Tôn trọng

Tôn trọng
TP - Ngày ngày, trung tá cảnh sát giao thông Lê Đức Đoàn, một thương binh thời kỳ chống Mỹ cứu nước, người có công bắt tên cướp giật trên cầu Chương Dương, vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ trên cây cầu này.

> ‘Phái đẹp’ làm cảnh sát giao thông tốt hay không?

Nhiều người đi qua vẫy chào, gọi tên và bắt tay anh. Nhưng cũng có những ông bố bà mẹ không đội mũ bảo hiểm chở con trên xe máy qua cầu. Bị giữ xe, họ chửi bới om xòm. Không tuân thủ pháp luật đã đành, họ còn không biết tôn trọng người cảnh sát dũng cảm kia, không biết tôn trọng đứa con mình đang chở theo. Thật đáng sợ nếu một ngày kia, đứa con sẽ nói: Bố mẹ không tôn trọng luật, thì tại sao con phải tôn trọng bố mẹ.

Ai cũng có nỗi sợ hãi. Có những nỗi sợ vô căn cứ, làm con người hèn kém, nhưng có nỗi sợ cần thiết và chính đáng. Trong quan hệ xã hội, đương nhiên phải biết sợ (chính xác là tôn trọng) pháp luật. Bởi pháp luật và những người đại diện nó, thi hành nó chính là yếu tố cơ bản duy trì trật tự xã hội. Khi bản năng trỗi dậy, khi đạo đức suy, pháp luật dễ bị coi nhờn, bị vượt qua, lách qua.

Bộ Công an thống kê 6 tháng đầu năm có hàng chục vụ chống người thi hành công vụ. Toàn những vụ nổi cộm. Gây bức xúc nhất là vụ các hiệp sỹ ở Bình Dương tham gia phòng chống tội phạm bị đe dọa, bị chém.

Một trong những lý do sâu xa của những hành động ấy là nền tảng giáo dục trong gia đình, cộng đồng. Nỗi sợ khiến người ta trưởng thành - có một danh ngôn đại ý như vậy. Hoa hậu Việt Nam 2010 Đặng Ngọc Hân cũng nói về bản thân: Biết điều và biết sợ. Biết sợ chuyện vi phạm pháp luật và thượng tôn pháp luật là một trong những phẩm chất làm nên phông văn hóa ở mỗi người và là thứ thiết yếu trong xã hội văn minh.

Ngẫm ra, văn hóa chẳng phải cái gì xa xôi diệu vợi, mà chính là cái sự biết sợ và tôn trọng những gì đáng phải tôn trọng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG