>> 14 tác phẩm đoạt giải cuộc Vận động sáng tác ca khúc về Đoàn
Tạ Quang Thắng hát “Lá cờ” trên sân khấu Bài hát Việt - Ảnh: Phan Anh. |
Từng gây chú ý bằng cách làm mới dân ca, dường như giờ đây Quang Thắng trở thành người viết nhạc đỏ bằng phong cách mới. Về Lá cờ , anh lý giải: “Mọi người cứ bảo viết bài hát tuyên truyền tầm vóc này nọ nhưng khi viết, tôi chỉ kể câu chuyện mà bố mẹ kể cho mình”.
Anh nói tiếp: “Tôi lồng cảm xúc, niềm tự hào của mình vào, khi bố mẹ mình anh hùng, đảm đang như thế. Mình cũng gặp những khó khăn trong cuộc sống nhưng nghĩ thời các cụ khổ thế vẫn làm được thì lại vững bước”.
Cùng với Lá cờ, các sáng tác về những vấn đề xã hội đang được Thắng tập hợp trong album đầu tay phát hành năm nay. Năm lớp 10, Thắng viết Hoa hồng, cảm hứng lấy từ phim Hàn Quốc. “Giờ thì khác,” Thắng khẳng định. “Phải tự mình gặp gì viết nấy”. Thắng thường viết nhạc và lời cùng một lúc, bằng tiếng Anh. Sau khi có giai điệu hoàn chỉnh, mới làm lời Việt. Làm vậy để tránh dấu trong tiếng Việt ảnh hưởng đến giai điệu.
Dù xác định sẽ theo phong cách country-rock, Thắng vẫn không giấu được cách hát mùi mẫn đậm chất R&B. Anh lý giải: “Bố mẹ tôi làm nghệ thuật dân tộc, thành ra luyến láy chèo, tuồng ăn vào tôi từ bé. Lớn lên, bắt đầu nghe nhạc nước ngoài là bập ngay vào R&B nên bây giờ hát country - rock vẫn còn gợn tí luyến láy”.
Sinh ra trong cái nôi truyền thống, nhưng Thắng không thích viết kiểu dân gian đương đại “Xu hướng dân gian đương đại rất hay, nhưng quan trọng tôi thấy nhạc các cụ hay hơn. Nên một là làm hẳn nhạc các cụ, hai là làm nhạc của mình. Tôi thích hát bài của các cụ nhưng theo hơi hướng của bây giờ, hơn là viết bài bắt chước các cụ nhưng lại không ra”.
"Khi anh lên sân khấu, nếu anh hát hay, người ta sẽ nghe anh là chính. Nếu anh hát không hay, người ta sẽ nhìn anh là chính" |
Thắng có cách riêng để tri ân các cụ. Anh hé lộ, khi nào nổi tiếng hơn nữa sẽ quay lại chơi nhạc các cụ theo cách của mình. Thực ra, Thắng đã thí điểm thành công với Bèo dạt mây trôi. Và có thể, nói chính nhờ nhạc các cụ mà mọi người chú ý đến anh buổi ban đầu.
Thắng nói: “Bây giờ tôi muốn làm nhạc hiện đại nhưng khi có một chỗ đứng nào đấy, tôi sẽ kết hợp với những học trò của bố tôi”. Bố Thắng là đạo diễn sân khấu Tạ Tạo, nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Tuồng Trung ương. Ông mất khi Thắng mới học lớp 6.
Thắng cao khoảng mét tám, nặng 80 cân. Một số người nhận xét, trông anh như võ sĩ, vận động viên, thậm chí như giang hồ, đầu gấu (!). Thắng chẳng lấy làm phiền vì bề ngoài có vẻ không nghệ sĩ. “Khi anh lên sân khấu, nếu anh hát hay, người ta sẽ nghe anh là chính. Nếu anh hát không hay, người ta sẽ nhìn anh là chính”, Thắng tâm sự.
Tại Sao Mai Điểm hẹn 2010, bị loại sớm nhưng Thắng gây chú ý không chỉ vì chọn bài Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó, mà còn vì mang cả ban nhạc đến dự thi. Ngoài ghi-ta, Thắng chơi được piano và kèn trôm-pet. Rồi cũng chính ê-kip đó, Thắng mang sang Bài hát Việt, có giải ngay.
Trong ba giải tại Bài hát Việt, Thắng hãnh diện nhất với giải của Hội Nhạc sĩ. “Một người trẻ như tôi được các chú, bác đánh giá thế, tôi thấy tự hào, thấy mình còn phải cố gắng nữa. Chứ còn giải Thể nghiệm Sáng tạo cũng bình thường.
Bởi có phải mình làm nhạc chỉ để được giải Bài hát Việt đâu. Nhạc là việc cả đời”. Dù sao, sau Bài hát Việt, nhiều người biết đến Tạ Quang Thắng trong vai trò nhạc sĩ (?). “Không thể gọi là nhạc sĩ, trừ phi tôi viết được khí nhạc”, Thắng nói.