Lễ hội phải vừa vui, vừa có lãi

Một họa sĩ nước ngoài vẽ trâu tại lễ hội tịch điền năm 2010
Một họa sĩ nước ngoài vẽ trâu tại lễ hội tịch điền năm 2010
TP - Một festival thu hút khách quốc tế, đem về doanh thu hàng triệu USD cho Nhà nước, Việt Nam có thể làm được không? Hoàn toàn có thể, PGS -TS Bùi Quang Thắng, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, khẳng định.
Một họa sĩ nước ngoài vẽ trâu tại lễ hội tịch điền năm 2010
Một họa sĩ nước ngoài vẽ trâu tại lễ hội tịch điền năm 2010.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, cái thiếu nhất của ngành văn hóa Việt Nam hiện nay là công nghiệp văn hóa, đặc biệt là các hình thức festival để thu hút giới trẻ vào các sinh hoạt văn hóa lành mạnh, nâng cao thị hiếu của khán giả.

Lễ hội phải có sức thu hút

Vốn là người có nhiều năm nghiên cứu và phục dựng lễ hội tại Việt Nam, theo ông, phải chăng ngày xưa các cụ có nhiều trò chơi hơn, cuốn hút hơn hôm nay?

Ngày xưa lễ hội đủ sức thoả mãn nhu cầu của tất cả mọi người từ cụ già đến em nhỏ. Ngày nay, lễ hội bắt đầu bộc lộ những hạn chế. Nhu cầu văn hóa của người trẻ hiện nay cao lên nhiều. Lễ hội truyền thống nếu giữ nguyên (cúng lễ, rước sách, nếu vui hơn thì có trò chơi dân gian, có diễn xướng dân gian) chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của thanh niên hiện nay.

Vậy chúng ta cần phải làm gì để thu hút giới trẻ?

Chúng ta vẫn hô hào phải đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa. Nhưng công nghiệp văn hóa là gì? Người phương Tây nói ít, nhưng họ làm rất tốt. Họ rất giỏi việc lấy từ vốn văn hóa ra, biến thành những sản phẩm hàng hóa có lãi. Chẳng hạn con quái vật hồ Lockness có thật đâu? Nhưng du khách vẫn đến đấy, rồi mua các sản phẩm du lịch có liên quan tới con quái vật. Trẻ con có đồ chơi cho trẻ con, người lớn có đồ người lớn, hàng hóa cứ bán ầm ầm...

Với các nước phát triển, các nhà tổ chức festival không cần xin tài trợ của nhà nước, nhưng mỗi festival đều mang lại lợi ích kinh tế lớn, hàng triệu USD mỗi năm, như lễ hội Edinburgh (Anh) và một số lễ hội ở Ý, Pháp, Đức, Thụy Sỹ.

PGS - TS Bùi Quang Thắng
PGS - TS Bùi Quang Thắng.

Ngày Tết hoặc những ngày kỷ niệm chúng ta có cái gì? Không có hoạt động nghệ thuật nào thực sự thu hút quần chúng, thực sự tạo ra không khí lễ hội. Làm festival là phải thu hút hàng vạn người và tạo được không khí hội hè của đám đông. Festvial Huế cũng có mục đích như vậy nhưng làm chưa tới. Đó là cái đang thiếu tại VN và cần khắc phục.

Văn hóa phải thu được tiền

Như ông đã nói, làm festival chính là kiếm tiền. Văn hóa bù lỗ là văn hóa phế phẩm?

Tôi đã theo học các lớp tổ chức quản lý festival của Hội đồng Anh, thấy nó đơn giản vô cùng và tự hỏi tại sao Việt Nam không làm. Tôi cho rằng, điều đó phụ thuộc vào chính sách văn hóa và quan điểm phát triển văn hóa của các nhà quản lý.

Họ quên một điều rằng, muốn bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, thì phải đối diện với quốc tế, đưa nó hòa nhập vào quốc tế. Ví dụ như âm nhạc dân tộc. Nếu ta tự bỏ tiền ra bảo tồn thì thu được bao nhiêu giá trị? Người dân trong nước không thích, còn khách quốc tế không chấp nhận bởi họ không hiểu.

Chúng ta chưa đặt ra vấn đề văn hóa trả tiền. Văn hóa phải bù lỗ như hiện nay chỉ là văn hóa phế phẩm. PGS -TS Bùi Quang Thắng

Cũng như dân mình không thể nghe được nhạc giao hưởng. Đó là chuyện bình thường. Vậy phải làm cách nào? Xu hướng chung là world music, tức là giới thiệu âm nhạc của các nền văn hóa khác nhau theo giọng điệu mà ai cũng hiểu. Như vậy, âm nhạc Việt Nam không mất đâu cả, mà được rất nhiều.

Do quan điểm của chúng ta về bảo tồn và bản sắc cực đoan nên chúng ta không đưa văn hóa nghệ thuật vượt qua ngoài thế giới. Trong khi các nước khác họ phát triển ầm ầm như nhạc Ấn Độ, nhạc Hàn Quốc... Đó là con đường thế giới đã đi rất lâu. Văn hóa phải kiếm ra tiền, nhưng vẫn đảm bảo nhu cầu hưởng thụ cho người dân.

Các nghệ sỹ, nhà đầu tư tư nhân sẽ vào cuộc. Họ sẽ đứng ra tổ chức, nhưng phải có sự giúp đỡ của nhà nước. Cần phải có những hình thức khác mới hơn như festival nghệ thuật đương đại vì nó thu hút được công chúng ít nhất là ở một vùng rộng lớn.

Vẽ trâu ở lễ hội tịch điền, vẽ người ở lễ hội Lảnh Giang phải chăng là những “cái đương đại” được ông đưa vào để câu khách?

Tôi làm những lễ hội này theo mô hình người dân thực sự tham gia lễ hội, coi là của họ chứ không phải kiểu mang lễ hội về cho người dân, biến người dân thành khán giả xem lễ hội. Mô hình này phải mang lại lợi ích cho cộng đồng, phải phát triển, phải gắn với du lịch thì di sản mới sống trong lòng xã hội đương đại. Di sản phải hấp dẫn giới trẻ, khách du lịch và biến di sản thành cơ hội kiếm tiền cho cộng đồng. Đó là mục tiêu chính của tôi.

Nghệ thuật bodypainting(vẽ trên cơ thể) tại Lễ hội đền Lảnh Giang
Nghệ thuật bodypainting(vẽ trên cơ thể) tại Lễ hội đền Lảnh Giang.

Quan điểm của tôi là làm lễ hội truyền thống như tổ chức một sự kiện, tức là phải khuếch đại nó lên, làm tiếng nó vang càng xa càng tốt. Tôi nói thật, nếu lễ hội Tịch điền không có vẽ trâu thì rất bình thường. Nhưng có vẽ trâu là khác ngay. Nhưng không nên nệ cổ, ngày xưa người ta trang trí trâu kiểu ngày xưa thì bây giờ mình trang trí kiểu ngày nay. Mình phải tìm ra một thứ gây hấp dẫn.

Về phía nhà tổ chức, ông có cho thế là thành công?

Muốn biết có thành công hay không thì xin hỏi người dân. Người dân có vui không, có được lợi không? Tôi chỉ tính sơ thế này: Lễ hội kiểu cũ có 1.000 người đến, thì bây giờ có vạn người. Đơn giản chỉ tính riêng tiền thu gửi xe máy đã được lợi, chưa kể đến chuyện bán hương hoa, quả, dịch vụ hàng ăn... Chúng tôi có nghiên cứu ý kiến của cộng đồng, người ta phấn khởi lắm. Không phải chỉ chuyện thu tiền, mà cả về văn hóa cộng đồng.

Bây giờ nói thật tôi chỉ tha thiết một cái festival cho đúng nghĩa và thu được tiền cho nhà nước.

Ông đã hình thành ý tưởng cho festival đó như thế nào?

Đó sẽ là một festival cỡ quốc tế với số tiền đầu tư cỡ 4-5 triệu đô la. Tôi sẽ làm, kế hoạch hơi lâu, khoảng 2012, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch cũng có chủ trương làm, Hội đồng Anh và Đại sứ quán Đan Mạch cũng muốn giúp đỡ. Bây giờ đang trong thời gian hình thành ý tưởng.

Xin cảm ơn ông.

PGS-TS Bùi Quang Thắng là nhà nghiên cứu về các vấn đề văn hóa và xã hội học. Ông đã có công trong việc phục dựng các lễ hội cổ như Lễ hội làng Xuân Phả (Thanh Hóa) năm 2003, lễ hội Lam Kinh (Thanh Hóa) năm 2005, Lễ hội Kiếp Bạc (Hải Dương) năm 2006, Lễ hội Lảnh Giang (Hà Nam) năm 2009, Lễ hội Tịch điền (Nam Định) năm 2010. Mới đây, ông đã tham gia tổ chức sự kiện Lễ đón bằng UNESCO cho Lễ hội Gióng 2011. Ngoài ra, ông còn tham gia làm phim nhân học. Các cuốn sách của ông đã xuất bản: Xã hội học nghệ thuật (1997), Hành trình vào văn hóa học (2004), Văn hóa phi vật thể ở Hội An (2004), 30 thuật ngữ nghiên cứu văn hóa (2009).

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.