiểu biết pháp luật và quan tâm đến Luật bản quyền tác giả.
Đêm diễn duy nhất của Bod Dylan ở trường RMIT (TPHCM) giá vé 50 USD, khán giả ước tính gần 8.000 người, bao gồm cả người Việt Nam lẫn người nước ngoài tham gia đêm diễn. Hàng loạt các ca khúc quen thuộc vang lên, riêng ông hát 18 bài: All along the watchtower, Ballad of a thin man, Hard rains a gonna gall, Honest with me…
Hầu hết các chương trình âm nhạc nước ngoài diễn ở Việt Nam đều đến VCPMC (Trung tâm bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc VN) để thực hiện nghĩa vụ bản quyền. Đó là ứng xử văn hóa không thể thiếu của nghệ sĩ đẳng cấp quốc tế. Bởi ở những nơi họ sống hay lưu diễn, việc không thanh toán bản quyền đồng nghĩa với việc có thể phải đối diện với kiện tụng.
Riêng chương trình Bob Dylan, 18 bài ông hát đều là nhạc phẩm do ông sáng tác, chỉ có 6 bài người khác viết lời. Người ta nghĩ: Bob Dylan có thể yêu cầu nhà tổ chức trả thẳng tiền bản quyền cho ông, thậm chí chẳng đặt vấn đề bản quyền làm gì?
Thực tế là, nhà tổ chức chương trình của Bob Dylan đã làm đúng nguyên tắc: Thanh toán cho VCPMC, bởi VCPMC là thành viên của tổ chức bản quyền âm nhạc quốc tế và đã ký hợp đồng song phương với các tổ chức tương ứng trên thế giới. Sau đó VCPMC thanh toán cho các tổ chức đó, trong đó có SESAC mà Bob Dylan là thành viên. Và từ SESAC, Bob Dylan lại nhận được tiền bản quyền của chính mình với tỷ lệ chia đã được ký kết nguyên tắc từ trước. Sự vòng vèo này hẳn “khó hiểu” đối với nhiều người Việt Nam nhưng lại là đương nhiên.
Có một người Anh, học ngành Luật và hành nghề báo chí, làm việc ở Việt Nam một số năm, có lần hỏi tôi: “Không hiểu tại sao các bạn đã có Luật về bản quyền tác giả, có các nghị định hướng dẫn thi hành Luật mà thực thi bản quyền âm nhạc vẫn khó khăn đến thế?” Ông cười nói thêm: “Khi tôi hỏi một quan chức về việc ấy thì ông ta bảo rằng đó là việc của một Phó Đức Phương nào đó?”
Tôi kể câu chuyện với nhạc sĩ Phó Đức Phương, ông cười buồn: “Lúc nào Trung tâm bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc cũng ở giữa các áp lực: Không thu được phí bản quyền thì các nhạc sĩ mất niềm tin, mà đi thu thì người ta bảo thu để ông Phương hưởng phí tỷ lệ. Mà có phải chúng tôi chỉ làm việc vì quyền lợi của các nhạc sĩ VN đâu. Việt Nam đã là thành viên của tổ chức thương mại thế giới, các nhạc sĩ nước ngoài người ta cũng đòi quyền lợi chứ. Tỷ lệ phí hay cách thức thu mà không theo quy định quốc tế, đâu có được”.